Trước đề xuất của Bộ Xây dựng về việc đánh thuế với người sở hữu nhiều nhà, đất để chống đầu cơ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ cho rằng điều này không hề mới.
Theo GS-TS Đặng Hùng Võ, trong 20 năm qua đã có 3 nghị quyết của Ban Chấp hành T.Ư hướng tới đổi mới về sửa luật đất đai.
Cả Nghị quyết 26 năm 2003, Nghị quyết 19 năm 2012 và Nghị quyết 18 năm 2022 đều nói điểm rất quan trọng phải làm ngay là hình thành luật thuế về bất động sản, để đánh mức thuế cao hơn với người sở hữu nhiều nhà, đất không đưa vào sử dụng và các hành vi có tính đầu cơ, tích trữ về đất đai.
"Những điều này không mới và đã được đưa ra trong nghị quyết của T.Ư. Nhưng tôi không hiểu sau 20 năm qua không thực hiện được. Khi chuẩn bị luật Đất đai 2003, tôi từng đề nghị việc sửa luật đất đai phải đồng thời xây dựng luật thuế bất động sản, nhưng 20 năm qua cũng chưa thấy triển khai", ông Đặng Hùng Võ nêu.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, vấn đề mấu chốt là thu thuế như thế nào và cơ sở nào để việc thu thuế thực sự khả thi?
Về cách thức thu thuế, theo ông Võ, lâu nay nhiều người muốn học cách đánh thuế của Singapore là người mua nhà ở thứ 2 thì bị đánh thuế cao hơn. Nhưng đặc thù của Việt Nam khác với Singapore, trong trường hợp ngôi nhà thứ nhất giá trị rất lớn, còn nhà thứ 2 giá trị rất bé chả lẽ chỉ thu thuế ngôi nhà thứ 2 mà bỏ qua nhà thứ nhất?
Một số nước thu thuế từ 1 - 1,5% giá trị với tất cả trường hợp sở hữu nhà, đất. Nhưng với Việt Nam, thu nhập người dân đang còn thấp, nếu thu mức này thì người dân không chịu nổi. Phải nghiên cứu sắc thuế phù hợp với Việt Nam có thể thu thuế dựa trên giá trị nhà, đất hoặc diện tích sở hữu, đảm bảo mục tiêu vừa chống đầu cơ bất động sản vừa đảm bảo an sinh xã hội.
Về cơ sở hạ tầng để thu thuế, ông Võ cho rằng, hạ tầng quản lý còn yếu, cơ sở dữ liệu đất đai chưa hình thành một cách đầy đủ. Hiện chỉ mới Đồng Nai có cơ sở dữ liệu đất đai tương đối đầy đủ, còn các địa phương khác chỉ mới làm được một số diện tích nhất định.
"Một người có hàng trăm bất động sản tại rất nhiều tỉnh khác nhau thì tính thuế ra sao vì chưa có cơ sở dữ liệu bất động sản cả nước?", ông Võ nêu vấn đề.
Đơn cử như thuế chuyển quyền sở hữu nhà đất thành thuế thu nhập từ chuyển quyền, nhưng không tính được thu nhập nên không áp dụng được thuế, vẫn phải áp dụng mức 2% như thuế chuyển quyền.
Phải chứng minh được nguồn gốc sở hữu bất động sản
Thứ hai là có những tư duy phải "đả thông" trước khi đưa ra thuế này, như là có công khai danh tính các chủ sở hữu bất động sản trên phạm vi cả nước hay chỉ công khai với cơ quan thuế? Nếu chỉ công khai với cơ quan thuế thì người dân sẽ giám sát đảm bảo minh bạch ra sao?
Trong trường hợp việc công khai vi phạm quyền riêng tư trong Hiến pháp thì phải sửa đổi, bổ sung trong hiến pháp, trong luật định.
Việc chứng minh được nguồn gốc tài sản công khai mới tránh được việc lách chuyển tên, "đứng tên" bất động sản.
"Nói cách khác, ta phải thông với nhau về mặt tư tưởng, có thành chủ trương người có bất động sản phải giải trình nguồn gốc tài sản và thu nhập. Ngoài chuyện sắc thuế hợp lý với hoàn cảnh kinh tế - xã hội và thu nhập người dân, còn là câu chuyện lấy nguồn tiền nào, tài sản nào để sở hữu, xây được bất động sản đó. Điều này phải làm được mới tạo được điều kiện cần để đánh thuế bất động sản", ông Võ nói.
Cũng theo chuyên gia này, còn rất nhiều việc phải làm, từ các chính sách lớn về chống tham nhũng, hạ tầng quản lý phải đủ sức để đánh thuế bất động sản đầy đủ, cương quyết.
Trước đó, báo cáo Chính phủ về thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đề xuất cần đánh thuế với người sở hữu nhiều nhà, đất để hạn chế tình trạng đầu cơ. Liên quan tới đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đồng tình và cho rằng "đây là đề xuất rất đáng tiếp thu và nghiên cứu".
Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu các chính sách tài chính về đất đai, thị trường bất động sản để góp phần có thị trường bất động sản minh bạch, ổn định và phát triển. Tuy nhiên, ông Chi cũng lưu ý, cần phải suy nghĩ một cách tổng thể và toàn diện, làm sao để chúng ta xây dựng được thị trường bất động sản minh bạch, phát triển bền vững.
"Nếu chỉ riêng chính sách thuế cũng không đáp ứng được yêu cầu mà phải đồng bộ các chính sách khác nữa như chính sách đất đai, quy hoạch… Nếu đưa ra chính sách không toàn diện thì đạt mục tiêu này lại ảnh hưởng mục tiêu khác, và rồi mục tiêu cuối cùng lại không đạt được", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nêu.
Bình luận (0)