'Đánh' thuế tạm nộp 75%: Khó càng thêm khó

02/12/2020 11:22 GMT+7

Một chính sách thuế không nuôi dưỡng nguồn thu, vắt sức của doanh nghiệp, người dân trong đại dịch Covid-19 sẽ càng làm cho ngân sách cạn kiệt, kinh tế giật lùi, lợi bất cập hại.

Đại dịch Covid-19 dù đang được kiểm soát song nó vẫn tiếp tục hoành hành, tàn phá dữ dội nền kinh tế Việt Nam.
11 tháng đầu năm 2020, đã có 93.500 doanh nghiệp (DN) phải đóng cửa, giải thể và phá sản. Để ngăn chặn làn sóng này, từ giữa năm Chính phủ đã tung ra nhiều gói hỗ trợ với tổng số tiền lên tới hàng trăm nghìn tỉ đồng, một mặt giúp DN duy trì sản xuất kinh doanh, mặt khác hỗ trợ người dân yếu thế.
Tuy nhiên, thực tế hiệu quả chưa đạt như mong muốn và kỳ vọng. Gói tín dụng hạ lãi suất thì DN không dễ gì tiếp cận được bởi thủ tục chứng minh năng lực tài chính và cả rừng điều kiện vay khác nhau. Gói miễn, giảm, giãn thuế thì cũng chỉ như “đếm cua trong lỗ” vì DN đóng cửa, dừng hoạt động làm gì có tiền nộp thuế để được miễn, giãn…
Trong khi đó, để bù đắp cho thiếu hụt ngân sách, cho đầu tư công và phân bổ ngân sách T.Ư, địa phương, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định 126/2020/NĐ-CP, quy định DN tạm nộp tiền thuế theo 3 quý tối thiểu 75% và được quyết toán vào tháng 3 năm kế tiếp. Chính sách này đang đẩy DN vào đường cùng, khó khăn chồng chất chất khó khăn.
3 quý đầu năm DN khốn đốn vì Covid-19, dòng tiền kinh doanh sản xuất eo hẹp, không đủ để mua nguyên vật liệu và trả lương cho người lao động, nay lại bị bóp lại vì phải tạm ứng để đóng trước cho ngành thuế. Với quy định tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) đã tạm nộp của 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập cả năm, trường hợp nộp thiếu thì phải nộp tiền chậm nộp theo hướng dẫn thi hành luật Quản lý thuế có hiệu lực vào ngày 5.12 tới, nguy cơ hàng loạt DN bị phạt chậm nộp là điều hiện hữu.
Đơn cử, với 10 tỉ đồng nộp chậm, DN sẽ bị phạt lãi suất 0,03%/ngày, mỗi ngày 3 triệu đồng, cả năm mất hơn 1 tỉ đồng. Theo quy luật, cuối năm thường là “quý vàng”, xuất khẩu tăng tốc, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao… là quý để DN có thể gỡ gạc tình trạng kinh doanh bết bát từ đầu năm, nay lại bị “cân, đong, đo, đếm” để tránh bị phạt thì đúng là khó trăm bề.

Chính sách thuế cần nuôi dưỡng nguồn thu, không nên vắt kiệt sức doanh nghiệp

Ảnh Ngọc Thắng

Hỗ trợ vốn của nhà nước không tiếp cận được, đầu vào và đầu ra trong tình trạng phụ thuộc và thị trường, thị trường phụ thuộc vào kinh tế toàn cầu và dịch Covid-19 có sớm được giải quyết hay không, không do VN quyết định. Điều này dẫn tới cộng đồng DN luôn bị động và luôn trong tình trạng phá sản hoặc sản xuất cầm chừng mà phải nộp 75% tiền thuế tạm ứng là không hợp lý.
Tháng 3 năm tới quyết toán thuế. Nếu DN có doanh thu cao hơn mặc nhiên thuế nộp nhiều hơn và DN bị qui nộp chậm và phạt nộp chậm. Trường hợp DN nộp thừa thì không được tính lãi suất, không được thoái ngay lập tức và phải để cho năm kế tiếp khấu trừ. Thật lạ cho chính sách thuế, trong khi DN nộp thừa, muốn hoàn thì mất hàng năm trời không lấy lại được tiền, lãi suất cũng không được hưởng, còn nhà nước thì lại mạnh tay “siết”, xử phạt… lại nhằm đúng lúc đại dịch Covid-19.
Rõ ràng, chính sách này đang không tạo điều kiện cho DN, không nuôi dưỡng nguồn thu đúng như tinh thần của luật thuế, tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ đã từng khẳng định, ngành thuế không thể nhăm nhăm nhìn vào nguồn thu mà phải biết nuôi dưỡng, tạo điều kiện để DN phục hồi, kinh tế phát triển. Nhà nước, Chính phủ luôn khẳng định tạo điều kiện, môi trường đầu tư tốt nhất cho DN và người dân có cơ hội phát triển, nhưng các cơ quan chủ quản thì luôn muốn bảo vệ mình, bảo vệ nguồn thu. DN và người dân muốn phục hồi, phát triển trong bối cảnh khó khăn này là điều không thể.
* Bài viết thể hiện quan điểm của một doanh nhân Việt kiều sống tại Hà Nội
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.