Đổ đất lấp hồ khi nhiều cơ quan đang xem xét
Phản ánh đến Thanh Niên, nhiều người dân ở tổ 11 và 12, P.Ngọc Thuỵ cho biết, đã gửi đơn thư kiến nghị không lấp hồ Bà Đồ đến nhiều cấp ở Q.Long Biên, TP.Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, Bộ TN-MT… Vụ việc đang trong quá trình được nhiều cơ quan xem xét thì Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Q.Long Biên vẫn cho triển khai lấp hồ làm dự án phân lô bán nền.
Người dân ở P.Ngọc Thuỵ, Q.Long Biên phản ánh, từ ngày 25.3 xe chở đất, máy xúc bắt đầu san lấp hồ bà Đồ |
Đan Hạ |
“Nhiều người dân ở P.Ngọc Thuỵ tập trung căng băng rôn phản đối việc lấp hồ. Dù vậy, ô tô, máy ủi do Q.Long Biên cử đến vẫn đổ đất lấp hồ tạo mặt bằng. Nhìn hồ Bà Đồ vốn là lá phổi xanh của cả cộng đồng dân cư bị khai tử, đau lòng nhưng người dân chỉ biết kêu cứu chứ làm gì được hơn. Rồi sắp tới, họ sẽ phân lô bán nền, xây dựng nhà cửa lên, khu vực này sẽ khó tránh được ngập lụt khi mưa…”, bà Nguyễn Thị Tâm, 54 tuổi, ở P.Ngọc Thuỵ bày tỏ.
Người dân ở P.Ngọc Thuỵ căng băng rôn phản đối chủ trương lấp hồ Bà Đồ để phân lô bán nền |
Đan Hạ |
Nhiều người dân ở tổ 11 và 12, P.Ngọc Thuỵ cho biết, theo thông tin đọc được trên báo chí là Q.Long Biên sẽ vẫn đảm bảo diện tích hồ bằng cách đào hồ nhân tạo khác.
“Hồ Bà Đồ bị lấp, trời mưa xuống, nước ngập lụt cả khu dân cư thì khi đó biết làm sao? Họ đào hồ nhân tạo ở khu vực khác, không gần khu vực tổ 11 và 12 thì chúng tôi đâu được hưởng lợi gì từ chủ trương đầu tư hạ tầng của nhà nước. Đồng thời, việc đào hồ nhân tạo cũng là để phục vụ việc kinh doanh bất động sản. Lấp hồ Bà Đồ là lấy đi không gian của cả nghìn người dân chúng tôi”, ông Nguyễn Văn Tuấn, 60 tuổi cho biết.
Máy ủi đất xuống lấp hồ Bà Đồ dù người dân đã gửi đơn kiến nghị đi nhiều cơ quan ban ngành của TP.Hà Nội và T.Ư |
đan hạ |
Thanh Niên đã liên hệ với ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND Q.Long Biên để trao đổi về việc nay nhưng không nhận được phản hồi.
Nguy cơ ngập lụt khi trời mưa
Nhiều người dân ở tổ 11 và 12, P.Ngọc Thuỵ cũng bức xúc khi thấy Q.Long Biên thông tin lấp hồ làm đất ở theo quy hoạch dự án đã được TP.Hà Nội phê duyệt. Họ cho biết không được tham vấn khi xây dựng, phê duyệt quy hoạch dù trong quy hoạch dự án có lấp hồ, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn người dân. Theo đó, TP.Hà Nội và Q.Long Biên cố tình lấp hồ làm đất ở là áp đặt, không hợp lòng dân; không rút kinh nghiệm từ việc Hà Nội từng lấp nhiều ao, hồ…
Hồ Bà Đồ là nơi tích nước tránh ngập lụt cho nhiều người dân ở P.Ngọc Thuỵ |
đan hạ |
Ngày 11.3 mới đây, Ban tiếp công dân T.Ư - Thanh tra Chính phủ đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND TP.Hà Nội xem xét, giải quyết, trả lời công dân theo quy định pháp luật và thông báo kết quả đến Thanh tra Chính phủ, nhưng đến nay người dân chưa nhận được thông tin phản hồi từ chính quyền.
Đến ngày 16.3, người dân ở tổ 11 và 12, P.Ngọc Thuỵ tiếp tục có đơn kiến nghị gửi Thành uỷ Hà Nội, UBND TP.Hà Nội và nhiều cơ quan báo chí để phản đối chủ trương lấp hồ Bà Đồ làm đất ở.
Đến ngày 18.3 hồ Bà Đồ bị hút cạn nước, chuẩn bị cho việc san lấp tạo mặt bằng. Theo người dân ở P.Ngọc Thuỵ, từ ngày 25.3 thấy có một số phương tiện chở đất đến đổ xuống hồ Bà Đồ. Việc san lấp hồ Bà Đồ được triển khai mạnh từ ngày 26.3 đến nay dù người dân tập trung căng băng rôn phản đối.
Theo UBND Q.Long Biên, việc lấp hồ Bà Đồ là theo quy hoạch được duyệt từ năm 2016 |
Đan hạ |
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, gần 100 hộ dân ở tổ 11 và 12 thuộc P.Ngọc Thuỵ phản đối trước chủ trương san lấp 2 hồ là Xuân Quế và Sơn Thuỷ (còn gọi là hồ Bà Đồ) trong ngõ 264 đường Ngọc Thuỵ có diện tích hơn 1,2 ha để chuyển đổi làm đất ở, phân lô bán nền.
Người dân ở đây cho hay, tổ 11 và 12 P.Ngọc Thuỵ là vùng trũng nên hồ Bà Đồ là nơi chứa nước, hạn chế ngập lụt cho cả khu vực. Nếu bị san lấp chắc chắn sẽ ngập lụt cả khu dân cư khi trời mưa. Đồng thời, hồ Bà Đồ còn là không gian thoáng đãng, có tác dụng điều hoà môi trường, là “lá phổi xanh” cho cả cộng đồng dân cư lớn.
Nhiều người dân cũng đặt vấn đề việc lấp hồ để làm đất ở nêu trên là đi ngược với xu hướng giữ gìn ao, hồ hiện nay. Thời gian qua, nhiều ao, hồ ở Q.Long Biên đã bị san lấp và nếu cứ tiếp tục thì không bao lâu nữa, địa phương này sẽ bức bí, thiếu không gian xanh như ở khu vực nội thành Hà Nội.
Bình luận (0)