Vấn đề quy hoạch treo, dự án (DA) treo đã được HĐND TP.HCM có nhiều buổi giám sát, chất vấn, thậm chí là ra nghị quyết riêng cho công tác quy hoạch, nhưng tình trạng này vẫn kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ và ngày càng nhức nhối (Thanh Niên đã phản ánh trong số báo ra ngày 6 và 7.7).
Cần thiết tái giám sát
Trong báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp giữa năm của HĐND TP.HCM diễn ra từ ngày 6 - 8.7, có hàng chục nội dung kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành liên quan phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại các DA, quy hoạch; xác định tính khả thi của các quy hoạch trong thực tiễn; nếu DA treo không thực hiện thì thu hồi và hủy bỏ.
Trong phiên thảo luận tổ, đại biểu (ĐB) Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn, đề nghị HĐND TP.HCM tái giám sát công tác quy hoạch trên toàn TP và “phải giám sát sâu đến từng ngõ ngách”.
Theo ông Khuyên, vấn đề mấu chốt của các quận, huyện hiện nay, đặc biệt là 5 huyện ngoại thành, chính là quy hoạch, bởi các quy hoạch được lập từ năm 2010 đến nay đã lạc hậu. Do vậy, công tác điều chỉnh quy hoạch cần làm nhanh, không thể để nông dân chịu khổ, phải sống trong cảnh “có nhà, có đất, con lớn không được xây nhà đàng hoàng, mà phải xây trái phép”.
Cũng chính vì những bất cập trong công tác quy hoạch mà 23 DA được kêu gọi tại hội nghị xúc tiến đầu tư hồi tháng 4.2022 với quy mô hơn 2.000 ha đất vẫn chưa thể triển khai. “Vốn xã hội có đủ, còn lại là nhà nước cho cơ chế để khai thác quỹ đất; để địa phương làm giàu, người dân có công ăn việc làm, bộ mặt đô thị khang trang hơn”, ông Khuyên kỳ vọng.
Là lãnh đạo tại địa phương có 20 DA chưa triển khai, bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND H.Củ Chi, cho biết người dân có đất bị ảnh hưởng bởi các DA treo, quy hoạch treo chịu nhiều thiệt thòi, không được thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng. Mặt khác, nhiều DA đã bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng không triển khai, đất đai hoang hóa dẫn đến lãng phí nguồn lực, bỏ lỡ cơ hội phát triển. DA kéo dài do thủ tục đầu tư còn rườm rà, mất nhiều thời gian lấy ý kiến nhiều ngành, lĩnh vực. Hiện nay chưa có nhiều cơ chế, chính sách về đất đai, xây dựng cho người dân trong khu vực có DA treo.
Vướng quy hoạch treo, nhiều khu đất ở xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn, TP.HCM chỉ sử dụng để trồng hoa màu |
SỸ ĐÔNG |
Vẫn còn mạnh ai nấy làm
Trao đổi với Thanh Niên về việc 61 DA được HĐND TP.HCM hủy bỏ cuối năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa có gì thay đổi, một lãnh đạo HĐND TP.HCM cho biết sẽ phân công ban chuyên trách rà soát lại nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân. Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng thừa nhận vẫn còn tình trạng xóa DA nhưng chưa xóa quy hoạch nên quyền lợi của người dân chưa được phục hồi đầy đủ như khu tam giác Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão (Q.1). Sau 1 năm rưỡi, quy hoạch khu vực này vẫn chưa điều chỉnh nên người dân vẫn chưa được xây dựng nhà ở. Đến khi người dân thắc mắc thì cuối tháng 5.2022, Sở QH-KT TP.HCM mới có văn bản hướng dẫn UBND Q.1 điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Ở khu vực trung tâm còn có khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh cũng đã “treo” 16 năm.
ĐB Lê Xuân Viên, Phó trưởng ban Đô thị HĐND TP.HCM, nhìn nhận có sự chậm trễ trong công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương với sở, ngành chuyên môn khi điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng. Đây là lý do chính dẫn đến các nghị quyết, quyết định của UBND TP.HCM nhằm khôi phục quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân chậm đi vào thực tế. “TP vẫn còn chậm phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, mà theo luật phải có quy hoạch sử dụng đất hằng năm mới có cơ sở giải quyết các quyền lợi liên quan đến quyền sử dụng đất”, ông Viên nói và cho rằng HĐND TP.HCM cần giám sát về công tác phối hợp giữa sở, ngành với địa phương để xác định nguyên nhân chính.
Trong khi đó, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, cho rằng đây là trách nhiệm của toàn hệ thống, bởi các cơ quan liên quan có sự do dự, chậm vào cuộc đối với những DA, quy hoạch kéo dài. ĐB này đánh giá công tác quy hoạch là vấn đề lớn, cần người giỏi chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cao để đẩy nhanh. Khi DA đưa ra, cần làm nhanh và đồng bộ để không tốn kém.
Để đảm bảo quyền lợi trước mắt của người dân, ĐB Lê Xuân Viên cho rằng các địa phương cần có điều chỉnh quy hoạch tương đối. Về lâu dài, khi lập quy hoạch cũng cần xác định nguồn lực, kêu gọi đầu tư, các cơ chế, chính sách đi kèm để không đi vào vết xe đổ. Còn ĐB Trần Quang Thắng thì đề xuất cần luật hóa các cam kết nhất quán về pháp lý, chính sách, hỗ trợ của nhà nước, không thay đổi theo nhiệm kỳ để nhà đầu tư yên tâm.
Xử lý các quy hoạch không khả thi
Liên quan đến các DA treo, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết hằng năm Sở đều tổ chức rà soát các DA thuộc 2 giai đoạn: 2015 - 2020 và 2021 - 2025. Qua rà soát khoảng 2.800 DA đầu tư được đưa vào kế hoạch, TP.HCM đã thu hồi 169 DA, bao gồm 108 DA hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất và 61 DA có thu hồi đất và chuyển mục đích đất lúa, đất rừng. “Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, DA nào chậm quá 3 năm sẽ xử lý; DA đủ điều kiện thì cho tiếp tục thực hiện”, ông Thắng nói.
Đối với các DA khu công nghiệp, ông Thắng cho biết hiện có 11 khu công nghiệp chưa hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân chậm trễ do vướng một số quy định về thu hồi đất để phát triển khu công nghiệp, vị trí khu đất bố trí tái định cư, nhất là các DA trước giai đoạn luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực. Sở TN-MT TP.HCM đã kiến nghị UBND TP.HCM đối với những trường hợp chưa giải phóng mặt bằng xong thì ngoài việc bồi thường theo phương án được duyệt, cần có phương án hỗ trợ thêm cho người dân.
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nhìn nhận giữa quy hoạch và triển khai DA có độ trễ do không có nguồn lực đầu tư, và trong khoảng thời gian đó nhiều quyền lợi của người dân bị treo. Quy hoạch để càng lâu thì tính khả thi càng thấp do hiện trạng thay đổi, thực tiễn thay đổi, và chắc chắn phải điều chỉnh lại. Ông Hoan cho biết TP.HCM đang thuê tư vấn thực hiện các đồ án quy hoạch, trong đó có quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội. Dự kiến cuối năm nay sẽ có được những ý tưởng ban đầu, giữa năm 2023 trình Chính phủ xem xét, phê duyệt và công bố vào cuối năm 2023.
“Cái gì đã quy hoạch nhưng chưa triển khai, mà sắp tới thấy cần thiết phải thực hiện thì vẫn giữ lại. Những gì không triển khai được, thậm chí không còn khả năng triển khai thì sẽ xem xét đưa ra. Quy hoạch mới cũng phải trên cơ sở kế thừa, cập nhật, bổ sung và phát triển quy hoạch cũ để có quy hoạch tốt hơn”, ông Hoan nêu định hướng.
Thu hẹp ranh khu đô thị Tây Bắc
Lãnh đạo UBND H.Củ Chi cho biết UBND TP.HCM đang báo cáo xin ý kiến Thủ tướng điều chỉnh ranh khu đô thị Tây Bắc và phần diện tích khoảng 1.600 ha thuộc khu dân cư hiện hữu giữ lại để cải tạo, chỉnh trang. Định hướng điều chỉnh này là phù hợp để giải quyết quyền lợi về nhà, đất cho người dân trong ranh khu đô thị Tây Bắc đã bị treo hơn 10 năm. Sau khi Thủ tướng đồng ý chủ trương, UBND TP.HCM sẽ phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu 1/5000 để sớm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân.
Trong khi đó, để khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện, bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND H.Củ Chi, kiến nghị TP.HCM đẩy nhanh công tác lập điều chỉnh quy hoạch chung. Riêng H.Củ Chi điều chỉnh tính chất 10 phân khu ven sông Sài Gòn sang khu đô thị sinh thái, tăng quy mô dân số của huyện lên 1,5 triệu người. Huyện cũng đề xuất TP.HCM chấp thuận chủ trương cho điều chỉnh tổng thể đối với 42 đồ án quy hoạch phân khu, 11 đồ án điều chỉnh cục bộ đến nay không còn phù hợp.
Bình luận (0)