Sau khi bị ong vò vẽ đốt, bé được người dân đưa đến bệnh viện địa phương để sơ cứu, chuyển bệnh viện khu vực trong tình trạng lừ đừ, nổi mề đay. Trẻ được xử trí ban đầu sau đó nhanh chóng được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) để tiếp tục điều trị.
Ngày 13.9, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến (Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố) cho biết, khi nhập viện, bé K. li bì, ngủ gà, thở co kéo 38 lần/phút, mạch 120 lần/phút, huyết áp 100/70 mmHg, vàng da vàng mắt, tiểu ít màu vàng sậm. Trên cơ thể bé có khoảng 70 vết ong đốt, đầu mặt cổ, ngực, tay chân có vài nốt đốt có hoại tử trung tâm, sưng bầm tím xung quanh.
Xét nghiệm bé K. có biểu hiện toan hóa máu, tổn thương thận, gan... Bé được chẩn đoán ong vò vẽ đốt 70 vết giờ thứ 11, suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan, được xử trí đặt nội khí quản giúp thở, dịch truyền, kháng sinh, vitamin K1, hỗ trợ gan, tiến hành lọc máu cho bé và tiếp tục theo dõi điều trị tại khoa hồi sức.
Bác sĩ Tiến khuyến cáo người dân cần chú ý đến các biện pháp phòng ngừa ong đốt, đặc biệt là với trẻ nhỏ như:
- Phát quang khu vực xung quanh nhà và vườn, đảm bảo không có tổ ong ẩn nấp.
- Hướng dẫn trẻ em không lại gần hoặc chọc phá tổ ong, tránh tiếp xúc với những khu vực có ong sinh sống.
- Khi đi dã ngoại hoặc vào rừng, người dân nên tránh mặc quần áo sặc sỡ và sử dụng nước hoa vì có thể thu hút ong.
Theo bác sĩ Tiến, ong vò vẽ đốt có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt đối với trẻ em. Do đó, người dân cần thận trọng và có các biện pháp phòng ngừa để tránh xảy ra những tình huống đáng tiếc tương tự.
Bình luận (0)