Dân mạng Hàn bức xúc vì hanbok xuất hiện trong phim cổ trang Trung Quốc

25/10/2020 13:36 GMT+7

Thời gian gần đây, dân mạng xứ kim chi không ngừng bàn luận về việc những dạng trang phục giống hanbok liên tục xuất hiện trong các chương trình và phim ảnh Hoa ngữ.

Theo Joongang Ilbo, trong 2 tháng trở lại đây, cộng đồng mạng Hàn Quốc liên tục chứng kiến các loại trang phục có thiết kế tương tự hanbok trên những chương trình, cuộc thi sắc đẹp, phim truyền hình và thậm chí là các buổi biểu diễn thời trang nước bạn. Điều này khiến khán giả Hàn Quốc lo lắng rằng phía Trung Quốc đang có có ý định “thâu tóm” hanbok thành trang phục truyền thống của nước mình. Một số người Hàn Quốc thẳng thắn lo ngại: "Phải chăng Trung Quốc đang muốn ăn cắp luôn hanbok của Hàn Quốc sao?”.
Điển hình như trong phim Thành hóa thập tứ niên phát sóng hồi tháng 4 năm nay, nhân vật trong phim có đội wangjin nhưng gần giống với mũ gat cùng chiếc băng đô truyền thống Hàn Quốc thường được thấy ở triều đại Joseon. Chính một bộ phận người xem Trung Quốc cũng nhận ra sự “lạc quẻ” này và nhận định: “Tôi còn nghĩ đây là một bộ phim truyền hình Hàn Quốc, vì quần áo trong phim giống với trang phục của Triều đại Joseon và Triều đại Goryeo của Hàn Quốc lắm".

Chiếc mũ gây tranh cãi trong Thành hóa thập tứ niên

ẢNH: CẮT TỪ PHIM

Ngoài ra, trong tác phẩm dài tập Trung Quốc khác là Thiếu chủ đi chậm thôi thì các nhân vật người hầu nữ mặc trang phục làm khán giả liên tưởng ngay đến hanbok. Tương tự, trong phim Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa, những cung nga (cung nữ trên thiên đình) cũng diện trang phục có thiết kế “hao hao” hanbok. Việc những vai diễn người hầu hay tì nữ mặc trang phục giống hanbok càng khiến dân mạng Hàn Quốc tức giận, cho rằng phía những đoàn làm phim Trung Quốc đang có ý ám chỉ hanbok là trang phục chỉ dành cho tầng lớp thấp kém.
Chưa hết, hồi cuối tháng 8 năm nay, khán giả xứ kim chi một lần nữa ngỡ ngàng khi các vũ công tại cuộc thi Hoa hậu Hồng Kông 2020 mặc bộ quần áo gần như y hệt hanbok. Một bình luận gây xôn xao: "Hy vọng những người đó không cố gắng ăn cắp luôn văn hóa Hàn Quốc".

Người Hàn lo ngại trang phục truyền thống của Hàn Quốc sẽ được coi là trang phục truyền thống của Trung Quốc trong tương lai

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH ALLKPOP

Dân mạng Hàn Quốc phẫn nộ khi thấy hanbok làm nền trên màn ảnh Hoa ngữ

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH ALLKPOP

Trước phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng, hàng loạt chuyên gia lịch sử văn hóa và trang phục truyền thống Hàn Quốc đã phải lên tiếng. Nhiều chuyên gia khẳng định chiếc mũ và băng đô trong các phim truyền hình hay show thời trang Trung Quốc không phải phong cách của triều đại Joseon. Wangjin (hay còn gọi là Manggeon trong tiếng Hàn), được nam giới đeo lên trán để ngăn tóc rũ xuống khi họ đội mũ lên đầu. Trung Quốc có wangjin trong thời nhà Minh và khác với mũ truyền thống thời Joseon Hàn Quốc.
Trường hợp chiếc mũ trong Thành hóa thập tứ niên, thì khó có thể kết luận được wangjin đó bắt chước thật hay trong lịch sử Trung Quốc cũng có loại wangjin tương tự như gat của Hàn Quốc. Vì các bức vẽ từ thời nhà Tống cũng mô tả wangjin tương tự như gat. Tuy nhiên, một giáo sư khẳng định phong cách mũ trong bức vẽ thời nhà Tống khác với những chiếc mũ gây tranh cãi trong phim. Một giáo sư khác nhận định: "Chiếc mũ kiểu gat không hề có ở Trung Quốc".
Về chuyện hanbok, hầu hết chuyên gia đều đồng ý với quan điểm trang phục tại cuộc thi Hoa hậu Hồng Kông 2020 và bộ phim truyền hình Trung Quốc Thiếu chủ đi chậm thôi rất giống với hanbok truyền thống. Phong cách mặc váy dưới áo cùng áo ngoài Jeogori đã xuất hiện từ triều đại Joseon vào thế kỷ 18. Các chuyên gia cũng cho rằng phần áo ngoài Jeogori là độc nhất vô nhị của Hàn Quốc và rất hiếm khi xuất hiện ở Trung Quốc.

Các vũ công phụ họa mặc hanbok trong cuộc thi Hoa hậu Hồng Kông 2020

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH ALLKPOP

Phía dưới bài đăng của Joongang Ilbo là loạt bình luận bức xúc. Một tài khoản chia sẻ: “Từ nhiều năm nay, tôi để ý thấy các phim truyền hình Trung Quốc cho những người hầu gái hoặc nô lệ mặc trang phục giống hanbok. Điều này cứ như là họ đang cố tình khắc sâu trong đầu khán giả rằng người Hàn Quốc đã từng là nô lệ của mình trong lịch sử. Thật kinh tởm và chính phủ Hàn Quốc lại chưa có động thái gì cả”.
Bên cạnh sự phẫn nộ và bình luận chửi bới, vẫn còn một số dân mạng Hàn Quốc bình tĩnh đưa ra ý kiến khách quan. Họ cho rằng mọi chuyện không hề phức tạp, chỉ là hanbok đang dần phổ biến và được ưa chuộng không chỉ ở Trung Quốc mà khắp nơi trên thế giới. Vài người khác thì cảnh giác hơn, đặt nghi vấn phải chăng phía đất nước đông dân nhất hành tinh có động cơ bí ẩn khác khi liên tục “lăng xê” hanbok trên sóng truyền hình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.