Dán thẻ thu phí tự động không dừng cho ô tô: Chọn Etag hay ePass?

Trần Hoàng
Trần Hoàng
28/07/2022 14:06 GMT+7

Thẻ thu phí tự động không dừng do VETC phát hành có tên Etag và thẻ do VDTC phát hành mang tên ePass, cả hai khác nhau về mẫu mã thiết kế cũng như hỗ trợ nạp tiền vào tài khoản thông qua nhiều hình thức khác nhau nhưng đều có tác dụng như nhau.

Như Thanh Niên đã đưa tin, bắt đầu từ ngày 1.8.2022 tất cả các tuyến cao tốc trên cả nước dừng hình thức thu phí thủ công, chuyển sang sử dụng đồng loạt hệ thống thu phí tự động. Do đó, ô tô muốn lưu thông thuận tiện, thông suốt và đi vào làn thu phí tự động ETC trên cao tốc buộc phải dán thẻ thu phí tự động không dừng.

Từ ngày 1.8.2022 tất cả các tuyến cao tốc trên cả nước dừng hình thức thu phí thủ công, chuyển sang sử dụng đồng loạt hệ thống thu phí tự động

Bá Hùng

Trường hợp xe không dán thẻ ETC mà cố tình đi vào đường cao tốc, người điều khiển ô tô sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng. Chính vì vậy, trong thời gian gần đây nhiều chủ xe ô tô, tài xế đang đổ xô đưa xe đi dán thẻ thu phí tự động không dừng.

Hiện tại ở Việt Nam có 2 công ty chính cung cấp dịch vụ này là VETC (do Tasco góp vốn) và Công ty Cổ phần giao thông số Việt Nam - VDTC (do Viettel cung cấp). Cả 2 đều liên kết với các trạm ETC. Loại thẻ thu phí tự động không dừng do VETC phát hành mang tên Etag, và thẻ do VDTC phát hành có tên ePass.

Mỗi xe ô tô chỉ được dán 1 thẻ thu phí tự động không dừng Etag hoặc ePass

Bá Hùng

Cả hai đều có tác dụng như nhau nhưng khác nhau về thiết kế, liên kết hỗ trợ nạp tiền vào tài khoản và đều có ưu, nhược điểm riêng. Tuy nhiên, mỗi xe ô tô chỉ được dán 1 thẻ thu phí tự động không dừng Etag hoặc ePass. Trường hợp chủ xe cố tình dán hai thẻ của hai nhà cung cấp dịch vụ thì sẽ xảy ra tình trạng lỗi khi di chuyển qua trạm. Bởi máy quét sẽ không thể nhận diện chính xác phương tiện và tài khoản. Vì vậy, việc nên chọn giữa thẻ thu phí tự động không dừng Etag hay ePass là vấn đề được nhiều chủ sở hữu ô tô cũng như các tài xế quan tâm những ngày gần đây.

Điểm chung giữa thẻ thu phí tự động không dừng Etag và ePass

Hiện tại, cả 2 công ty cung cấp dịch vụ dán thẻ thu phí tự động không dừng là VETC và VDTC đều hỗ trợ khách hàng dán thẻ thông qua nhiều hình thức khác nhau. Các chủ xe, tài xế có thể mang xe đến trạm đăng kiểm, các trạm dán lưu động, cửa hàng Viettel (với thẻ ePass), các trạm thu phí… hoặc đăng ký online để được cung cấp dịch vụ dán tại nhà.

Nếu dán thẻ ePass vẫn có thể đi qua trạm VETC và ngược lại

Thẻ Etag hoặc ePass đều có thể dán trên mặt trong kính lái hoặc mặt ngoài chóa đèn pha. Hiện tại VETC đã triển khai được 79 trạm thu phí, đồng thời là đơn vị đầu tiên triển khai dịch vụ thu phí không dừng. Trong khi đó, VDTC đang quản lý 35 trạm. Tuy nhiên, nếu dán thẻ ePass vẫn có thể đi qua trạm VETC và ngược lại. Cả hai loại thẻ đều có tác dụng như nhau.

Ưu điểm cũng như hạn chế của Etag, ePass

Theo nhận xét của nhiều chủ xe, tài xế đã dán thu phí tự động không dừng và sử dụng thời gian qua, dán thẻ Etag của VETC ít ghi nhận các sự cố lỗi liên quan đến hệ thống. Trong bối cảnh các trạm thu phí trên cả nước đang từng bước triển khai lắp đặt và đưa vào hoạt động làn thu phí tự động ETC, phần lớn người dùng ô tô đã dán thẻ đánh giá thẻ Etag hoạt động ổn, ít bị lỗi. Tuy nhiên, cách thức nạp tiền chưa tiện ích bằng ePass.

Trường hợp xe có dán thẻ thu phí tự động nhưng số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để trả phí khi qua làn ETC mà vẫn cố tình đi vào sẽ bị xử phạt

Bá Hùng

Cụ thể, với thẻ Etag người dùng sẽ phải truy cập ứng dụng và nạp tiền vào tài khoản thông qua hình thức chuyển khoản hoặc các cổng thanh toán Mobile Banking, VNPay... Tuy nhiên, ứng dụng của VETC chưa có tính năng kết nối với tài khoản ngân hàng hay ví điện tử. Vì vậy, người dùng sẽ phải nạp tiền trước vào tài khoản, đồng thời trong quá trình sử dụng phải thường xuyên kiểm tra tài khoản của mình xem có đủ tiền hay không.

Bởi theo quy định, trường hợp xe có dán thẻ thu phí tự động nhưng số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để trả phí khi qua làn ETC mà vẫn cố tình đi vào, người điều khiển ô tô sẽ bị phạt từ 2 - 3 triệu đồng, đồng thời còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

Với thẻ ePass của VDTC cách thức nạp tiền vào tài khoản tiện lợi hơn

Trong khi đó, với thẻ ePass của VDTC cách thức nạp tiền vào tài khoản tiện lợi hơn, khi ứng dụng liên kết với ví điện tử, thẻ ngân hàng. Cụ thể, ngoài hình thức nạp tiền thông qua các cổng thanh toán (có phí) hay qua ứng dụng ngân hàng hoặc chuyển khoản (miễn phí), ePass có tính năng liên kết ví điện tử (Viettel Money). Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại ePass đã không còn triển khai dịch vụ dán miễn phí lần đầu tiên cho các xe. Khách hàng đăng ký mới và dán lần đầu cần phải đóng 120.000 đồng.

Bên cạnh đó, một số chủ xe ô tô từng dán thẻ thu phí tự động không dừng ePass phản ánh thỉnh thoảng khi điều khiển ô tô qua trạm thu phí tự động thường gặp các sự cố như hệ thống không nhận thẻ, rào chắn không mở ra, hay phải dừng xe để nhân viên chủ động mở thanh chắn...

Như vậy, cả hai loại thẻ thu phí tự động không dừng đều có chức năng như nhau, giúp người dùng thuận tiện và không mất nhiều thời gian khi đi qua trạm thu phí. Cả hai đều cung cấp dịch vụ và hỗ trợ khá đa dạng. ePass đang có liên kết và hình thức thanh toán tốt hơn nhưng vẫn gặp một số lỗi, trong khi thẻ Etag lại đang hoạt động ổn định hơn nhưng có phần hạn chế về hình thức hỗ trợ thanh toán. Những hạn chế này hiện đang được các bên khắc phục, bổ sung để hoàn thiện nhằm mang đến trải nghiệm thuận tiện nhất cho người dùng.

Poll TNO
Thẻ thu phí tự động
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.