Vụ việc nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Covid-19 tự động của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội (và còn ở một số tỉnh thành khác nữa) không chỉ nghiêm trọng về quy mô mà nó đặc biệt gây bức xúc vì tính chất táng tận lương tâm.
Vẫn biết, trong bộ máy có những cán bộ thoái hóa biến chất, vẫn biết tham nhũng gắn liền với sự hình thành nhà nước, nhưng vẫn không lý giải được tại sao, trong khi thế giới lâm đại dịch, cả nước đồng sức, đồng lòng vượt qua khó khăn thử thách, mà họ đủ dã tâm bàn bạc chia chác tiền của ngân khố quốc gia dành cho chống dịch.
Đặt vụ án bên cạnh hình ảnh những cụ già trăm tuổi còng lưng ngồi may khẩu trang tặng cho người nghèo, những cụ ông cụ bà trong trại dưỡng lão mang những đồng tiền ít ỏi, gom góp cả đời quyên cho hoạt động chống dịch, các cháu bé “đập lợn” ủng hộ mua gạo, mì tôm cho người nghèo... mới thấy mức độ vô đạo của các bị can.
Hành vi đó không chỉ vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức mà phản bội lại lòng tin, trục lợi trên sức khỏe và sự hoảng sợ của người dân. Đó đích thị là tội ác.
Hiện nay, các bị can trong vụ án tại CDC Hà Nội đang bị khởi tố theo điều 222, bộ luật Hình sự, tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, với khung hình phạt từ 5 - 20 năm tù. Nhưng rõ ràng, hành vi trục lợi trên sự khó khăn của đất nước, của nhân dân, trong điều kiện dịch bệnh phải được coi là một tình tiết tăng nặng.
Và không chỉ là hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan điều tra nên xem xét các hành vi khác, tham ô, tham nhũng, rồi có hay không hành vi đưa, nhận hối lộ với những cá nhân liên quan khác.
Thậm chí, có thể phải mở rộng, xác minh về các gói thầu khác liên quan đến chống dịch, các gói thầu về thiết bị y tế, đấu thầu thuốc vốn tai tiếng lâu nay, để lấy lại lòng tin trong nhân dân.
Vụ việc một lần nữa cho thấy, yêu cầu về tu dưỡng rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên đang được đặt ra như một vấn đề cực kỳ cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, như Tổng bí thư từng nhấn mạnh. Không tu dưỡng đạo đức, nên nhiều cán bộ bỏ qua những thứ thiêng liêng nhất của một con người là liêm sỉ để mưu toan cá nhân. Tham nhũng, “ăn không từ một thứ gì”, táng tận lương tâm (ăn chặn cả tiền từ thiện, trục lợi trên dịch bệnh, sức khỏe nhân dân...) chính là ăn cắp tiền bạc của đất nước, ăn cắp lòng tin của nhân dân, làm băng hoại đạo đức Đảng.
Có câu: Người không có liêm sỉ thì không khác gì muông thú. Những người không có liêm sỉ lại được giao quyền lực thì không khác gì thú hoang được thả rông vào xã hội, đại họa từ đó mà ra.
Xử lý nghiêm các hành vi vô đạo đức, bất chấp pháp luật của cán bộ, ấy chính là bảo vệ nền tảng đạo đức của xã hội.
Bình luận (0)