Đang mùa khô, vì sao khắp nơi mưa to kéo dài?

Chí Nhân
Chí Nhân
16/12/2024 05:58 GMT+7

Hiện nay đang là mùa khô nhưng nhiều nơi ở miền Trung và Nam bộ lại xuất hiện mưa to kéo dài, nhiều nơi ghi nhận những trận mưa to đến rất to. Người dân Nam bộ đang băn khoăn liệu thời tiết bất thường này có kéo dài tới mùa lễ hội cuối năm hay không.

Mùa Noel mà cứ tưởng mùa mưa bão

TP.HCM những ngày qua trời se lạnh về đêm và sáng sớm khiến nhiều người cảm thấy thích thú vì được hưởng không khí dịu mát của mùa Giáng sinh. Đặc biệt, trời "buồn ủ rũ" kéo dài cả ngày, lúc nào cũng có vẻ như sắp mưa. Thực tế, một số quận huyện trên địa bàn thành phố ghi nhận lượng mưa khá to như tại Cần Giờ là 45 mm và Bình Chánh 27,2 mm… Điều này khiến không ít người có cảm giác TP.HCM vẫn đang trong mùa mưa dù đã qua đầu mùa khô.

Đang mùa khô, vì sao khắp nơi mưa to kéo dài?- Ảnh 1.

Mưa trái mùa xuất hiện trên diện rộng ở Nam bộ

Ảnh: CHÍ NHÂN

Mưa to bất thường và kéo dài kèm theo lốc xoáy còn ghi nhận được ở nhiều địa phương khác trên cả nước. Cụ thể, khoảng 10 giờ sáng 13.12, một trận mưa lớn kèm theo lốc xoáy mạnh xảy ra trên địa bàn TX.Ngã Năm (Sóc Trăng), gây hư hại 64 căn nhà ở 2 xã Mỹ Quới và Mỹ Bình. Trong đó có 15 căn nhà bị sập, 16 căn tốc mái hoàn toàn và số còn lại bị tốc mái từ 30 - 70%. Lốc xoáy còn làm 1 người bị thương, nhiều cây xanh, trụ điện ngã đổ.

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, trong ngày 13.12, mưa lớn (trên 50 mm) còn xảy ra ở nhiều nơi khác như: Thạnh Trị (Sóc Trăng) 68,8 mm, Châu Thành (Trà Vinh) 69 mm, Ca Dao (Đồng Tháp) 74,6 mm hay Phú Lộc (An Giang) 79,4 mm. Tại miền Đông Nam bộ, xã Phước Hội (H.Long Đất, Bà Rịa-Vũng Tàu) ghi nhận lượng mưa 75,8 mm.

Không chỉ ở phía nam, tình hình mưa lũ ở miền Trung và Tây nguyên cũng bất thường không kém. Trong nửa đầu tháng 12, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia liên tục phát các bản tin cảnh báo mưa to, lũ quét và sạt lở đất ở nhiều tỉnh, thành. Mới nhất, ngày 14.12, cơ quan này cảnh báo các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên, Kon Tum và Đắk Lắk có mưa to đến rất to như: Triệu Ái (Quảng Trị) 124,4 mm, Bạch Mã (Thừa Thiên-Huế) 276,8 mm, Bà Nà (Đà Nẵng) 645,2 mm, Phước Hiệp (Quảng Nam) 220,6 mm, Ba Điền (Quảng Ngãi) 202,6 mm, An Tường (Bình Định) 202 mm, Sông Hinh 4 (Phú Yên) 129,4 mm... Mưa to vẫn tiếp tục kéo dài đến ngày 15.12, tại Tam Trà (Quảng Nam) với lượng mưa đo được là 265,4 mm, Ba Điền (Quảng Ngãi) 254 mm, Cư Króa (Đắk Lắk) 222,6 mm… Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, cơ quan khí tượng phải liên tục phát các bản tin cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều địa phương trong khu vực.

Đang mùa khô, vì sao khắp nơi mưa to kéo dài?- Ảnh 2.

Cảnh báo mưa lũ bất thường ở các tỉnh miền Trung

Ảnh: HUỲNH TUẾ

Có thể xuất hiện tuyết rơi

Dù mưa xuất hiện khắp nơi nhưng nguyên nhân lại khác nhau. Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, giải thích: Ở Nam bộ đang là mùa khô nhưng những ngày qua trời âm u, mưa trái mùa xuất hiện thường xuyên khiến chúng ta có cảm giác như đang trong mùa mưa. Nguyên nhân là do rãnh áp thấp xích đạo vắt qua khu vực Nam bộ hoạt động mạnh, tạo ra các nhiễu động gió đông đẩy mây giông từ biển vào đất liền liên tục gây mưa và giông lốc. 

Trong khi đó, đối với khu vực miền Trung, mùa mưa cũng đã kết thúc nhưng giai đoạn này lại mưa lũ thất thường là do không khí lạnh từ phía bắc liên tục tăng cường xuống phía nam. Không khí lạnh gặp địa hình đồi núi chắn lại, kết hợp với gió đông bắc từ biển thổi vào tạo thành mây giông gây mưa. "Các đợt không khí lạnh cường độ mạnh tiếp tục tăng cường nên từ nay đến Noel và Tết dương lịch có khả năng còn rét hơn. Ở những vùng núi cao từ 1.500 - 2.000 m trở lên có thể có tuyết, nhiều nơi xuất hiện băng giá; còn miền Trung tiếp tục có mưa rét", bà Lan dự báo.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Ngày 15.12, do ảnh hưởng của không khí lạnh tại khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An trời rét đậm, vùng núi Bắc bộ rét đậm, rét hại. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 10 - 13 độ C, vùng núi 7 - 10 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 6 độ C. Khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế trời rét; nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 13 - 16 độ C. Không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến khu vực nam Trung bộ. Riêng khu vực Hà Nội trời rét đậm; nhiệt độ thấp nhất phổ biến 10 - 13 độ C.

Đang mùa khô, vì sao khắp nơi mưa to kéo dài?- Ảnh 3.

Mưa lớn kèm theo lốc xoáy gây thiệt hại 64 căn nhà ở Sóc Trăng ngay trong mùa khô

Ảnh: TUẤN PHI

Trong tháng 1 - 2.2025, không khí lạnh hoạt động mạnh và gây ra các đợt rét đậm, rét hại kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá, đặc biệt tại các khu vực vùng núi phía bắc. Từ tháng 3.2025, không khí lạnh hoạt động yếu hơn và tương đương với trung bình nhiều năm.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên khu vực miền Trung và Nam bộ tiếp tục có mưa trái mùa với lượng xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đặc biệt trong tháng 1 - 2.2025, mưa sẽ nhiều hơn và giảm dần vào tháng 3. Trên phạm vi cả nước tiếp tục có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét và gió giật mạnh.

2 đợt mưa to bất thường liên tiếp

Trong tháng 11 và nửa đầu tháng 12, nhiều nơi trên cả nước có tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 50 - 90%. Cụ thể, tổng lượng mưa từ ngày 18 - 27.11, có nơi cao hơn trên 600 mm như Trà My (Quảng Nam) 1.270 mm, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 670 mm, nhiều nơi ở Thừa Thiên-Huế phổ biến từ 400 -1.000 mm. Đợt mưa từ ngày 6.12 đến nay có tổng lượng mưa phổ biến từ 50 - 100 mm, riêng Cam Ranh (Khánh Hòa) 224 mm, Đà Nẵng 213 mm... Trên cả nước đã quan trắc được một số trạm khí tượng ghi nhận giá trị lượng mưa ngày và tổng lượng mưa tháng vượt giá trị lịch sử.

Có thể xuất hiện La Nina yếu và rất ngắn

Bản tin cập nhật từ Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết: Có khả năng La Nina sẽ xuất hiện trong khoảng thời gian từ tháng 12.2024 và kéo dài đến tháng 2.2025, với khả năng là 55%. Từ tháng 2 - 4.2025 sẽ quay lại trạng thái trung tính.

Tính đến cuối tháng 11.2024, các quan sát về chỉ số khí hậu cho thấy hiện tượng ENSO vẫn ở trạng thái trung tính; trạng thái này tồn tại từ tháng 5.2024. Hiện tại, nhiệt độ bề mặt biển thấp hơn một chút so với mức trung bình trên phần lớn vùng xích đạo trung tâm đến phía đông Thái Bình Dương. Tuy nhiên, sự dịu mát này vẫn chưa đạt đến ngưỡng La Nina điển hình. Nguyên nhân có thể dẫn đến sự phát triển chậm này là các dị thường gió tây mạnh trong phần lớn thời gian từ tháng 9 đến đầu tháng 11.2024.

Ngay cả khi hiện tượng La Nina xuất hiện thì tác động làm mát ngắn hạn sẽ không đủ để cân bằng hiệu ứng ấm lên trong suốt nhiều tháng qua và năm 2024 sẽ trở thành năm ấm nhất lịch sử.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.