Dân biết nhưng còn... ngại nói

05/05/2020 05:41 GMT+7

Nhiều bạn đọc tán đồng ý kiến 'để loại bỏ những cán bộ tiêu cực, tha hóa , giàu nhanh bất thường, nhiều nhà, nhiều đất thì chỉ dựa vào bộ máy của Đảng, Nhà nước là chưa đủ, mà phải dựa vào ý kiến của nhân dân".

Như Thanh Niên đã thông tin (bài Quan chức giàu bất thường, hỏi dân là ra ngay ngày 4.5.2020), trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN, cho rằng: “Để có thể phát hiện những người giàu nhanh, bất thường, nhiều nhà, nhiều đất thì không thể chỉ dựa vào bộ máy Đảng, Nhà nước mà quan trọng nhất là phải dựa vào dân. Bác Hồ đã từng nói: Có khó khăn gì, cứ về hỏi dân”.

Nếu anh không hỏi, ai sẽ trả lời ?

Nhiều bạn đọc (BĐ) cho rằng dân biết nhiều thứ và nên dựa vào dân. BĐ Tuấn Nguyễn chia sẻ: “Thanh tra bộ, ban ngành T.Ư về địa phương ghé quán bình dân làm tô cháo, bát phở hay uống ly trà, hỏi dân là ra nhiều thứ. Chứ đi thanh tra kiểm tra mà cờ trống rồi các vị ấy cứ bám theo 24/24 giờ chăm lo từ cái ăn đến giấc ngủ thì hỏi không ra đâu...”.
BĐ Toan thẳng thắn: “Dân biết hết cả đấy. Nhưng cũng phải tạo cơ hội cho dân được bày tỏ. Nếu anh không hỏi, ai sẽ trả lời?”.

Con sâu làm rầu nồi canh chính là việc chạy chức chạy quyền lo lót để vào bộ máy nhà nước, hậu quả là có quan chức tha hóa đạo đức, tham ô, tham nhũng! Rất mong Đảng và Nhà nước mạnh tay với việc này!

Toán Trịnh

Trong khi đó, BĐ Minh Dũng nêu một thực trạng: “Theo thực tế quản lý tại các địa phương, khi một hộ dân vừa đổ đống cát, đá để xây dựng nhà khi chưa xin phép là có mặt cán bộ quản lý địa chính ngay... Một số quan chức, từ cấp trưởng phòng và giám đốc sở, chưa nói đến vị trí cao hơn, trước khi về hưu hoặc đã về hưu phần lớn đều có những căn nhà to đùng sẵn rồi. Dân chắc chắn là biết tất, nhưng nói với ai? Không khéo lại bị tội vu khống khi căn nhà quan chức đang ở lại nhờ ai đó đứng tên. Do vậy, theo BĐ này, chỉ có cách tự Thanh tra Nhà nước âm thầm củng cố hồ sơ, thẩm tra tài sản từ đâu mà có là phù hợp nhất, và trung thực nhất.
Cùng ý kiến, BĐ Giáo Già cho rằng: “Dân không dám nói đâu, nếu không có biện pháp bảo vệ dân, bởi nói ra dễ bị chụp mũ “nói xấu cán bộ”!

Để dân không ngại phản ánh

“Sao không thấy số điện thoại nóng, địa chỉ mail để người dân phản ánh nhỉ?”, BĐ Trầm hỏi. BĐ Phiệt đặt vấn đề: “Dân biết nhưng ai sẽ hỏi dân? Dân phản ánh ở đâu? Nên có số điện thoại, địa chỉ cụ thể, ai cũng biết...”. Cùng ý kiến, Quỳnh Lâm chia sẻ: “Theo tôi nên có số điện thoại nóng miễn phí, để mọi người dân đều có thể phản ánh mọi vấn đề liên quan đến công chức. Chứ bây giờ tôi muốn phản ánh, chẳng biết gọi cho ai, số nào”...
Còn BĐ Kiên Trung thì nhấn mạnh: “Đề nghị nên có địa chỉ email dễ nhớ để người dân phản ánh, gửi tài liệu, thậm chí là video về các quan chức, nhất là quan chức giàu bất thường. Địa chỉ email này phải có người trực 24/24, và liên hệ lại với người dân khi nhận được tài liệu.
BĐ Trần Minh Tuấn thì đề xuất: “Lập một trang web về chống tham nhũng. Mọi người dân đều có thể đưa lên đó thông tin về tham nhũng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của những tin này, đồng thời họ cũng phải được pháp luật bảo vệ. Khi đó cơ quan công an, thanh tra phòng chống tham nhũng chỉ cần sàng lọc tin và điều tra thì hiệu quả vô cùng”.

Tôi rất nhất trí ý kiến này trong bài viết: “Bác Hồ đã từng nói: Có khó khăn gì, cứ về hỏi dân. Mới đây, Tổng bí thư cũng khẳng định: Dân biết cả đấy. Vì vậy, muốn biết quan chức có bao nhiêu nhà, đất, có giàu nhanh hay không, chỉ cần hỏi dân là biết. Tôi đề nghị những người dự kiến đưa vào T.Ư khóa XIII nên công khai để dân biết và giám sát”. Bao giờ thì làm?

Ðương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.