Sáng nay (22.8), Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận tổ chức hội nghị đánh giá sơ kết tình hình kinh tế, xã hội giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Cao tốc qua Bình Thuận giúp tháo "điểm nghẽn" về giao thông
Báo cáo tại hội nghị cho thấy trong nửa nhiệm kỳ qua, việc triển khai nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV có nhiều thuận lợi nhưng đan xen nhiều khó khăn, thách thức. Đó là đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; trong khi đó kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội chưa đồng bộ, giá cả nguyên vật liệu đầu vào leo thang, chính quyền phải tháo gỡ nhiều khó khăn từ những năm trước còn tồn đọng lại.
Nửa nhiệm kỳ qua cũng có nhiều thuận lợi, như các hoạt động của Năm du lịch quốc gia tạo hiệu ứng tốt thúc đẩy kinh tế, xã hội; các tuyến cao tốc đi qua Bình Thuận đưa vào khai thác giúp tỉnh tháo "điểm nghẽn" về giao thông, góp phần thu hút lượng khách du lịch rất lớn đến địa phương; "điểm nghẽn" về chồng lấn thăm dò, khai thác titan nhiều năm qua cũng đã dần được tháo gỡ...
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém trong quá trình lãnh đạo, điều hành nửa nhiệm kỳ qua. Theo đó cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, chất lượng tăng trưởng thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.
Hoạt động du lịch còn nhiều khó khăn thách thức, thiếu bền vững, môi trường cảnh quan một số nơi còn chưa xanh, sạch đẹp. Đặc biệt, nhiều dự án kinh tế ven biển triển khai chậm, cầm chừng. Phát triển kinh tế biển chưa tương xứng với tiềm năng một tỉnh có chiều dài bờ biển tới 192 km.
Gợi ý các đại biểu tham luận tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đề nghị nêu bật quá trình cụ thể hóa các nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, cũng như Đại hội Đảng bộ tỉnh, vận dụng trong triển khai các nhiệm vụ kinh tế, xã hội.
"Từng sở ngành cần xác định rõ đã làm được gì để xây dựng Bình Thuận trở thành tỉnh thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư tiềm năng trong nước và ngoài nước. Thay vì ngồi chỗ chờ nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội, thì phải đi tìm các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực, có kinh nghiệm đến với chúng ta", Bí thư Dương Văn An nêu.
Liên tục thay thế cán bộ bị khởi tố, kỷ luật
Phát biểu bế mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, thách thức trong nửa đầu nhiệm kỳ mà Đảng bộ Bình Thuận gặp phải.
Theo ông An, ngoài khó khăn chung như đại dịch Covid-19, Bình Thuận cũng có những khó khăn riêng, trong đó phải kể đến là một số vụ việc sai phạm được cơ quan có thẩm quyền kết luận, xử lý.
Một số vụ án liên quan khiến nhiều cán bộ bị kỷ luật ở các hình thức khác nhau, thậm chí bị xử lý hình sự. Trong bối cảnh đó, tỉnh phải thay thế cán bộ liên tục, kể cả cán bộ chủ chốt.
Tuy nhiên, người đứng đầu Đảng bộ Bình Thuận khẳng định, với tinh thần đoàn kết một lòng, với nỗ lực và quyết tâm cao, Đảng bộ tỉnh vẫn tìm cách khắc phục khó khăn này để làm tốt vai trò lãnh đạo, tìm hướng đi mới, cơ hội mới nhằm phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống nhân dân.
Trong công tác xây dựng Đảng, ông Dương Văn An khẳng định vẫn còn nhiều "điểm nghẽn" như vẫn còn tình trạng "dễ làm, khó bỏ", làm chưa đến nơi, đến chốn, hoặc làm cho có; tức là tổ chức học tập, quán triệt và ban hành văn bản thì rất đầy đủ, nhưng khâu triển khai còn yếu và thiếu quyết tâm.
"Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh công việc, làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc chung; dù "biết đúng cũng không dám quyết", dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông An cho rằng ở Bình Thuận vẫn còn tình trạng "che chắn, phòng thủ". "Tức là trong văn bản tham mưu dù đã đúng rồi, vẫn ghi thêm một ý để "che chắn, phòng thủ" cho mình", Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết.
"Mặt khác, "bệnh sợ trách nhiệm" vẫn khá phổ biến, nếu không có giải pháp chữa trị căn cơ, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, cản trở sự phát triển chung của tỉnh, gây bức xúc trong nhân dân và doanh nghiệp, cần phải được khắc phục trong thời gian tới", ông Dương Văn An kết luận.
Một số chỉ tiêu đạt được giữa nhiệm kỳ
Tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP tăng bình quân trong 2 năm đạt 5,05%. Tỷ lệ thu ngân sách so với GRDP (không tính thu từ dầu khí) năm 2021 đạt 13,41%; năm 2022 đạt 11,41%; ước năm 2023 chỉ đạt 8,75%. Chi đầu tư phát triển so với tổng thu ngân sách đạt 38,65%. Thu hút tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP trong 2 năm chiếm 41,47%, ước trong 3 năm chiếm 41,88%.
Bình luận (0)