'Danh mục đầu tư' của vợ chồng chủ quán nước ép đắt khách đến nửa đêm ở TP.HCM

28/06/2022 15:08 GMT+7

Mở quán nước ép cách đây không lâu, chị Phượng cảm thấy may mắn khi việc buôn bán sớm ổn định nhờ kinh doanh online trên nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến. Chồng chị, anh Hùng, cũng làm việc liên quan đến app công nghệ . Hai vợ chồng không quản ngại khó khăn vất vả, dồn hết nguồn lực vào “danh mục đầu tư” của cuộc đời.

Từ bán găng tay ở chợ trở thành bà chủ xe nước giải khát đắt khách

Trước căn nhà số 382/18 đường Lê Hồng Phong, chị Hùng Thúy Phượng (42 tuổi) đặt một chiếc xe nước giải khát nhỏ, bán các loại sinh tố, nước ép trái cây, rau má, hồng trà sữa,… Sài Gòn chợt nắng chợt mưa, một vài vị khách để tránh cơn mưa rào bất chợt giữa cái nắng hè tháng 6 ghé vội vào quán chị gọi vài ly nước. Chị cởi mở, vui vẻ pha chế phục vụ khách. Chỗ ngồi tại quán của chị Phượng khá chật hẹp, nhưng theo lời chị chia sẻ, do chủ yếu bán mang đi nên chị chưa đầu tư nhiều vào bàn ghế hay không gian quán.

Nhắc đến cơ duyên mở cửa hàng, chị Phượng nhớ lại: “Trước đây, tôi bán khẩu trang, găng tay,… ngoài chợ Lê Hồng Phong. Anh nhà làm tài xế công nghệ chạy cho Gojek. Thu nhập hai vợ chồng vừa đủ sống, nhưng tôi thấy mình không có nhiều thời gian chăm lo cho mấy đứa nhỏ. Đến khi dịch Covid-19 bùng phát, một phần tôi không thể buôn bán ở chợ, một phần anh đợt đấy cũng vắng khách, nên tôi muốn tìm công việc khác để dành thời gian cho gia đình, có gì hai vợ chồng cùng đỡ đần nhau”.

Năm 2021, sau khi nghỉ việc ở chợ, chị Phượng quyết định mở quán nước ép tại nhà

Dương Lan

“Như có trời nghe thấu, hồi tháng 5 năm ngoái, tôi được chồng báo tin Gojek tổ chức chương trình “Để không ai bị bỏ lại phía sau” để hỗ trợ người nhà của các bác tài xế của hãng khởi nghiệp kinh doanh trong ngành hàng ăn uống. Chẳng có lý gì mà chần chừ, tôi nhờ chồng đăng ký ngay, hi vọng tìm được hướng đi mới sau nhiều năm buôn bán ở chợ”.

Có cơ hội mới, chị quyết định nghỉ bán ở chợ, từ bỏ công việc đã nuôi sống gia đình hơn chục năm qua để làm lại từ đầu. Trong suốt gần một tháng, tuần nào chị cũng “cắp sách” đi tham gia khoá đào tạo của Gojek, quyết tâm không bỏ buổi học nào. Tuy lần đầu tiếp cận với nhiều kiến thức kinh doanh lạ lẫm, nhưng vốn tính thích trải nghiệm những điều mới, lại thêm được chồng ủng hộ nên chị tự tin hơn vào quyết định của mình. Chị cho biết: “Khóa học của Gojek vừa dạy nấu ăn, vừa hướng dẫn cách quản lý thu chi, quản lý cửa hàng trực tuyến nên tôi thấy yên tâm hơn khi bước chân vào công việc buôn bán mới mẻ này. Chỉ vài tuần sau khi học xong, quán nước ép Hùng (Lê Hồng Phong) đã ra đời, và Gojek hỗ trợ đưa quán tôi lên GoFood”.

Cũng nhờ khóa học mà chị Phượng biết cách bảo quản hoa quả, làm đồ uống ngon hơn, vận hành quán cũng trơn tru nên lượng khách đặt món ngày càng tăng. Lúc mới đầu, chị còn bán cả món bò kho để khách có thêm lựa chọn nếu muốn lót dạ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh và “bão giá” nên hiện giờ chị chỉ tập trung bán thức uống, phục vụ cho mọi người trong xóm và khách đặt online qua GoFood. “Tuy quán bán cả trực tiếp lẫn online, nhưng lượng đơn hàng trên GoFood của Gojek nhiều hơn hẳn. Tôi toàn bán đến 11 – 12 giờ đêm vì ngày nào cũng đông khách”, chị vui vẻ khoe.

Vợ chồng chị luôn cố gắng để lo tương lai cho các con

dương lan

Hàng ngày, chị Phượng dậy từ 4h sáng để ra chợ lựa các loại trái cây tươi ngon nhất. Đến tầm 6h, sau khi đưa các con đi học, chồng chị, anh Vũ Kim Hùng (37 tuổi), bắt đầu mở app và nhận những cuốc xe đầu tiên trong ngày, còn chị thì bắt đầu dọn hàng. Công việc tuy có tất bật nhưng chị vẫn thu xếp nấu cơm, đón con rồi chờ chồng về ăn bữa cơm gia đình. Quan trọng hơn, từ ngày mở cửa hàng tại nhà, chị có thêm thời gian để quan tâm, chăm sóc cho chồng và các con nhỏ, tình cảm gia đình cũng vì vậy mà thêm gắn bó.

Lời lãi đầu tư vào “3 ngân hàng thế hệ mới”

Hơn 1 giờ chiều, anh Hùng chạy xe về nhà. Bữa trưa đã chuẩn bị sẵn, anh có thời gian vừa ăn cơm, vừa trò chuyện với các con. Có những hôm, mồ hôi ướt cả vạt áo chưa kịp thay nhưng có khách mua nước nên anh lại xắn tay áo phụ vợ làm đồ uống, rồi đến tầm 2 giờ lại xách xe đi. Anh Hùng cho biết, trước đây anh làm việc tại cảng container, thường xuyên phải xa nhà nên không có thời gian dành cho gia đình, mỗi tuần chỉ về nhà được một lần. Cảm thấy mình bỏ lỡ nhiều khoảnh khắc của con nên dù gắn bó với công việc này hơn chục năm, anh vẫn quyết định nghỉ. Sau khi tìm hiểu nhiều công việc, anh đăng ký làm tài xế công nghệ cho hãng Gojek, vừa linh động thời gian, lại vừa được ở gần vợ con.

Sau mỗi giờ chạy xe, anh Hùng đều tranh thủ phụ vợ

dương lan

“Chạy xe ngoài đường tuy nắng mưa dãi dầu nhưng có thời gian lo cho con, ở gần nhà phụ vợ việc nhà lẫn quán xá. Lúc trước chạy mỗi ngày cũng được 500.000 – 600.000 đồng, trừ hết chi phí thì tôi cũng tạm lo được cho sấp nhỏ. Giờ giá cả leo thang, mọi thứ đắt đỏ, thu nhập bị ảnh hưởng ít nhiều nên tôi phải cố mỗi ngày chạy thêm chút ít. Cuộc sống mà, vì 3 đứa nhỏ mà tôi sẵn sàng chịu cực một chút, cốt lo được cho các con học hành đến nơi đến chốn”, anh chia sẻ. Với anh, gia đình là tài sản vô giá, không gì có thể đánh đổi được. Nhìn 3 đứa con mà anh quên hết mệt nhọc và tự dặn mình luôn cố gắng mỗi ngày.

Chị Phượng ghi nhận anh Hùng là người yêu thương vợ con, chăm lo cho gia đình. Anh cũng luôn sát bên chị trong việc kinh doanh từ lúc hai vợ chồng lên kế hoạch mở cửa hàng. Dù chạy xe có mệt đến đâu, về đến nhà anh cũng luôn chân luôn tay phụ vợ bán nước cho đến tận nửa đêm. Thế nên khi thấy khách phản hồi tốt hay khen nước ngon trên ứng dụng, hai vợ chồng lấy đó là niềm vui, động lực trong công việc.

“Bán nước cũng có nhiều kỷ niệm”, chị Phượng chia sẻ. Có lần khách đặt 30 ly nước ép ổi, cả shipper và tôi đều không dám nhận vì sợ “bom hàng”, một lúc sau khách lại đến tận nơi mua. “Sau này Gojek có thanh toán thẻ nên bớt lo, dần dần cũng không “ngại” các đơn lớn nữa.” Khi được hỏi về kế hoạch cho tương lai, chị Phượng hào hứng kể về “danh mục đầu tư” quan trọng: “Vợ chồng tôi coi 3 đứa con là “ngân hàng”, cứ nói vui đầu tư sau này lấy lãi sau nên làm được bao nhiêu cứ đổ vào đó, cố gắng tiết kiệm để sau này lo cho con vào đại học”.

14 giờ chiều, anh Hùng bắt đầu chạy xe sau khi nghỉ trưa

dương lan

Thương ba mẹ vất vả, dù còn nhỏ (bé lớn học lớp 8, bé thứ hai học lớp 4 và bé út học lớp 2) nhưng 3 đứa con chị Phượng đã biết tự chăm sóc nhau. Tối đến, hai bé nhỏ tự chơi cùng nhau, dọn dẹp phòng ngủ, bé lớn đã biết phụ giúp mẹ bán hàng. “Các con rất biết nghĩ cho ba mẹ. Thấy vợ chồng tôi bận rộn nên các cháu rất tự giác, từ việc học cho đến việc nhà, không để ba mẹ phải nhắc nhở. Mỗi dịp nghỉ lễ, tôi hay nói đưa mấy đứa nhỏ đi chơi, ăn uống chỗ nào đắt tiền một chút các con cũng không chịu. Chúng chỉ bảo ba mẹ kiếm công viên nào nhỏ nhỏ là được, miễn là tụi con được chơi cùng với ba mẹ”, chị Phượng nói thêm.

Nhờ bán hàng qua nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến GoFood của ứng dụng Gojek, chị có nhiều khách hàng hơn

dương lan

Chị Phượng cũng hồ hởi chia sẻ về kế hoạch mở rộng kinh doanh. Với lượng khách hàng khá ổn định, chị thêm tự tin với việc mở rộng quán nước khang trang hơn trong thời gian tới. Ngoài tìm thêm mặt bằng, chị còn nghiên cứu để sáng tạo thêm nhiều món mới, mang hương vị riêng của quán để khách có thêm nhiều lựa chọn. Chị tin rằng, giờ đã có nền tảng kinh doanh rồi, chỉ cần có chồng cùng các con ở bên cạnh làm “hậu phương” vững chắc nữa, chị sẽ đủ mạnh dạn để “sống” với những gì chị đã chọn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.