Ngày 29.6, tại Bến Tre, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp Bộ VH-TT-DL và Ủy ban Quốc gia UNESCO (Tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa Liên Hiệp Quốc) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế chủ đề “Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay”.
Đây là một trong 3 sự kiện tiêu biểu trong chuỗi hoạt động chào mừng 200 năm Ngày sinh Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 2022).
Ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, khẳng định hình tượng về tài năng, đức độ của Nguyễn Đình Chiểu rất có giá trị trong xây dựng, tuyên truyền, giáo dục con người Bến Tre. |
BẮC BÌNH |
Hội thảo đồ sộ với các tham luận đầy tâm huyết
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết sau hơn 6 tháng phát động, ban tổ chức đã nhận được 17 bài tham luận của các nhà khoa học ở các nước Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Nga, Bỉ cùng 91 tham luận từ các nhà khoa học xã hội hàng đầu trong nước.
Theo ông Tam, hình tượng và tác phẩm của cụ Đồ Chiểu được đánh giá rất cao trong mắt các học giả, nhà khoa học trong và ngoài nước. Sự nghiệp đồ sộ của cụ Đồ Chiểu trong lĩnh vực văn thơ, thầy thuốc, thầy giáo, nhà yêu nước đều được các học giả đi sâu phân tích và khẳng định có nhiều giá trị ý nghĩa đối với thời đại hiện nay.
Thông qua các tác phẩm, Nguyễn Đình Chiểu được đánh giá là một nhân cách, trí tuệ toàn diện cho hình ảnh tích cực của con người Bến Tre nói riêng, Việt Nam nói chung: trung can nghĩa đảm, vượt qua mọi gian nan thử thách để học tập suốt đời, nghĩa khí, bền bỉ với tinh thần chống giặc giữ nước, xây dựng quê hương.
Chủ trì hội thảo |
BẮC BÌNH |
GS-TG Nguyễn Chí Bền, đại diện của Tổ văn kiện, biên soạn kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế, cho biết thống kê trong 160 năm qua, kể từ khi cụ Đồ Chiểu còn sống cho tới nay, các sáng tác của cụ đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới như Anh, Pháp, Nhật, Hàn, Ấn Độ, Trung Quốc… Nhiều công trình của các học giả nước ngoài đã được công bố dưới nhiều hình thức khác nhau như chuyên luận, tiểu luận, sách lịch sử văn chương… bằng tiếng Anh, Pháp, Trung… Những công trình đó có thể khẳng định tầm vóc của văn chương của cụ Đồ Chiểu - một người xứng đáng được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới.
Văn chương, hình tượng Nguyễn Đình Chiểu trên văn đàn thế giới
Theo GS-TG Nguyễn Chí Bền, năm 1864, G.Aubaret (báo Châu Á) đã sưu tầm dịch tác phẩm Truyện thơ Lục Vân Tiên ra tiếng Pháp và đề dẫn: “Trong cuốn sách này, chúng tôi đã nhận ra những đặc điểm chính của một dân tộc mà chúng tôi đã từng chung sống lâu năm, đến nỗi chúng tôi có thể coi nó như một tác phẩm hiếm có của trí tuệ con người…”.
Sau đó, một số bản dịch tiếng Pháp khác được công bố đã khẳng định trong lời đề tựa: “Đây là tác phẩm bình dân nhất An Nam. Mọi người đều thuộc lòng và không chiều nào người ta không nghe tiếng ngâm nga và đoạn Lục Vân Tiên từ mái nhà tranh, kể cả trẻ con…”.
Tiến sĩ Pascal Bourdeaux, Viện nghiên cứu cao cấp Cộng hòa Pháp, khẳng định văn chương của Nguyễn Đình Chiểu đã phản ánh rõ những hệ quả của chế độ thực dân Pháp tại Việt Nam hồi thế kỷ XIX |
BẮC BÌNH |
Năm 1943, Thống đốc Nam kỳ Hoefel đọc diễn văn trước mộ Nguyễn Đình Chiểu ở H.Ba Tri (Bến Tre) đã đề cao nhân cách, tài năng của cụ cũng như các giá trị luân lý, Nho giáo trong Lục Vân Tiên và bày tỏ hy vọng sẽ chấn hưng văn hóa, cứu vãn tinh thần, mong muốn thanh niên Việt Nam dùng tác phẩm Lục Vân Tiên làm kinh thực tụng, mỗi ngày đem ra thực hành.
Năm 1972, nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh cụ Đồ Chiểu, tác giả N.I.Niculin (Nga) viết: “Nguyễn Đình Chiểu là linh hồn của phong trào giải phóng, là người cổ vũ phong trào đó. Văn thơ của ông đã tìm được con đường đi thẳng vào trái tim của nhân dân. Ông già mù đó đã kết hợp được trong bản thân mình tài năng của nhà thơ, thầy giáo và thầy thuốc”.
GS danh dự Jeon Hye Kyung (Hàn Quốc) nhận định tác phẩm Lục Vân Tiên có nhiều điểm tương đồng với tác phẩm Xuân Hương truyện tại Hàn Quốc |
Tại Hội thảo, GS danh dự Jeon Hye Kyung (Hàn Quốc), cho biết tại Hàn Quốc, trong các chương trình giảng dạy đại học của mình, bà đã so sánh về kết cấu giữa truyện Lục Vân Tiên và tác phẩm rất nổi tiếng của xứ sở Kim Chi là Xuân Hương truyện (Chun Hyang Jion). Theo bà Hye Kyung, giữa 2 tác phẩm có điểm tương đồng là đã biểu đạt được nhận thức về thời đại tại thời điểm chúng xuất hiện; rất nổi tiếng, đi vào lòng người và được dân chúng đón nhận nồng nhiệt và đều mang những giá trị nghệ thuật để chuyển thể sang loại hình nghệ thuật biểu diễn… Một giá trị quan trọng khác đó là khắc họa được lòng chung thủy của người phụ nữ.
Nhiều nhà khoa học đến từ các nước Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản... tham dự hội thảo |
BẮC BÌNH |
Giáo sư A.Sokolovsky (Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông, Liên Bang Nga), chia sẻ: “Tên tuổi và tinh thần yêu nước vĩ đại của Nguyễn Đình Chiểu đã được nhiều người Nga biết đến từ thế kỷ XIX. Người Nga đã đọc thông qua các bản dịch và hiểu rằng Nguyễn Đình Chiểu là một đại biểu xuất sắc của văn học chống Pháp tại Việt Nam thời thuộc địa”.
UNESCO: Hiếm có một danh nhân văn hóa nào đạt thành tựu đồ sộ trên cả 3 lĩnh vực
Trong Nghị quyết 41/C năm 2021 vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu của UNESCO đã ghi: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam; tấm gương vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời. Ngoài sáng tác thơ văn, ông còn là một nhà giáo được người đời quý mến về tài năng, đức độ. Trọn đời dốc lòng dạy dỗ, truyền thụ cho môn sinh đạo làm người, đạo lý truyền thống của dân tộc. Điều đáng khâm phục nữa là khi bị mù, Nguyễn Đình Chiểu mới học làm thuốc và trở thành một thầy thuốc giỏi, một lương y tinh thông về y lý phương Đông và y lý Việt Nam. Có thể nói, trên thế giới hiếm có danh nhân nào đạt trên cả 3 lĩnh vực đồ sộ như Nguyễn Đình Chiểu: thơ văn, thầy giáo, thầy thuốc”.
Cụ Nguyễn Đình Chiểu, tên thường gọi là Đồ Chiểu, sinh ngày 1.7.1822, tại làng Tân Thới, phủ Tân Bình, H.Bình Dương, Gia Định (nay thuộc P.Cầu Kho, Q.1, TP.HCM). Xuất thân trong một gia đình nhà nho, thân sinh là Nguyễn Đình Huy, người làng Bồ Điền, H.Phong Điền, Thừa Thiên (nay là xã Phong An, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế). Sau nhiều biến cố của đất nước, của cuộc đời, cụ Đồ Chiểu bị mù và đã cùng gia đình di chuyển đến nhiều nơi. Trong 26 năm cuối đời, cụ sống tại H.Ba Tri, Bến Tre và qua đời năm 1888, thọ 66 tuổi.
Nguyễn Đình Chiểu đã để lại cho đời một lượng đồ sộ các sáng tác văn thơ có giá trị đến tận ngày nay, như truyện thơ Lục Vân Tiên, Ngư Tiều Y Thuật Vấn Đáp, Dương Từ-Hà Mậu, Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc…
Tính đến nay, Tổ chức UNESCO đã công nhận 6 người Việt Nam là Danh nhân văn hóa thế giới. Trước cụ Nguyễn Đình Chiểu là các nhà thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thầy giáo Chu Văn An và nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương.
Bình luận (0)