Theo Financial Times, đây là lần đầu tiên trên thế giới có điều luật nhằm kìm hãm sự thống trị của Facebok và Google tại một quốc gia trong bối cảnh hai “gã khổng lồ công nghệ” này đang ngày càng bành trướng. Sự kiện đánh dấu thay đổi cho các nhà xuất bản tin tức toàn cầu - những đơn vị đã vận động hành lang với chính quyền cả thập kỷ qua nhằm yêu cầu các hãng công nghệ phải chia sẻ lợi nhuận với họ để hiển thị thông tin trên nền tảng internet. Canada, Anh, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang xem xét động thái tương tự Úc.
Trước Úc đã có những nỗ lực từ một số quốc gia nhưng đều không đạt được thành công như mong đợi. Tại Tây Ban Nha, Google rút dịch vụ Tin tức vào năm 2014 thay vì trả tiền cho nhà xuất bản tại đây để hiển thị đường dẫn tới nội dung của họ.
Luật mới sẽ được xem xét, cân nhắc lại sau một năm từ ngày thi hành, giúp thành lập một đơn vị trọng tài do chính phủ chỉ định để thống nhất tỷ lệ chi trả mà các công ty công nghệ phải trả cho nhà xuất bản tin tức nếu quá trình thương thuyết của đôi bên không có kết quả.
Bộ trưởng Tài chính Úc Josh Frydenberg cho biết, luật mới nhằm đảm bảo các doanh nghiệp sản xuất tin tức được “trả tiền công bằng cho những nội dung họ đã tạo ra, giúp duy trì nền báo chí công ích tại Úc”.
“Facebook đã kết bạn lại với Úc và tin tức ở Úc sẽ xuất hiện trở lại trên nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới”, ông Frydenberg chia sẻ trước báo chí trong buổi họp tại thủ đô Canberra của Úc.
Trong sự kiện lần này, nước Úc không chỉ nhận được sự ủng hộ từ các chính phủ khác mà còn từ một số công ty công nghệ vốn đã trong tầm ngắm của các nhà làm luật. Hồi đầu tháng 2, Microsoft có tuyên bố mạnh mẽ về việc ủng hộ điều luật truyền thông mới.
|
Chủ tịch Microsoft Brad Smith nói: “Luật pháp sẽ giải quyết được sự mất cân bằng về kinh tế giữa công nghệ và báo chí thông qua ủy thác đàm phán từ các đơn vị nắm giữ công nghệ và những tổ chức tin tức độc lập”. Microsoft cũng không bỏ lỡ cơ hội khẳng định với chính quyền Úc khi Google dọa bỏ nơi đây rằng “Công cụ tìm kiếm Bing của chúng tôi sẽ rất vui khi được giao nhiệm vụ cống hiến cho ngành công nghiệp tin tức”.
Tuy các chính phủ hậu thuẫn cho Úc trong quyết định mới, một số chuyên gia phân tích truyền thông tin rằng trong trường hợp này chính quyền đang bắt công ty này trả tiền cho doanh nghiệp khác, đặc biệt khi đơn vị nhận tiền lại do một trong số những người giàu nhất, có tầm ảnh hưởng nhất quốc gia sở hữu.
Giáo sư báo chí Jeff Jarvis gọi sự kiện này là “tống tiền truyền thông” và Google đã phải khuất phục “ác quỷ Murdock” (Google đạt thỏa thuận nhiều năm với Tập đoàn truyền thông News Corp của tỉ phú Rupert Murdoch liên quan tới chia sẻ nội dung theo luật mới). “Ác quỷ” mà Jarvis nhắc tới là tỉ phú với gia tài kếch xù và đầy quyền lực người Úc Rupert Murdoch.
Cả hai phía (chính quyền Úc và Facebook) đều tuyên bố chiến thắng trong sự kiện thu hút sự quan tâm của quốc tế này. Một số chuyên gia phân tích cho rằng Facebook đã bảo vệ được mô hình thu thập tiền quảng cáo trên mỗi cú nhập chuột vào tin tức hiển thị đầy béo bở. Chuyên gia phân tích độc lập Richard Windsor nói: “Facebook đã đạt được thắng lợi lớn và sự nhượng bộ đảm bảo cho hãng được kinh doanh bình thường từ nay trở đi”.
Facebook cũng tuyên bố hãng hài lòng với những sửa đổi so với dự thảo luật trước đó. “Chính phủ đã làm rõ việc chúng tôi vẫn có quyền quyết định cho tin tức hiển thị trên nền tảng hay không để Facebook không tự động trở thành đối tượng cho một cuộc thương lượng ép buộc”, Phó chủ tịch phụ trách Đối tác tin tức toàn cầu của Facebook Campbell Brown bình luận.
Bình luận (0)