Đằng sau việc doanh nghiệp ồ ạt phát hành trái phiếu

Đình Sơn
Đình Sơn
16/08/2021 06:27 GMT+7

Suốt 2 năm qua, doanh nghiệp bất động sản không thể khởi công dự án vì vướng thủ tục, dịch bệnh. Thế nhưng, bất động sản lại dẫn đầu trong huy động vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Vậy số vốn này chảy vào đâu?

Lãi cao hơn nhiều so với tiết kiệm

Thời gian qua, nhiều nhân viên kinh doanh Công ty cổ phần (CP) Tập đoàn Sunshine liên tục gọi điện đến khách hàng, các nhà đầu tư chào mời mua trái phiếu do công ty này phát hành, với lãi suất áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên cố định 11%/năm. Nhân viên công ty này cho biết số tiền huy động được sẽ dùng để mua quỹ đất, phát triển các dự án bất động sản (BĐS) và tài sản đảm bảo cho khách hàng bằng chính các căn hộ, nền đất tại các dự án mà công ty đang triển khai.
Mới đây, Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc thông báo đã hoàn tất phát hành 1.500 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 24 tháng, lãi suất cố định 10,8%/năm. Mục đích huy động vốn là tăng quy mô vốn hoạt động cho công ty con. Hồi đầu năm 2021, Kinh Bắc đã huy động thành công 400 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ để cho các công ty con vay, bao gồm Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng và Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang.
Khi quỹ đất phình to, sẽ tỷ lệ thuận với giá cổ phiếu tăng theo, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới. Giá cổ phiếu tiếp tục tăng cao, DN chia thưởng, phát hành tăng vốn. Cứ như thế, nhiều ông chủ DN liên tục in giấy bán lấy tiền thật
Lãnh đạo một công ty bất động sản
Một cái tên quen thuộc trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là Công ty phát triển BĐS Phát Đạt. Từ đầu năm tới nay, công ty này đã thông báo phát hành 5 đợt TPDN, với tổng giá trị khoảng 1.240 tỉ đồng. Mục đích phát hành là tài trợ vốn cho các dự án BĐS của công ty này và công ty con ở các dự án như: khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội (Bình Định), dự án Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp Bình Dương (tỉnh Bình Dương), dự án hạ tầng kỹ thuật nội bộ khu I (TP.HCM)... Hàng loạt doanh nghiệp (DN) khác như Công ty CP Glexhomes phát hành 500 tỉ đồng TPDN, Tập đoàn Đất Xanh phát hành 370 tỉ đồng, kỳ hạn 2 năm bao gồm quyền mua lại trước hạn và bảo lãnh thanh toán. Các công ty như Sovico, BCG Land, Helios, Vinaconex, Tân Hoàng Minh... cũng không nằm ngoài xu hướng này. Đặc biệt, nhiều công ty huy động được nguồn vốn lớn qua TPDN như: Công ty CP đầu tư Golden Hill với 5.760 tỉ đồng (kỳ hạn 3 năm với lãi suất 9,7%), Công ty CP BCG Land huy động 2.500 tỉ đồng (kỳ hạn 3 năm lãi suất thả nổi 11% với biên độ 4%), Công ty CP BĐS BIM cũng phát hành 200 triệu USD, tức khoảng hơn 4.600 tỉ đồng...
Báo cáo thị trường TPDN của Công ty chứng khoán SSI cho thấy trong quý 2/2021, thị trường sơ cấp rất sôi động với hơn 164.000 tỉ đồng TPDN được phát hành, gấp 3,7 lần lượng phát hành của quý đầu năm và tăng gần 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung nửa đầu năm nay, tổng lượng TPDN phát hành là hơn 208.000 tỉ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Các DN BĐS dẫn đầu với lượng phát hành trái phiếu lên tới 92.300 tỉ đồng, chiếm 44,2% tổng lượng phát hành trên thị trường.
Với lãi suất dao động trong khoảng 9,5 - 11%/năm, cao hơn khá nhiều so với lãi suất tiết kiệm của ngân hàng hiện nay nên trái phiếu của các DN BĐS thu hút được nhiều người tham gia.

Huy động tiền để gom đất

Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang lý giải, thời gian qua thị trường BĐS liên tục nóng nên biên lợi nhuận trên vốn của các DN thu về rất cao, lên đến 50%, thậm chí 100%. Ngoài ra, thị trường tài chính, chứng khoán nói riêng đang tốt nên các DN tranh thủ huy động vốn bằng cách bán cổ phần hoặc TPDN. “Các DN đều nhìn thấy là bán cổ phần dù giá tốt nhưng rủi ro vì có thể mất quyền kiểm soát, còn bán trái phiếu là một hình thức huy động vốn, đỡ rủi ro hơn, do đó hiện nay đa số DN chọn hình thức này”, ông Quang nói.
Cũng theo ông Quang, xu hướng người dân mua TPDN dần trở thành phổ biến khi thị trường này đang ổn định và cạnh tranh tốt so với lãi suất tiền gửi. Thế nhưng việc nhiều DN tranh thủ triển khai phát hành trái phiếu với lãi suất cao mà mục đích sử dụng vốn thiếu tính an toàn sẽ gây rủi ro nhất định.
Lãnh đạo một công ty BĐS cho biết vốn từ phát hành TPDN đa số được các DN sử dụng để mua đất. Quỹ đất càng lớn, càng làm cho vốn hóa DN tăng lên, từ đó khiến giá trị công ty tăng và đẩy giá cổ phiếu tăng cao. Thậm chí hiện nay, có những công ty BĐS lập các phòng kinh doanh chuyên bán TPDN thay vì bán BĐS như trước. “Các dự án đang triển khai hoặc dự án đã hình thành không cần tới nguồn vốn này vì DN có thể đem căn hộ, nền đất bán dùng vào việc xây dựng. Với tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao như thời gian qua thì việc trả lãi 10 - 13%/năm với nhiều DN BĐS cũng nhẹ nhàng, đỡ áp lực và lợi hơn nhiều so với việc đi vay ngân hàng hay bán cổ phần. Khi quỹ đất phình to, sẽ tỷ lệ thuận với giá cổ phiếu tăng theo, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới. Giá cổ phiếu tiếp tục tăng cao, DN chia thưởng, phát hành tăng vốn. Cứ như thế, nhiều ông chủ DN liên tục in giấy bán lấy tiền thật”, vị này thừa nhận.
Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư phân biệt rõ phương thức phát hành TPDN ra công chúng và phát hành riêng lẻ, hết sức lưu ý lãi suất cao cũng đi kèm với rủi ro cao. Vì vậy, cần thận trọng đánh giá kỹ các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu.
Tuy nhiên, những rủi ro của TPDN cũng được nhiều cơ quan có thẩm quyền cảnh báo. Theo Công ty chứng khoán SSI, trong nửa đầu năm 2021, có 29.000 tỉ đồng trái phiếu BĐS được bảo đảm hoàn toàn bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm. Nếu tính cả các trái phiếu BĐS được bảo đảm một phần bằng cổ phiếu, con số này là gần 60.000 tỉ đồng, chiếm 64% tổng lượng trái phiếu BĐS đã phát hành.
Bộ Tài chính mới đây cũng khuyến cáo nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư TPDN riêng lẻ, tìm hiểu kỹ các điều kiện, điều khoản của trái phiếu và tình hình tài chính của DN phát hành. Đặc biệt, cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của DN có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ và thật sự cân nhắc đối với DN phát hành không có tài sản đảm bảo. Hơn lúc nào hết, các nhà đầu tư cá nhân nên thận trọng với việc chào mời và cam kết của các tổ chức phân phối trái phiếu, không mua TPDN chỉ vì lãi suất cao, và rủi ro cho nhà đầu tư cũng sẽ tiềm ẩn lớn khi thị trường BĐS có biến động tiêu cực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.