Đất một nơi, hộ khẩu một nẻo
Năm 1991, ông Nguyễn Trọng Tài từ H.Hưng Nguyên lên xã Châu Bình (H.Quỳ Châu, Nghệ An) dựng lán sửa chữa xe máy khi cơn sốt khai thác trái phép đá đỏ đang rộ lên ở xã này. “Khi đó, tôi mới 21 tuổi. Ở đây toàn rừng núi, bám đường chỉ lưa thưa một ít cái lán do người từ dưới xuôi lên đây dựng để ở. Tui đến đây vì nghĩ sẽ có nhiều đại gia từ nhiều nơi chạy xe máy đến đây mua đá đỏ nên lên mở lán để sửa xe”, ông Tài kể.
Những hộ dân có hộ khẩu ở xã Yên Hợp, H.Quỳ Hợp sống trên đất H.Quỳ Châu |
KHÁNH HOAN |
Cơn sốt đá đỏ bị dẹp vào cuối năm đó nhưng ông Tài ở lại cái lán này rồi dựng nhà, cưới vợ, sinh con đẻ cái. Cái lán ấy nay là thửa đất bám QL48, thuộc xóm Dé, xã Yên Hợp, H.Quỳ Hợp. Cùng cảnh ngộ, năm 1991, vợ chồng bà Đào Thị Mỹ (75 tuổi) từ xã Sơn Hải (H.Quỳnh Lưu, Nghệ An) đến đây để sinh sống, lập nghiệp. Gia đình bà dựng lán để ở sát bên đường cái. Nay mảnh đất ấy bám QL48, thuộc xóm Dé. Theo tìm hiểu của PV, thời điểm đó có 17 hộ dân từ các huyện miền xuôi tìm đến đây để sinh sống, lập nghiệp. Từ đó đến nay, hộ khẩu của 17 hộ dân này (hiện có thêm 2 hộ hình thành từ việc tách hộ) thuộc xóm Dé, xã Yên Hợp, H.Quỳ Hợp. Thế nhưng, khu đất mà các hộ dân này sống hơn 30 năm qua lại thuộc về địa giới hành chính của xã Châu Bình, H.Quỳ Châu. Đây là địa điểm giáp ranh giữa 2 huyện, 19 hộ dân này sống dọc hai bên QL48, tiếp giáp với người dân xóm Quỳnh, xã Châu Bình, H.Quỳ Châu. Do hộ khẩu một nơi, địa giới hành chính một nẻo, nên đến nay, 19 hộ dân này vẫn chưa được cấp “sổ đỏ” dù họ đã đề nghị từ nhiều năm qua. “Không có sổ đỏ, chúng tôi muốn vay vốn làm ăn cũng không được. Chúng tôi không được cấp đất rừng, không có ruộng lúa”, ông Tài nói.
Người dân cũng cho biết từ 10 năm qua, người dân đã nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng cấp “sổ đỏ” cho họ nhưng đến nay vẫn chưa được vì vướng việc giải quyết địa giới hành chính giữa 2 huyện.
Chưa giải quyết xong địa giới
Ông Nguyễn Công Giáp, Bí thư Đảng ủy xã Yên Hợp, cho biết theo bản đồ 364 (thực hiện theo Chỉ thị số 364 năm 1991 của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng) thì khu vực 19 hộ dân này sinh sống thuộc đất H.Quỳ Châu. Tuy nhiên, do 19 hộ dân này có hộ khẩu ở xã Yên Hợp nên lãnh đạo xã muốn điều chỉnh địa giới, chuyển diện tích đất ở này về xã Yên Hợp quản lý.
Theo báo cáo của Phòng Nội vụ H.Quỳ Hợp, ngày 28.11.2016, UBND H.Quỳ Hợp đã tổ chức hội nghị hiệp thương với UBND H.Quỳ Châu và đã thống nhất điều chỉnh lại địa giới hành chính giữa 2 xã, cắt 1,9 ha của xã Châu Bình có 19 hộ dân hộ khẩu thuộc xã Yên Hợp chuyển về cho xã Yên Hợp, H.Quỳ Hợp quản lý. Biên bản hiệp thương do Chủ tịch UBND 2 huyện ký đã nộp lên Sở Nội vụ để làm thủ tục điều chỉnh địa giới.
Đến năm 2021, đơn vị tư vấn đã chỉnh sửa bản đồ theo Quyết định 513/QĐTTg và cắm mốc tại thực địa. Tuy nhiên, khi đơn vị tư vấn đưa hồ sơ, bản đồ lên trình H.Quỳ Châu ký xác nhận hoàn thiện thì lãnh đạo H.Quỳ Châu đề nghị không điều chỉnh bản đồ địa giới hành chính như đã họp hiệp thương mà giữ nguyên như bản đồ 364. Ngày 31.12.2021, UBND H.Quỳ Châu đã tổ chức cuộc họp hiệp thương với H.Quỳ Hợp để giải quyết vướng mắc. Lần này, H.Quỳ Hợp tiếp tục đề nghị tỉnh Nghệ An thực hiện việc điều chỉnh đường địa giới hành chính như đã thống nhất tại cuộc hiệp thương năm 2016. Tuy nhiên, H.Quỳ Châu cũng đề nghị không điều chỉnh địa giới mà giữ nguyên như bản đồ 364.
Do không thống nhất được phương án, đại diện Sở Nội vụ Nghệ An đã giao H.Quỳ Châu khảo sát ý kiến của các hộ dân để trình Sở Nội vụ xem xét. Kết quả khảo sát của H.Quỳ Châu cho thấy, có 14/17 hộ dân được lấy ý kiến có nguyện vọng muốn chuyển hộ khẩu về xã Châu Bình, 3 hộ dân còn lại không có ý kiến.
Ngày 15.2 vừa qua, UBND H.Quỳ Châu đã có văn bản gửi Sở Nội vụ Nghệ An báo cáo kết quả khảo sát nguyện vọng của người dân và đề nghị xem xét giữ nguyên địa giới hành chính theo bản đồ 364, chuyển các hộ dân về xã Châu Bình quản lý, đồng thời hủy biên bản hiệp thương ngày 28.11.2016 giữa 2 huyện Quỳ Châu và Quỳ Hợp. Tuy nhiên, đến nay Sở Nội vụ Nghệ An vẫn chưa phản hồi.
Ông Nguyễn Thanh Hoài, Chủ tịch UBND H.Quỳ Châu, cho biết khi đơn vị tư vấn đưa bản đồ lên để lãnh đạo huyện ký xác nhận, UBND huyện đã trình HĐND và Ban Thường vụ Huyện ủy xin ý kiến theo quy định nhưng HĐND và Ban Thường vụ Huyện ủy không đồng ý việc cắt 1,9 ha đất này về cho H.Quỳ Hợp. Theo ông Hoài, lý do huyện không muốn không điều chỉnh địa giới vì trên địa bàn còn một số điểm xâm canh, xâm cư khác giữa hai huyện, việc điều chỉnh bản đồ sẽ gây phức tạp, khó khăn hơn so với việc chuyển hộ khẩu người dân về xã đó để quản lý. Về giải quyết cấp “sổ đỏ” cho 19 hộ dân ở xóm Dé, ông Hoài cũng cho biết huyện đang tạo điều kiện để cấp “sổ đỏ” cho người dân theo quy định và mong muốn các hộ dân này sớm chuyển về xã Châu Bình (H.Quỳ Châu) quản lý để đảm bảo các quyền lợi cho người dân.
Bình luận (0)