Dân Pháp háo hức chờ đón Khải Hoàn Môn được ‘mặc áo’ mới

Huệ Bình
Huệ Bình
17/09/2021 13:57 GMT+7

Tác phẩm sắp đặt phủ kín Khải Hoàn Môn bằng vải tái chế màu bạc xuất phát từ ý tưởng hồi năm 1961 của vợ chồng cố nghệ sĩ Christo, sẽ ra mắt người dân Pháp vào ngày 18.9.

Nhiều ngày qua, người dân Pháp thích thú khi chứng kiến hàng chục công nhân bọc các tấm vải phủ lên Khải Hoàn Môn - công trình cao 50 m có từ thế kỷ 19. Vải phủ là loại vải công nghiệp màu bạc ánh xanh có thể tái chế, làm Khải Hoàn Môn trông giống như một vật thể sống, trở nên sống động trong gió và phản chiếu ánh sáng. Theo Đài ABC (Úc), tác phẩm được trưng bày từ ngày 18.9 đến ngày 3.10, với tổng chi phí lên tới 14 triệu euro (hơn 375 tỉ đồng).
Cố nghệ sĩ Christo (tên đầy đủ Christo Vladimirov Javacheff) nổi tiếng với nhiều tác phẩm nghệ thuật sắp đặt khổng lồ trên khắp thế giới. Ông từng bọc vải quanh một bờ biển ở Úc, trùm kín tòa nhà quốc hội Reichstag ở thủ đô Berlin (Đức) bằng vải màu nhũ bạc, giăng một bức màn khổng lồ ở một phần của hẻm núi ở bang Colorado (Mỹ), phủ vải lên cây cầu Ponf-Neuf ở thủ đô Paris (Pháp). Nghệ sĩ Christo mất ở tuổi 84 vào năm 2020.

Dự án bị trì hoãn mãi cho đến nay do dịch Covid-19

Ảnh: RTN.CH

Dự án “mặc áo” cho Khải Hoàn Môn được cố nghệ sĩ Christo cùng vợ (nghệ sĩ Jeanne-Claude) đưa ra bản thiết kế từ năm 1961. Sau 60 năm, ý tưởng được hiện thực hóa. Ý tưởng của tác phẩm sắp đặt này là ca ngợi sự tự do. Bất kỳ ai cũng có thể đến, chạm vào tác phẩm và tự cảm nhận về tác phẩm. Hãng tin AFP dẫn lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng cặp đôi nghệ sĩ Christo và Jeanne-Claude “sẽ vô cùng xúc động vì đó là đỉnh cao của giấc mơ 60 năm tuổi. Đó là một giấc mơ điên rồ”.

Đây là tác phẩm nghệ thuật sắp đặt cuối cùng của cố nghệ sĩ Christo

Ảnh: La Croix

Ông Vladimir Yavatchev, giám đốc của dự án và là cháu trai của nghệ sĩ Christo, chia sẻ với Đài ABC: “Christo muốn hoàn thành dự án này. Chú ấy bắt tôi phải hứa sẽ thực hiện tác phẩm. Khó khăn lớn nhất đối với tôi là Christo không có ở đây. Tôi nhớ sự nhiệt tình của chú ấy, nhớ những lời phê phán của chú. Christo luôn nói với chúng tôi rằng chúng ta được kế thừa mọi thứ vốn có ở nơi này. Ở đây, người ta mua vé để lên Khải Hoàn Môn, người ta ăn mừng, người ta biểu tình và khóc thương những người lính vô danh. Có nhiều điều gắn liền với công trình này và chúng tôi biết ơn vì tất cả”.

Khải Hoàn Môn xuất hiện với diện mạo mới khiến người dân thích thú

Ảnh: AFP

Tại một cuộc họp báo về dự án Khải Hoàn Môn, Bộ trưởng Văn hóa Pháp Roselyne Bachelot gọi đây là “món quà bất ngờ dành cho người dân Paris, người Pháp và hơn thế nữa, cho tất cả những người yêu nghệ thuật”. Lẽ ra dự án được thực hiện vào mùa thu năm ngoái nhưng bị trì hoãn do đại dịch Covid-19.

Vì sao Paris là thủ đô châu Âu duy nhất cấm bay drone?

Trong lúc chờ đợi tác phẩm nghệ chính thức ra mắt, người dân địa phương tên Eric Delaporte nói: “Tôi đã chờ đợi điều này rất lâu, tôi biết rằng Christo cũng muốn như vậy. Ngay từ khi còn nhỏ ông ấy đã muốn được bọc Khải Hoàn Môn lại”. Agnieszka Wojel (39 tuổi), cư dân Paris, không thể ngừng chụp ảnh vì “tác phẩm thật phi thường”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.