(TNO) Không đơn thuần chỉ là chuyện nấu nướng, hậu trường MasterChef Vietnam còn ghi nhận những thú vị về các "ông nội trợ" tài năng, về câu chuyện tình yêu thăng hoa trong những món ăn...
>> Tập 2 MasterChef Vietnam: Những "ông nội trợ" tỏa sáng
>> MasterChef Việt Nam" mở màn nhiều thú vị
>> MasterChef Vietnam" sôi động vòng loại tại Đà Nẵng và TP.HCM
Đàn ông vào bếp: Chuyện nhỏ!
Lần đầu tiên đến Việt Nam, MasterChef đã mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho khán giả với bộ môn... nấu ăn, vốn dĩ là một công việc thường ngày của các bà nội trợ.
Thế nhưng, trải qua hai tập đầu tiên, nhiều người "ồ" lên rằng thì ra ai cũng có thể trở thành đầu bếp, không riêng gì các bà nội trợ. Từ một anh chàng bán thịt bò cho đến cô họa sĩ, chàng bác sĩ, kỹ sư, diễn viên, người mẫu... từ những người trẻ tuổi mê nấu ăn đến những người lớn tuổi với hàng chục năm "kinh nghiệm" nấu ăn cho chồng con... đều có thể vào bếp và thể hiện niềm say mê với ẩm thực.
|
Do tiêu chí của chương trình là "tìm kiếm những người đầu bếp không chuyên giỏi nhất, những người mà tài năng và sự nỗ lực của họ có thể khiến họ thay đổi cuộc đời của mình bằng những chiến thắng đáng kinh ngạc", các thí sinh phải đảm bảo những yêu cầu như chưa từng làm việc chính thức với tư cách là một đầu bếp, chưa từng kiếm sống bằng nghề chế biến thực phẩm hoặc dạy các lớp nấu ăn trong 15 năm qua... Chính điều đó cũng đã góp phần giúp cho cuộc thi càng trở nên thú vị hơn.
Đặc biệt là sự xuất hiện của những "ông nội trợ". Theo chia sẻ của những người làm chương trình, điều bất ngờ nhất với họ chính là số lượng thí sinh nam chiếm tới 60% tổng số thí sinh tham dự chỉ tính riêng tại TP.HCM trong 4 ngày tuyển sinh.
Thú vị hơn là hầu hết các thí sinh nam đều ở độ tuổi khá trẻ (dưới 35 tuổi) và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng cũng như thành đạt trong công việc hiện tại của mình. Cũng chính vì đến từ nhiều ngành nghề nên mỗi thí sinh có những cách thể hiện, cách trình bày món ăn mang đậm dấu ấn nghề nghiệp của chính mình.
|
Nếu như trong hai tập đầu tiên, khán giả truyền hình cảm nhận được tài năng và niềm đam mê của các thí sinh qua phần thuyết trình về các món ăn thì với những ai có mặt tại các vòng phỏng vấn, pre-cast, audition, điều đọng lại trong họ là những giọt mồ hôi, là sự tỉ mỉ, chu đáo của các thí sinh với món ăn của mình.
Tại vòng sơ tuyển TP.HCM, bất chấp thời tiết nắng như đổ lửa tại công viên Cảnh Đồi cầu Ánh Sao (Q.7, TP.HCM), các thí sinh vẫn nhiệt tình cùng chương trình thực hiện những cảnh quay đẹp nhất.
Và vì yêu cầu phải tự bảo quản món ăn, các thí sinh mang theo lỉnh khỉnh những dụng cụ như thùng đá, thùng giữ nhiệt... để có thể giữ được hương vị và chất lượng của món ăn cho đến khi giám khảo thưởng thức.
Vất vả là vậy nhưng ai cũng cười thật tươi. Có khi là nụ cười... trừ khi phải sớm bị loại, có khi lại là những tràng cười sảng khoái vang lên trước điệu nhảy Gangnam Style ăn mừng chiến thắng của một thí sinh khác.
|
Vợ nấu, chồng lau mồ hôi
Trong những cuộc trò chuyện với các thí sinh MasterChef, ngoài niềm đam mê nấu nướng ánh lên từ đôi mắt còn có thể cảm nhận được niềm vui sướng của họ khi nấu một ăn ngon cho người thân của mình.
Nhiều thí sinh chọn món ăn dự thi đơn giản chỉ vì người thân của họ thích món ăn đó. Chẳng hạn như cô nội trợ Bùi Thị Thu Trang chọn món Fish tacos with mango salsa có xuất xứ từ Mexico vì đây là món ăn mà chồng cô rất thích hay Nguyễn Trường Giang chọn món cari đỏ nấu với ớt chuông và thịt heo theo kiểu Thái để gợi nhớ món ăn nhiều kỷ niệm của anh và bạn gái.
Khi được hỏi có hối hận khi chọn món ăn này, anh Nguyễn Trường Giang bảo rằng: "Nếu có chọn sai tôi vẫn tự hào về món ăn của mình. Nấu ăn tôi còn nhiều cơ hội chứ bạn gái chỉ có một mà thôi”.
|
Phía sau những món ăn còn ẩn chứa những câu chuyện thú vị mà không phải ai cũng biết.
Với món cơm chiên bí đỏ hạt sen, Lê Hoàng Long - nhân viên tài chính của một ngân hàng nước ngoài đã không nhận được sự chấp thuận của giám khảo. Tuy nhiên, nguồn gốc của món ăn này là câu chuyện về tình bạn, tình yêu ẩm thực rất đẹp tại cuộc thi.
Được biết, một người bạn thân của Hoàng Long cùng đi thi MasterChef nhưng không vượt qua vòng pre-cast với món ăn này nên đã truyền lại bí quyết nấu cho anh.
Bị thuyết phục bởi tình cảm của người bạn dành cho món ăn, Hoàng Long đã học nó trong 1 ngày và chọn thi vòng audition với mong muốn giúp người bạn của mình đưa món ăn đó đến với giám khảo.
Phan Hữu Lộc (với nghệ danh là Bảo Ngọc) cũng là một thí sinh để lại nhiều ấn tượng cho giám khảo tại vòng audition mặc dù không nhận được tạp dề trắng. Khán giả sẽ có cảm tình nhiều hơn với thí sinh này khi biết rằng Lộc đi thi với quyết tâm chinh phục ban giám khảo sau khi bạn trai mình bị loại ở vòng pre-cast. "Bạn trai chính là người đã hướng dẫn cách nấu ăn cho tôi, vì anh đã bị loại ở vòng precast nên tôi đã cố gắng hết sức tại vòng Audition này", Lộc chia sẻ.
|
Thú vị hơn, có những trường hợp hai mẹ con cùng... cạnh tranh nhau như trường hợp của cô Minh Thuỷ và con trai là anh Hồng Nam. Hai mẹ con cô đều có mơ ước mở được nhà hàng. Anh Nam đùa: “Tôi sẽ vượt lên mẹ để mẹ về trông cháu sớm” trong khi cô Thuỷ nghe xong khăng khăng cho rằng: “Con ai người đấy trông. Mẹ sẽ nhường cơ hội cho anh về trông con anh”.
Câu chuyện vừa đáng yêu vừa cảm động là việc chàng sinh viên năm nhất Phan Quốc Trí (cũng là thí sinh nhỏ tuổi nhất cuộc thi), người từng khiến giám khảo bất ngờ với khả năng đầu bếp của mình khi thực hiện món panna cotta rượu vang tại vòng Audition TP.HCM, đi thi với sự hẫu thuận lớn từ bố mẹ.
Ngay từ vòng pre-cast, chàng trai 18 tuổi này đã được cả bố và mẹ "hộ tống" đến tham dự, thậm chí mẹ Trí đã chia sẻ rằng: "Thằng bé này nó rất kĩ tính trong chuyện bếp núc lắm. Hôm pre-cast chúng tôi phải "bê" nguyên cả cái bếp từ nhà vào để hỗ trợ Trí chuẩn bị tốt nhất cho phần dự thi của mình".
Mẹ của Trí thậm chí còn lo lắng và sốt sắng hơn cả con. Ngay sau khi mang đồ ăn đến, chị đã phải tất tả chạy về nhà để tìm thêm nguyên liệu bổ sung cho món ăn của con mình.
|
Cũng trong những ngày sơ tuyển, không ít người phải ganh tị với thí sinh Phạm Thị Đức Hạnh khi cô đến tham dự với sự hỗ trợ và chăm sóc nhiệt tình của ông xã. Mặc dù là chủ một doanh nghiệp rất bận rộn nhưng ông xã chị vẫn tận tình hỗ trợ vợ, che nắng và chăm sóc khi chị mệt mỏi. Sợ vợ bị say nắng khi phải thi dưới trời nắng, anh còn chuẩn bị sẵn trà pha mật ong để đảm bảo sức khỏe cho vợ mình.
Đó là những câu chuyện không có trên truyền hình nhưng lại có lẽ là những hình ảnh đọng lại lâu nhất với những ai từng tham gia cuộc thi này...
Là một trong những giám khảo ở vòng phỏng vấn tại TP.HCM, cô Bùi Thị Sương, Phó chủ tịch hội đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn, cho biết: "Tôi ấn tượng với khá nhiều trường hợp thí sinh thú vị từ khả năng nấu nướng đến câu chuyện đằng sau niềm đam mê ẩm thực. Các thí sinh tham gia chương trình này thứ nhất vì họ muốn được thể hiện mình, muốn học hỏi và được đào tạo, nhiều người có những ý tưởng rất hay rất sáng tạo về món ăn. Thứ hai, nhiều người muốn chứng tỏ với gia đình mình rằng nghề đầu bếp là nghề đáng trọng vọng, chứ không phải như quan điểm ngày xưa là không còn đường nào mới chui vào bếp, như câu thơ “Quanh năm xoong chảo đen sì, khói bay mù mịt thấy gì tương lai”. Ở nước ngoài, nhiều đầu bếp như là một ngôi sao, sức thu hút của họ không thua gì một minh tinh màn bạc. Nghề bếp mới bây giờ khác rồi, những thí sinh tham gia MasterChef chứng tỏ sức hút của chương trình nói riêng và nghề bếp nói chung”. |
Thiên Hương
Ảnh: n Nguyễn
>> Tập 2 MasterChef Vietnam: Những "ông nội trợ" tỏa sáng
>> MasterChef Việt Nam" mở màn nhiều thú vị
>> MasterChef Vietnam" sôi động vòng loại tại Đà Nẵng và TP.HCM
>> Ra mắt gian bếp hoành tráng của "MasterChef Việt Nam
>> MasterChef Việt Nam: Sôi nổi nấu ăn trong nắng nóng
>> Vua đầu bếp - MasterChef Việt Nam" công bố giám khảo thứ ba
>> MasterChef - Vua đầu bếp đến VN
Bình luận (0)