Trong chương trình Bạn muốn hẹn hò tập 676 vừa diễn ra với sự tham gia của hai nhân vật chính là Vũ Lê Sỹ Yên (38 tuổi, kinh doanh tự do) và Nguyên Phan Thùy Uyên (32 tuổi, kỹ sư kiểm soát chất lượng) nhanh chóng gây chú ý trong cộng đồng mạng vì phát ngôn khá sốc của anh Sỹ Yên.
Trong suốt gần 20 phút của chương trình, Sỹ Yên đã có màn ra mắt độc lạ với những câu nói như: “Chào cô gái ở thế giới bên kia”, “Tôi đã lưu lạc ở thế giới này 38 năm”, “Tôi đến từ nơi vô định”…
Đặc biệt, Sỹ Yên đặt ra câu hỏi “Đàn ông không gia trưởng thì sao lèo lái gia đình được?” khiến nhiều người đều sửng sốt. Câu nói vô tình tạo ra một làn sóng tranh cãi từ cộng đồng mạng về câu chuyện “gia trưởng” trong gia đình.
“Gia trưởng không làm cho gia đình hạnh phúc hơn”
Kể về câu chuyện của gia đình mình, L.T.T.Mai (23 tuổi, Đồng Tháp) nói: “Mẹ mình vì lấy một người gia trưởng mà phải sống khổ cực suốt hơn 7 năm. Không có tiếng nói trong nhà, cha ghen tuông mù quáng đến mức đánh mẹ bị thương nhưng cũng không cho hàng xóm đưa đi bệnh viện. Cuối cùng thì lcha mẹ mình y hôn”.
Vì vậy, T.Mai cho rằng sẽ không chọn một người chồng có tính gia trưởng. “Bảo thủ, bắt người khác làm theo ý mình, kiểm soát mọi việc và tự cho mình là đúng thì không thể nào chấp nhận được”, T.Mai nói thêm.
Nguyễn Thị Kim Chi (28 tuổi, Bến Tre) cho rằng: “Nam nữ đều bình đẳng như nhau, mình bắt người ta làm theo ý mình thì đó là gia trưởng. Trong cuộc sống gia đình, nếu không cảm thông, thấu hiểu và sẻ chia thì không bao giờ bên nhau lâu dài”.
“Không ai muốn sống với người bạn đời có tính gia trưởng. Tôn trọng và biết lắng nghe là điều đầu tiên tôi mong muốn ở chồng tương lai. Anh ta có thể nghèo khó nhưng phải biết cầu tiến và tiếp thu”, Chi nói thêm.
|
Gần 28 năm bên nhau, bố mẹ của Lê Nguyễn Yến Khoa (sinh viên năm 3, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ) vẫn hạnh phúc như ngày nào. Khoa chia sẻ: “Cha luôn quan tâm và chiều ý mẹ, những lúc cãi nhau cha đều chủ động im lặng và đợi khi mẹ bớt giận mới nói chuyện để giải quyết vấn đề”.
“Tôi vẫn ủng hộ việc người đàn ông nên có nguyên tắc, quy tắc trong gia đình nhưng không phải là quá gia trưởng” |
Vì vậy, Yến Khoa mong muốn sau này sẽ có một người chồng như cha của mình. “Gia trưởng không làm cho gia đình hạnh phúc hơn mà ngược lại, nó luôn là nguyên nhân của các cuộc cãi vã”, Khoa nói.
Đa phần khi được hỏi, nhiều người trẻ đều không thích bạn đời của mình có tính gia trưởng dù ít hay nhiều.
“Gia trưởng không hẳn xấu nhưng phải ở mức cho phép”
Tiến sĩ (TS) tâm lý Ngô Xuân Điệp (trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho rằng đa phần mọi người đều hiểu gia trưởng theo cách cổ điển và theo đạo Khổng, tức là “tam cương ngũ thường”.
“Áp đặt một chiều, không bàn thảo thống nhất, luôn cho mình là đúng, không có tính công bằng, lạm dùng cảm xúc để bắt nạt người khác thì đó là những người quá gia trưởng. Người đàn ông không nên có những tính cách như vậy”, TS Điệp cho biết.
Tuy nhiên, theo TS Điệp, gia trưởng không hẳn là xấu nhưng phải ở mức cho phép. Người đàn ông nên có nguyên tắc, là người “làm luật” trong gia đình thì sẽ tốt cho sự vận hành của hệ thống gia đình. Đó là trách nhiệm điều hành của người đàn ông. “Tôi vẫn ủng hộ việc người đàn ông nên có nguyên tắc, quy tắc trong gia đình nhưng không phải là quá gia trưởng”, TS Điệp nói.
“Người có tính nguyên tắc, “hơi gia trưởng” họ sống rất có trách nhiệm và người phụ nữ nên sống với người đàn ông như vậy. Thay vì có tính gia trưởng, chúng ta nên có tính nguyên tắc, cương quyết, dứt khoát. Điều này sẽ tạo ra một cái khung tốt để đưa gia đình đi vào nề nếp”, TS Điệp cho biết.
“Câu nói về tính gia trưởng của nam chính cũng có ý đúng, nói 1+1=3 cũng được nhưng hai bên đều đồng ý bằng 3 chứ không phải là áp đặt, bắt buộc. Vấn đề cốt lõi phải là sự thống nhất và thương lượng”, TS Điệp nói thêm.
Về mặt sinh học, người đàn ông có tính nhanh nhẹn, to khỏe, mạnh mẽ nên sẽ đại diện cho uy quyền. “Uy quyền” của người đàn ông không phải là tính gia trưởng thái quá “vì nó được tạo ra để hỗ trợ, kiểm soát quy tắc, luật lệ giúp gia đình, con cái phát triển tốt hơn”, TS Điệp cho biết.
Cũng theo TS Ngô Xuân Điệp, một gia đình nên có hệ thống nguyên tắc được thống nhất, bàn thảo và tôn trọng từ vợ chồng, con cái. Bình đẳng, tôn trọng nguyên tắc, giữ nó một cách trung thực, thống nhất thì rất tốt cho cuộc sống gia đình.
Bình luận (0)