Đó là kênh dẫn nước sau hồ thủy lợi Ea Súp Thượng, ở H.Ea Súp (Đắk Lắk), được khởi công từ năm 2010, do Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 8 (Bộ NN-PTNT) làm chủ đầu tư. Kênh dài hơn 4 km, được thiết kế cung cấp nước tưới cho 200 ha cây trồng của xã Cư Mlan và TT.Ea Súp.
Sau khi hoàn thành năm 2012, con kênh được chủ đầu tư bàn giao cho tỉnh Đắk Lắk và Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk trực tiếp quản lý, sử dụng. Tuy nhiên từ đó đến nay tuyến kênh này vẫn không có nước chảy qua, cỏ dại mọc đầy lòng kênh, nhiều đoạn bị sạt lở, hư hỏng.
Điều nghịch lý là ngay cạnh tuyến kênh lớn bị bỏ không, nhiều hộ dân phải đào ao để lấy nước tưới cho cây trồng. Ông Thái Văn Châu, ở thôn 5, TT.Ea Súp, cho biết khi tuyến kênh bắt đầu xây dựng, ông đầu tư trồng 6 ha điều và cây ăn trái với ý định đón đầu nguồn nước từ kênh, nhưng đến khi cây trồng phát triển, kênh vẫn không có nước. “Gia đình tôi phải bỏ ra hàng chục triệu đồng đào ao lấy nước tưới. Rất nhiều hộ quanh đây cũng phải đào ao hoặc giếng vì chờ mãi không thấy nước kênh”, ông Châu nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Thế Hoan, Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, cho rằng có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng công trình này bị bỏ hoang nhiều năm qua. Một là công trình bàn giao cho đơn vị quản lý chỉ là tuyến kênh chính, chưa có các kênh nhánh dẫn nước đến những diện tích tưới.
tin liên quan
Khu vực tràn xả lũ thủy lợi Nam Thạch Hãn bị xói lở nghiêm trọngNgày 28.10, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho hay đợt lũ lụt vừa qua, khu vực tràn xả lũ ở hạ lưu chân đập cao su công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn có nhiều vị trí bị xói lở, xâm thực sâu, ảnh hưởng rất lớn đến an toàn công trình.
Hai là người dân chưa đăng ký, kê khai cụ thể với đơn vị quản lý kênh về diện tích sản xuất cần cung cấp nước tưới, do đó công trình chỉ mới cho nước chảy thử tải ban đầu mà chưa được vận hành, khai thác.
Ông Hoan nói: “Mặc dù công trình không được sử dụng, bị hư hỏng, xuống cấp nhưng do công ty chúng tôi là doanh nghiệp công ích nên không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng. Nếu công trình hoạt động, điều kiện cần thiết là địa phương phải đầu tư hoàn thiện các tuyến kênh phụ dẫn nước và đăng ký diện tích tưới trên địa bàn con kênh đi qua”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Toản, Phó chủ tịch UBND H.Ea Súp, cho biết huyện vẫn còn rất khó khăn, không có ngân sách bố trí xây dựng các tuyến kênh phụ nên chỉ trông chờ đầu tư của T.Ư hoặc tỉnh. “Huyện sẽ chỉ đạo khảo sát lại thực trạng tuyến kênh và có đề xuất với tỉnh đầu tư các kênh nhánh nhằm khai thác, phát huy hiệu quả, không thể để kéo dài tình trạng lãng phí công trình như thời gian qua”, ông Toản nói.
Bình luận (0)