Tranh cãi về dân trí của người Việt qua thống kê tìm từ khoá trên Google có vẻ chưa đến hồi kết. Nhưng hãy tạm gác tiêu chí ấy để tìm những biểu hiện khác có thể trả lời câu hỏi: dân trí nước ta cao hay thấp?
Sách là nguồn tri thức giàu có cần thiết cho con người - Ảnh minh họa: Shutterstock |
“Người dã man trong thế giới văn minh”?
Theo định nghĩa, “dân trí” là tầm hiểu biết, nhận thức và hành vi của người dân nhìn chung.
Thống kê cho thấy, có đến 98,25% người dân nước ta từ độ tuổi 15 – 60 tuổi biết đọc, biết viết; nước ta có hơn hai triệu sinh viên, có nghĩa là khoảng 45 người dân thì có một sinh viên; và hơn 11.000 giáo sư – phó giáo sư. Đó là chưa kể đến khoảng 110.000 du học sinh và một lượng trí thức kiều bào đông đảo.
Những con số trên cho thấy rõ ràng nước ta là một đất nước học thức với chiều hướng ngày một tăng số lượng “trí thức”, “học giả”. Thế nhưng những lời than phiền về ý thức, hành vi, “văn hoá” kém của người dân nói chung cứ ngày một tăng…
Có những hành vi dã man, lạc hậu, khó có thể chấp nhận được trong một xã hội nếu được coi là văn minh, có dân trí cao. Chỉ đơn cử từ các việc nhỏ nhặt hàng ngày như chấp hành luận lệ giao thông thôi mà số đông đã không thực hiện, đến nỗi những người tham gia giao thông và các anh cảnh sát cứ như chơi trò “trốn tìm”, “núp lùm” trên các con đường.
Dân trí cao gì mà khi tham gia lễ hội lại giẫm hoa, phá nát quảng trường? Cao gì đến chuyện “buồn buồn” lấy đá ném vào xe khách đang lưu thông? Rồi hôi của công khai trên đường? Trộm chó và “hành hình” như thời trung cổ? Và những vụ “thảm sát” dã man vì tình – tiền gần đây…
Hãy thử mường tượng ta là một công dân nước ngoài và thường đọc các tin tức về tình hình văn hoá, xã hội của Việt Nam để tự nhận thức về trình độ dân trí của nước ta…
Học nhiều sao vẫn thấp?
Do đa số dân ta đều có học hành nên có thể chắc chắn rằng phần lớn những người đã và đang thực hiện những hành vi thiếu văn hoá không phải là những người dốt nát, thiếu học. Người ta có thể thấy hàng ngày những nam thanh nữ tú “tri thức đầy mình” vẫn thản nhiên vượt đèn đỏ khi không có công an hoặc tươi cười bẻ hoa, giẫm cỏ trên các quảng trường, các lễ hội khi không thấy bảo vệ.
Nguyên nhân? Có lẽ là ở “sự học ngày nay đã khác rồi”. Triết gia Kaibara Ekken của Nhật phân tích: “Mục đích của việc học không phải để mở mang kiến thức, mà để hình thành nên nhân cách… Ngày xưa, giảng đạo lý là nền tảng của chương trình học trong nhà trường, ngày nay không còn như thế nữa… Không còn ai cần thấy phải bỏ chút thời gian để nghe lời giảng dạy của những bậc hiền triết tóc bạc thời quá khứ. Nguyên nhân… là do các bậc học giả cố phô trương sở học hơn là cố sống theo những lời dạy đó”.
Ngay chính nước Nhật, một trong những đất nước văn minh và có học thức nhất thế giới, vẫn thấy cần phải quay lại với những giá trị đạo đức, văn hoá truyền thống. Mới đây, thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã ký quyết định đưa các giá trị đạo lý cổ truyền của Nhật quay trở lại chương trình giảng dạy cấp phổ thông vào năm 2018.
Google và sách vở
Dân mạng có câu: “Dân ta phải biết sử ta. Nếu mà không biết thì tra… Google”. Hệ thống mạng Google được xem là một “bộ não nhân tạo” lớn nhất thế giới, nơi lưu trữ phần lớn kiến thức nhân loại hiện nay. Trong “đế chế Google” này, “thượng vàng hạ cám” có đủ lãnh vực để con người ta tra cứu, truy tìm: giáo dục, văn hoá, giải trí… Đi tìm “vàng” hay “cám” trong kho tri thức bao la này là do riêng mỗi người tìm. Nhưng quả thật, khó có thể lấy các tiêu chí của hệ thống này để đánh giá dân trí một đất nước, bởi vì nguồn tri thức còn đến bằng những con đường “chính thống” khác.
Nguồn “chính thống” tiêu biểu nhất có lẽ là sách vở. Theo một thống kê gần đây, trong năm 2015, người Việt Nam tiêu tốn khoảng 2.000 tỉ đồng cho sách báo so với số tiền 63.000 tỉ đồng để uống bia, rượu. Trong số 2.000 tỉ đồng ấy lại có rất ít dành cho sách vở. Hãy lấy con số xuất bản của các đầu sách hiện nay, như tủ sách “Cánh cửa mở rộng” của giáo sư Ngô Bảo Châu hay tủ sách “Tri thức tinh hoa”, số xuất bản mỗi đầu sách tâm huyết ấy chỉ ở mức 500 – 1.000 bản. Những tủ sách quý báu ấy đang sống khá vật vờ. Giáo sư Chu Hảo, chủ nhiệm "Tủ sách tinh hoa", từng than thở: “Mỗi cuốn sách, dù là rất có giá trị, cũng không thể bán được 2.000 cuốn trên 84 triệu dân”. Giáo sư Ngô Bảo Châu phải cầu viện đến cả hoa hậu Đặng Thu Thảo để “dụ” người đọc đến với tủ sách của ông trong một buổi ra mắt sách gần đây.
Ngày xưa, thời chẳng có mấy sách để đọc nhưng giới “kẻ sĩ” truyền nhau câu: “Kẻ sĩ ba ngày không đọc sách, soi gương thấy mặt mũi khó coi, ăn nói nhạt nhẽo”. Hãy thử khảo sát xem các “kẻ sĩ thời nay” ở nước ta đã bao lâu không đọc sách mà soi gương vẫn thấy sắc mặt tươi tắn, ăn nói tỉnh bơ, nếu đó không phải là sách thuộc lãnh vực chuyên môn của mình?
Người Nhật, ngay từ những năm cuối thế kỷ XIX đã quyết tâm biến đất nước mình thành một đất nước có học thức nhất thế giới và họ đã thành công. Họ lấy mô hình giáo dục của Mỹ làm hình mẫu, không ngừng nâng cao năng lực của hệ thống giáo dục đào tạo và ra sức dịch, xuất bản những đầu sách tinh hoa nhân loại. Các đầu sách kinh điển về kinh tế, chính trị, triết học, như nước ta đang dần dần xuất bản hiện nay, số phát hành lên đến hàng trăm ngàn, hàng triệu bản. Thanh thiếu niên Nhật thời ấy ham mê tìm hiểu qua sách vở đến mức kiệt sức, và chính phủ Nhật thậm chí phải khuyến khích họ tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí. “Mặt trời nước Nhật mọc lên từ những trang sách”, như lời nhận xét của giáo sư Nguyễn Xuân Sanh và cho đến tận ngày nay, người ta vẫn thấy người Nhật giữ thói quen đi đâu cũng kè kè theo một vài cuốn sách, y hệt như những người châu Âu.
Có so sánh như vậy mới thấy nền dân trí của ta đang ở mức nào để đừng có nhiều ảo tưởng…
Bình luận (0)