Tây Ninh: 3 trường hợp sốc phản vệ do bị ong vò vẽ đốt

Lê Cầm
Lê Cầm
09/09/2024 11:19 GMT+7

Trong 2 ngày, liên tiếp 3 trường hợp bị ong vò vẽ đốt dẫn đến sốc phản vệ được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Theo các bác sĩ, đây là một dạng phản ứng dị ứng cực kỳ nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bị ong đốt khi đang chơi, làm vườn, đi ngoài đường

Bé N. (6 tuổi, ngụ Trảng Bàng, Tây Ninh) được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nổi mề đay rải rác toàn thân kèm sốt sau khi bị ong đốt 2 mũi vào tay. Mẹ bé cho biết, bé bị ong đốt vào tay khi đang đi ngoài sân, sau đó bé nổi mề đay toàn thân, đau nhức nên bé nhanh chóng được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Ngày 9.9, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tấn Phát, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, cho biết bé được xác định là sốc phản vệ do nọc độc của ong gây ra. Các bác sĩ đã tiến hành xử trí hồi sức cho bệnh nhi, tích cực điều trị theo phác đồ sốc phản vệ. Ba ngày sau đó, sức khỏe bệnh nhi đã hoàn toàn hồi phục và đã được xuất viện.

Ngay sau đó, khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận một nam thanh niên tên T. (34 tuổi, cùng ngụ Trảng Bàng, Tây Ninh) được phòng khám khu vực chuyển đến trong tình trạng lơ mơ, khó thở. Gia đình cho biết, anh T. bị ong vò vẽ đốt 1 mũi ở vùng đùi trong lúc ra ngoài vườn nhà.

Ngay khi tiếp nhận, ê kíp đã tiến hành quy trình cấp cứu nhanh chóng, chuyển khoa Hồi sức tích cực và Chống độc để điều trị tích cực. Sau 24 giờ điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định và được chuyển về khoa Nội tổng quát. Hiện tại, bệnh nhân đã được xuất viện.

Sau đó một ngày, khoa Cấp cứu tiếp tục tiếp nhận thêm trường hợp bệnh nhân nữ T. (48 tuổi, ngụ Trảng Bàng, Tây Ninh). Trong lúc đang đi bộ ngoài đường, bà T. bị tổ ong vò vẽ rớt trúng và bị ong đốt chi chít tại vùng cánh tay, đầu, vai, gần 20 mũi. Sau đó tại vị trí các vết đốt bị sưng nề, đau dữ dội nên bà nhanh chóng được gia đình đưa đến bệnh viện. Bệnh nhân được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực và Chống độc. Do được cấp cứu sớm nên bệnh nhân may mắn đã qua cơn nguy kịch và đang dần hồi phục.

Tây Ninh: 3 trường hợp sốc phản vệ do bị ong vò vẽ đốt- Ảnh 1.

Hình ảnh vết ong đốt trên tay bệnh nhân

ẢNH: BSCC

Ong vò vẽ là loài có nọc độc rất mạnh

Bác sĩ Phát cho biết, ong vò vẽ là loài có nọc độc rất mạnh. Khi bị đốt, tùy theo số lượng nốt đốt mà người bệnh có các biểu hiện như: đau nhức tại vết đốt (đau nhức rất nhiều), nổi mề đay, sốc phản vệ gây khó thở, tụt huyết, nặng hơn là trụy tim mạch (sốc phản vệ nặng không được xử lý kịp thời) và bệnh viện cũng đã từng tiếp nhận không ít người bệnh bị ong vò vẽ đốt trên 100 nốt, biến chứng suy thận, tổn thương gan rối loạn đông máu phải tiến hành lọc thận.

Trong trường hợp bị ong đốt, hãy nhanh chóng làm sạch vết thương, dùng vật cứng nhẹ nhàng lấy ngòi ong ra (không dùng tay nặn) và lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời. Tuyệt đối không tự ý sử dụng các biện pháp dân gian khi chưa có chỉ dẫn từ bác sĩ.

"Để phòng tránh bị ong vò vẽ đốt, bác sĩ khuyến cáo người dân nên cẩn trọng khi làm việc ngoài trời, đặc biệt ở những khu vực có nhiều cây cối, bụi rậm. Nếu phát hiện tổ ong gần khu vực sinh sống, hãy liên hệ với các đơn vị chuyên trách để xử lý, tránh tự mình tiếp cận và phá tổ ong", bác sĩ Phát khuyến cáo.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.