Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game, doanh nghiệp sẽ dời sang nước ngoài?

Mai Phương
Mai Phương
01/04/2023 16:58 GMT+7

Các doanh nghiệp bày tỏ lo âu khi Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cho dịch vụ game online.

Ngày hội Game Việt Nam 2023 do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) tổ chức được khai mạc tại TP.HCM vào hôm nay 1.4. Dịp này, tọa đàm về ngành game cũng diễn ra và vấn đề được bàn thảo nhiều nhất là việc Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về đề nghị xây dựng Dự án luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến (game online).

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game, doanh nghiệp sẽ dời sang nước ngoài? - Ảnh 1.

Doanh nghiệp bày tỏ lo lắng về kiến nghị áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online từ Bộ Tài chính

CTV

Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - nhận định game là ngành có tính quốc tế, phải kết nối với doanh nghiệp, studio lớn trên thế giới. Việt Nam đang có lợi thế đó và được nhiều đối tác quan tâm. Các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) trong lĩnh vực này thuận lợi để phát triển. Bộ Thông tin - Truyền thông đã cấp phép khoảng 200 doanh nghiệp game nhưng thực tế chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp hoạt động. Nếu không vực dậy thì số lượng này sẽ tiếp tục giảm.

Hạn chế lớn nhất của ngành là các doanh nghiệp chưa đi cùng nhau. Bên cạnh đó, chính sách cho ngành game vẫn còn nhiều bất cập. Mới nhất là việc Bộ Tài chính đang dự kiến áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Cơ quan này đã làm việc và đề nghị Bộ Tài chính không áp dụng vì để nuôi dưỡng chứ không phải tận thu với ngành game. Tương tự, nhiều chính sách của Việt Nam cũng chưa theo kịp sự phát triển của ngành. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp game, nhất là start-up lựa chọn mở công ty ở nước ngoài để tận dụng các chính sách ưu đãi. Khi đó, Việt Nam bị chảy máu chất xám, chảy máu nguồn lực.

Ngoài ra, ông Lê Quang Tự Do cũng chia sẻ Bộ Thông tin - Truyền thông đang trình Chính phủ Nghị định mới về quản lý game, trong đó kiến nghị bỏ các giấy phép, thủ tục hành chính rườm rà; bỏ các loại thuế không hợp lý, thứ hai là có các chính sách thí điểm hỗ trợ như Sandbox (cơ chế thử nghiệm) để các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc phát triển.

Ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc Phát hành trò chơi trực tuyến - Công ty CP VNG - cho biết Malaysia, Indonesia và Singapore đều có 3 yếu tố dẫn đến sự thành công của ngành game là sự hỗ trợ từ Chính phủ, sự hợp tác mạnh mẽ của hiệp hội ngành game và sự sôi nổi của cộng đồng lập trình game. Ông hy vọng Việt Nam cũng sẽ sớm có được những cú hích tương tự để tạo thị trường cởi mở và thuận lợi cho các doanh nghiệp game phát huy sự sáng tạo.

Theo ông Thắng, Bộ Tài chính có nêu lý do của việc đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game nhằm điều chỉnh hành vi người dùng. Nhưng với mục đích đó thì có nhiều biện pháp khác về mặt kỹ thuật chứ không cần phải thu thuế. Trách nhiệm của các doanh nghiệp game, hiệp hội cần làm lúc này là báo cáo đầy đủ, rõ ràng các thông tin, số liệu về hoạt động… để các cơ quan quản lý có góc nhìn đầy đủ, từ đó có chính sách ứng xử phù hợp.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC dẫn chứng - năm 2022 thế giới có 3,2 tỉ người chơi game, bằng 1/3 dân số toàn cầu với doanh thu gần 197 tỉ USD. Riêng Việt Nam có 28,4 triệu người chơi game với doanh thu 665 triệu USD (theo báo cáo của Bộ Thông tin - Truyền thông năm 2021). Doanh số của ngành game Việt còn rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 0,5% so với thị trường toàn cầu. Có nghĩa đây là thị trường đang cần được nuôi dưỡng. Nhiều doanh nghiệp đang thành lập tại Singapore vì tại đó đang có Sandbox, có nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp. Môi trường Việt Nam có đầy tiềm năng nhưng cũng rủi ro, nếu bị đánh thuế nặng thì làm sao doanh nghiệp phát triển?

Trước đó vào 30.3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng Dự án luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký VCCI, Trưởng ban Pháp chế - cho rằng Việt Nam có lợi thế lớn về phát triển game. Game có thể coi là sản phẩm xuất khẩu có tiềm năng lớn. Tuy nhiên nếu muốn xuất khẩu game cần phải có thị trường trong nước phát triển trước. Hiện nay các doanh nghiệp trong nước được cấp phép và hoạt động chính thức đang phải chịu cảnh cạnh tranh không bình đẳng với doanh nghiệp game nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam. Nếu thêm một sắc thuế sẽ tạo sức ép cạnh tranh với ngành trong thời gian tới. Bên cạnh đó, qua tìm kiếm thì chưa có quốc gia nào đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.