Dân vẫn khổ vì quy hoạch treo: Phải mạnh tay với dự án 'xí' đất

07/07/2022 06:30 GMT+7

Mặc dù HĐND TP.HCM đã có nhiều nghị quyết về xóa quy hoạch treo nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân có nhà đất bị ảnh hưởng, nhưng rất nhiều người dân trên địa bàn TP.HCM vẫn khổ dai dẳng vì dự án treo.

Như Thanh Niên số ra ngày 6.7 phản ánh, mặc dù HĐND TP.HCM đã có nhiều nghị quyết về xóa quy hoạch treo nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân có nhà đất bị ảnh hưởng, nhưng rất nhiều người dân trên địa bàn TP.HCM vẫn khổ dai dẳng vì dự án treo.

Vì vậy, người dân chờ đợi những biện pháp mạnh tay từ chính quyền với những dự án (DA) treo kinh niên để đời con, đời cháu của họ không phải tiếp tục sống cuộc đời lay lắt.

UBND H.Hóc Môn đề xuất thu hồi dự án KCN Xuân Thới Thượng đang treo để điều chỉnh quy hoạch làm khu đô thị

SỸ ĐÔNG

Thu hồi các dự án “bất động”

Trao đổi với PV Thanh Niên về DA Khu thể dục thể thao xã An Phú Tây (H.Bình Chánh) mà người dân bức xúc vì “treo” nhiều năm, ông Phạm Văn Lũy, quyền Chủ tịch UBND H.Bình Chánh, cho biết đây là một trong các DA “treo” thuộc phân khu chức năng số 19 - Khu đô thị mới Nam TP.HCM. Theo thống kê, toàn huyện có 323 DA đang triển khai, gồm 92 DA nhà ở, 79 DA xây dựng hạ tầng kỹ thuật (giao thông, thủy lợi), 57 DA xây dựng hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục), 40 DA khác và 53 DA hết hiệu lực...

Đối với 92 DA nhà ở, chỉ có 62 DA hoàn thành bồi thường, hàng chục DA chưa xây hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và cũng chưa xây dựng nhà ở. Ông Lũy cho biết, nhiều DA nhà ở chậm tiến độ 5 - 10 năm, thậm chí có DA kéo dài gần 20 năm như khu dân cư Sing Việt (xã Lê Minh Xuân) do Công ty TNHH đô thị Sing Việt làm chủ đầu tư. Có DA kéo dài khiến người dân bức xúc như khu nhà ở xã Bình Hưng do Công ty TNHH tư vấn đầu tư Phi Long làm chủ đầu tư.

“Những DA xí đất mà không làm gì thì người dân cũng gặp rắc rối, muốn xây dựng cũng không được, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (SDĐ) cũng không được”, ông Lũy nói.

Trước tình trạng các DA chậm triển khai, hồi tháng 5.2022, UBND H.Bình Chánh đã gửi văn bản đề nghị các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành DA đưa vào sử dụng, khai thác. Trong vòng 12 tháng, nếu DA vẫn chưa hoàn thành, đưa vào sử dụng thì huyện sẽ kiến nghị UBND TP.HCM xem xét thu hồi DA theo quy định.

H.Bình Chánh là một trong những địa bàn nóng về DA “treo” nên hồi tháng 11.2021, UBND TP.HCM đã lập tổ công tác liên ngành kiểm tra các DA tại Khu đô thị mới Nam TP.HCM với nhiệm vụ kiểm tra tính pháp lý, tiến độ, việc bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện nghĩa vụ tài chính, năng lực tài chính chủ đầu tư đối với 12 DA chưa hoàn thành bồi thường mà Thanh tra Chính phủ đề nghị thu hồi.

UBND H.Bình Chánh cho biết, tổ công tác liên ngành đang rà soát tiến độ với các DA này, bao gồm: DA xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Nam Sài Gòn, khu dân cư Intresco (khu 6A), lô 1 và lô 2 chung cư tái định cư thuộc khu 6B, khu công viên - dịch vụ vui chơi giải trí Hoa Đồng thuộc khu 9A-B, khu dân cư khoa học, khu dân cư Thăng Long…

Do dính quy hoạch “treo” nên chủ lô đất mặt tiền đường XTT 04 (xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn) chỉ trồng vài cây chuối

Điều chỉnh quy hoạch để kêu gọi đầu tư

Quy hoạch “treo”, DA “treo” còn khiến chính quyền địa phương đau đầu trong quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, cũng như lãng phí nguồn lực đất đai.

Trong buổi làm việc với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên hồi tháng 6.2022, H.Hóc Môn đề xuất TP xem xét xử lý, thu hồi hơn 700 ha đất thuộc các DA “treo”, quy hoạch nhiều năm nhưng không thực hiện để bán đấu giá hoặc kêu gọi nhà đầu tư mới có năng lực và thực hiện hiệu quả hơn.

Cụ thể, đối với cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại xã Xuân Thới Sơn do Công ty CP Khánh Đông làm chủ đầu tư, H.Hóc Môn đề xuất điều chỉnh cắt giảm ranh phần đất chưa bồi thường để giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân. Phần đất chủ đầu tư đã bồi thường, thì rà soát lại việc SDĐ và xử lý. Còn các DA khu dân cư Nhị Xuân, DA khu dân cư và làng văn hóa Thanh niên xung phong (xã Xuân Thới Sơn) do Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM làm chủ đầu tư, thì xem xét thu hồi, điều chỉnh quy hoạch và đấu giá quyền SDĐ. Riêng DA khu công nghiệp Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn đề xuất xử lý sớm, thu hồi các quỹ đất có DA “treo” hoặc không còn phù hợp để đầu tư DA đô thị mới.

Liên quan DA khu công nghiệp (KCN) Xuân Thới Thượng và khu dân cư liền kề rộng 380 ha, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết, trong Nghị quyết 80 năm 2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch SDĐ đến năm 2020 và kế hoạch SDĐ kỳ cuối (2016 - 2020) của TP.HCM đã loại KCN này ra khỏi quy hoạch của TP. Theo đó, Sở TN-MT rà soát lại quỹ đất DA trong khu vực này quá 3 năm nhưng chưa thực hiện để thu hồi và tổ chức bán đấu giá. Các diện tích đất còn lại sẽ thực hiện theo đúng quy hoạch sau khi không còn làm khu công nghiệp.

Về quy hoạch SDĐ, ông Thắng cho biết hiện tỷ lệ đất nông nghiệp của H.Hóc Môn chiếm 50%. Huyện này cũng đang đề xuất giảm đất nông nghiệp xuống còn 30%, phần 20% diện tích điều chỉnh sẽ là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình lập quy hoạch SDĐ TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025, Sở TN-MT sẽ rà soát nhu cầu của huyện để tổng hợp báo cáo UBND TP.HCM trình Thủ tướng phê duyệt.

Đối với 3 DA KCN “treo” gần 15 năm gồm: Xuân Thới Thượng (H.Hóc Môn), Bàu Đưng và Phước Hiệp (H.Củ Chi), lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết các DA này không còn tính khả thi, chưa có chủ trương thu hồi đất, chưa triển khai các thủ tục về lập quy hoạch. Các DA “treo” ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân khi hạ tầng xuống cấp không được đầu tư, không thể sang nhượng đất; việc đầu tư, sửa chữa nhà ở cũng gặp khó khăn. Do đó, UBND TP.HCM đã đề xuất Thủ tướng điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch đối với 3 KCN trên, đồng thời bổ sung KCN Phạm Văn Hai rộng 668 ha để thay thế.

Quy hoạch là vấn đề tiên quyết

Tại buổi làm việc với H.Hóc Môn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh quy hoạch “là vấn đề tiên quyết, do đụng tới những vấn đề còn tồn tại nên quy hoạch phải đi trước chứ không phải chờ uốn theo”. “Sứ mệnh của quy hoạch H.Hóc Môn và TP.HCM không chạy theo những vụ việc nhỏ lẻ, không để người dân thiệt thòi”, ông Nên nói.

Đối với quy hoạch SDĐ, theo yêu cầu của Bí thư Thành ủy, công tác này phải triển khai nhanh, tính toán lộ trình, quy hoạch bài bản để khai thác hiệu quả. Về mục tiêu phát triển lên thành phố trước năm 2030 của H.Hóc Môn, ông Nguyễn Văn Nên nhận định dù lên quận hay thành phố thì việc đầu tiên phải đảm bảo chất lượng sống của người dân được nâng lên, môi trường đầu tư thuận lợi cho làm ăn và phát triển bền vững.

Chồng chéo trong quản lý khu đô thị nam TP.HCM

Khu đô thị (KĐT) Nam TP.HCM nằm trên địa bàn Q.7, Q.8, H.Nhà Bè và H.Bình Chánh được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch từ năm 1994, rộng 2.975 ha với trục xương sống là đường Nguyễn Văn Linh. Sau gần 30 năm, nhiều KĐT mới hình thành như Phú Mỹ Hưng, Trung Sơn, Him Lam…; nhưng vẫn còn nhiều DA chỉ nằm trên giấy.

Lãnh đạo UBND H.Bình Chánh nhìn nhận một trong những nguyên nhân dẫn đến quy hoạch “treo” trên địa bàn huyện, đặc biệt là KĐT Nam TP.HCM xuất phát từ sự chồng chéo trong quản lý quy hoạch và kêu gọi đầu tư giữa UBND H.Bình Chánh với BQL Khu Nam. Hiện phần lớn diện tích 4 xã: Phong Phú, Bình Hưng, An Phú Tây, Hưng Long đều dính đến quy hoạch KĐT Nam TP.HCM. Các xã này chiếm số lượng DA nhà ở chậm triển khai toàn huyện, trong đó xã Bình Hưng dẫn đầu với 36 DA nhà ở.

Vừa qua, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, quyết định chấm dứt hoạt động của BQL Khu Nam theo mô hình cơ quan hành chính; đồng thời giao TP.HCM thành lập BQL Khu vực phát triển đô thị Nam TP.HCM trên cơ sở sắp xếp BQL Khu Nam.

“Nếu BQL Khu Nam không còn là đơn vị quản lý nhà nước nữa thì sẽ thuận lợi hơn cho nhà đầu tư vì sẽ không mất thêm thời gian lập thủ tục”, lãnh đạo UBND H.Bình Chánh nhận định.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.