Dân quê mê làm du lịch: Sống ở miền quê đáng sống

Vũ Thơ
Vũ Thơ
08/09/2022 08:08 GMT+7

Đến xã Hồng Thái, H.Na Hang, tỉnh Tuyên Quang , du khách ngỡ như đang ở Sa Pa ( Lào Cai ), bởi khung cảnh tuyệt đẹp khi đứng trên những biển mây và hơn thế là chiêm ngưỡng những điều mới lạ ở vùng quê từng rất nghèo.

Từ xã nghèo thành nơi đáng sống

Nằm ở độ cao 1.200 m so với mực nước biển, xã Hồng Thái quanh năm mây phủ có nhiệt độ trung bình chỉ khoảng 20 độ C và được ví như Sa Pa thứ hai của khu vực phía bắc.

Vào buổi sáng, mây giăng kín đỉnh núi và sà xuống thung lũng nơi có các bản người Dao, người Mông sinh sống. Từ ngôi nhà cổ, cũng là homestay của một gia đình trẻ người Dao Tiền nhìn ra xa, tôi như thấy đang ở trên một biển mây. Nhìn ngang tầm với những đỉnh núi khác, thấy những nếp ruộng bậc thang trải dài theo triền đồi, triền núi, đẹp như một bức tranh. Với núi non hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn quanh các sườn đồi và những rừng hoa lê trắng mỗi dịp xuân về… nơi đây đã trở thành điểm đến hút hồn du khách.

Những cô gái người Dao Tiền trong rừng hoa lê trắng ở xã Hồng Thái

Đặng Dũng

Dẫn chúng tôi đi tham quan những thôn bản trong xã, ông Đặng Trung Dũng, Chủ tịch xã Hồng Thái, cho biết trước đây Hồng Thái là xã vùng cao vô cùng khó khăn với hơn 65% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 5 triệu đồng/năm. Nhưng năm 2019 xã Hồng Thái phấn đấu về đích xây dựng nông thôn mới.

“Đây là mục tiêu mà trước đây ít người dám nghĩ tới, nhưng bằng những nỗ lực, sự đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và người dân, xã Hồng Thái đã không ngừng vươn lên, khai thác tiềm năng, thế mạnh để trở thành vùng đất trù phú. Hiện xã chỉ còn khoảng 12% hộ nghèo (theo tiêu chí mới) và thu nhập bình quân trên đầu người đã lên tới 33 triệu đồng/năm”, ông Dũng chia sẻ.

Để Hồng Thái “đổi đời”, những năm qua, xã đã vận động người dân chuyển đổi cây trồng từ ngô, khoai, sang trồng cây đặc sản của địa phương, để vừa cho năng suất cao vừa phát triển du lịch. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn xã có 6 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 - 4 sao (chè Kia Tăng, chè Shan tuyết…) và nhiều sản phẩm đã được cấp nhãn hiệu, cấp tem truy xuất nguồn gốc như những sản phẩm rau trái vụ (bắp cái, bí thơm…).

Chúng tôi đến thôn Khuổi Phầy, vốn trước đây là một thôn nghèo, nhưng kể từ ngày cây chè trên đỉnh Kia Tăng “lên ngôi” cùng với các loại cây rau, cây lê đã thực sự làm đổi đời cho rất nhiều hộ dân trong thôn. Từ một trong những thôn nghèo nhất của xã Hồng Thái có đến gần 90% hộ nghèo, thì đến nay Khuổi Phầy đã trở thành một thôn giàu của xã.

Du khách đến nghỉ dưỡng ngắm mây ở các homestay của người dân xã Hồng Thái

V.T.

Làng homestay trên núi

Điểm nổi bật ở Hồng Thái là những cánh rừng hoa lê trắng mỗi dịp xuân về và những homestay được xây dựng trên núi. Để có được phong cảnh tuyệt đẹp đón khách, từ nhiều năm trước, chính quyền đã vận động người dân trồng cây lê bản địa và xây dựng homestay. Đầu năm nay, khi hoa lê nở trắng trời, H.Na Hang đã có năm đầu tiên tổ chức Lễ hội hoa lê Hồng Thái với quy mô bài bản cùng nhiều chương trình văn hóa đặc sắc.

Trong lễ hội hoa lê, khách được tham quan, cắm trại, săn mây và ngắm hoàng hôn Hồng Thái tại vườn hoa lê thôn Khâu Tràng; dạo bộ trên tuyến đường hoa lê đẹp ngất ngây từ Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS xã Hồng Thái đi thôn Khuổi Phầy; check-in vườn hoa cải thôn Nà Mụ và trải nghiệm tại địa điểm bay dù lượn... Tại đây, khách được tham quan Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Khâu Tràng, cùng vẽ sáp ong, thêu khăn hoặc hái chè, sao chè, thưởng thức chè và ẩm thực dân tộc tại xã. Bên bếp lửa bập bùng, du khách còn được nghe điệu Páo dung của người Dao Tiền, một nét đẹp văn hóa mà ít nơi có được…

Ông Đặng Trung Dũng tự hào cho biết khi lễ hội diễn ra, khách đến với Hồng Thái đã đông đến bất ngờ. Đặc biệt, không chỉ dịp đó, hiện cứ những ngày cuối tuần, Hồng Thái lại đón rất nhiều lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Ông cho biết, bí quyết của làm du lịch là phải bảo tồn văn hóa, thiên nhiên và xây dựng chuỗi sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn. Đưa chúng tôi đi qua những cổng làng bằng đá, ông Dũng kể đó chính là những cổng được ông bỏ tiền túi ra xây dựng, khi huyện có chủ trương phát triển du lịch cộng đồng tại Hồng Thái.

“Khi đó, người dân chưa biết du lịch cộng đồng là gì. Tôi đi nhiều nơi, thấy cổng làng bao giờ cũng để lại ấn tượng, bởi đó là nơi đầu tiên khách có thể check-in, nên tôi đã bỏ tiền túi ra vận động dân đi nhặt đá ở suối về xây thí điểm 1 - 2 cái. Ngắm thấy được, thế là xây hết”, ông Dũng kể.

Ông Đặng Trung Dũng (thứ 2 từ trái qua) thăm cơ sở homestay của gia đình chị Đặng Thị Dương

NHÂN VẬT CUNG CẤP

Từ 7 cái cổng làng ở 7 thôn trong xã, ông Dũng bắt đầu vận động người dân xây dựng homestay và đề xuất với huyện tập huấn, hỗ trợ cho người dân làm du lịch cộng đồng. Nhưng để người dân hiểu và làm được không dễ, nên ông đã bắt đầu chọn từ người trẻ có trình độ để xây dựng mô hình. Cô gái người Dao Tiền Đặng Thị Dương (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội), đang làm việc với mức lương cao ở Hà Nội, đã được ông vận động quay về địa phương để gây dựng cơ đồ. Giờ đây, cô gái ấy đã trở thành chủ Homestay Đặng Dương ở thôn Khâu Tràng và cũng là Bí thư Đoàn xã Hồng Thái, tạo việc làm cho nhiều thanh niên địa phương.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Đặng Thị Dương cho biết sinh ra và lớn lên ở xã Hồng Thái nên sau khi được gọi về quê phát triển kinh tế, quảng bá những nét văn hóa của dân tộc mình đến với du khách, chị đã thuận lòng ngay và Homestay Đặng Dương là một trong những homestay đầu tiên có mặt tại xã. Từ mô hình này, giờ đây, nhiều gia đình tại xã Hồng Thái đã bỏ vốn để cải tạo nhà, phục dựng các đồ vật trang trí truyền thống của dân tộc, học cách chế biến các món ăn từ sản vật sẵn có của gia đình và địa phương để phát triển du lịch cộng đồng, biến nơi đây thành “làng homestay” trên núi.

Chính quyền thân thiện

Đặc biệt, nhằm phát triển du lịch, xã Hồng Thái thành lập một CLB hát Páo dung để biểu diễn phục vụ du khách. Từ năm 2019, ngành văn hóa H.Na Hang đã tổ chức nhiều cuộc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các lễ hội truyền thống để làm cơ sở đầu tư đưa Hồng Thái là điểm đến của Na Hang.

Ông Dũng cho biết ở xã, có tới hơn 70% là người Dao Tiền, muốn phát triển được du lịch phải bảo tồn, phát triển văn hóa. Bởi vậy, người Dao Tiền ở Hồng Thái hiện nay vẫn giữ được những nét riêng. Đến đây, du khách có thể trải nghiệm dệt vải thêu thùa cùng họ.

Không chỉ là bảo tồn văn hóa, khách đến với Hồng Thái còn vì nơi đây đã biết bảo tồn thiên nhiên. Từ trung tâm huyện lên đến Hồng Thái với gần 50 km là những cánh rừng xanh mướt, không khí mát mẻ suốt dọc đường đi. Người dân luôn có ý thức bảo vệ rừng, làm cho không khí nơi đây luôn trong trẻo. Đến đây, chúng tôi đã cảm nhận được vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng.

Điều ấn tượng nữa khiến chúng tôi bất ngờ thú vị đó chính là một “chính quyền thân thiện”. Ông Dũng với chức danh chủ tịch xã, nhưng chẳng nề hà khi đi đến từng homestay để uống rượu với khách du lịch và sẵn sàng làm hướng dẫn viên cho bất kỳ du khách nào.

Gặp khách, ông luôn để lại số điện thoại của mình và dặn dò, nếu ở đây có gì chưa ưng ý cứ phản ảnh với ông. Ông bảo: “Có như vậy, khách mới thấy là nơi đáng sống!”.

Dân quê mê làm du lịch

Lạ lùng Lý Láo Lở

Coi Đồng bào Cơ Tu làm du lịch

Cà Ban, cả làng sinh thái

Thổn thức Sông Đầm

Ngư dân nghèo mở homestay

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.