Những ngày nắng chói chang rồi mưa ào ạt, nếu đang lang thang trên cung đường nào đó ở miền núi xứ Thanh, hãy ghé vào một bản Mường, bản Thái ven đường xin một bữa cơm nóng hổi với món canh đắng nổi tiếng nơi đây.
>> Mát dịu canh nghêu
>> Cay cay nồng nồng canh chua cá ngạnh
Cứ tưởng mướp đắng hay rau đắng của miền Nam đã là nhất bảng, nhưng nếu so vị đắng với món canh của người Mường, người Thái xứ Thanh thì vẫn còn đứng sau một bậc. Không phải vị đắng trước ngọt sau như hai người anh em kia, lá đắng dù ăn sống hay nấu chín trong bát canh nóng hổi vẫn cứ thủy chung một vị đắng đến tê người.
|
Vốn là một loại cây rừng, nhưng giờ đây người ta mang lá đắng về trồng ở vườn nhà. Thân cây cao, mỗi lần muốn hái lá thì lấy cây sào dài có buộc lưỡi liềm ở một đầu, khéo léo “bứt” một chùm lá xuống. Lá đắng thon dài, tỏa ra thành chùm như lá sắn. Trong chùm ấy, chỉ những lá đắng bánh tẻ mới đủ tiêu chuẩn nấu thành bát canh ngon.
Lá của rừng, nên dĩ nhiên “chuẩn” nhất là nấu với thịt thú rừng. Nhưng đó là chuyện ngày xửa ngày xưa, giờ đây thì lá đắng bằng lòng kết đôi cùng lòng lợn, lòng bò, sang hơn thì nấu với thịt gà băm nhỏ. Nhưng dù nấu với thức gì, cũng đừng quên phải có một bát tiết, thiếu nó, canh đắng sẽ loãng thếch, vô duyên.
Canh đắng vốn là món canh nhiều cái nhiều nước, nên nấu sao cho bát canh sền sệt mới ngon. Nhưng dĩ nhiên không phải cái sền sệt của món xúp, chỉ cần húp đến miếng cuối cùng mà bát canh vẫn không trơ lại nước lõng bõng là được.
Ở miền núi Thanh Hóa, lá đắng được bày bán khắp các chợ. Không có lá tươi thì dùng lá đã phơi khô cũng ngon chẳng kém. Khi nấu canh, nắm lá đắng được thái vụn cùng thịt thú rừng, lòng lợn, lòng bò hoặc thịt gà băm nhỏ, xào chín rồi thêm nước nấu cho sôi bùng trở lại là được. Theo phong tục của người Mường, vào bữa cơm bà mế hay cô con dâu cả trong nhà sẽ múc canh đắng ra từng bát nhỏ. Mỗi người sẽ húp hết bát canh của mình trước khi ăn cơm.
Bát canh nóng hổi thơm ngậy, nếm thử thìa đầu tiên có thể sẽ khiến bạn không thốt nổi thành lời: “Đắng thế”. Nhưng với người dân bản địa, vị đắng này cũng chưa nhằm nhò gì, vì họ còn có thể hái lá đắng ăn sống như một loại rau. Có người bảo canh đắng có hơi hướng giống thắng cố của người Mông. Nhưng cái đắng của món canh này đến từ lá rừng chứ không phải từ ruột ngựa như thắng cố, một vị đắng rất thanh. Ngày lạnh, ăn bát canh đắng đâm trái ớt hiểm cay xè còn nóng rực hơn ngồi bên bếp lửa. Ngày hè, canh đắng lại là vị thuốc thanh nhiệt giải độc hữu hiệu. Khi xưa, trai tráng bản Mường thường vào rừng săn bắt, hái củi cả tuần trời, chính món canh đắng giúp họ ấm bụng, khỏe mạnh giữa chốn rừng thiêng nước độc.
Dù lần đầu khó nuốt đến thế nào, nếu bạn can đảm thử ăn vài lần nữa thì rất dễ “nghiện” món canh này. Cũng giống như thắng cố vậy, một khi đã thèm thì chỉ còn cách chạy xe về miền rừng mà thưởng thức, và nhớ đem về một bọc lá đắng phơi khô để có thể trổ tài đãi cả nhà khi lại bất chợt thèm canh đắng một ngày nào đó.
Tịnh Tâm
Bình luận (0)