Quan điểm mang tính thời đại
11 tháng 5 ngày là bộ phim truyền hình đầu tay của anh. Có vẻ như làm phim về tuổi trẻ cũng là lợi thế của một đạo diễn trẻ?
- Đạo diễn Lê Đỗ Ngọc Linh: Tôi nghĩ đây là thế mạnh mà mình có thể làm tốt. Bởi rõ ràng, phim đề tài về gia đình, hay xoay quanh những nhân vật trung niên thì những bậc đàn anh, đàn chú đi trước có kinh nghiệm và trải nghiệm hơn tôi rất nhiều. Tôi và anh Hiếu (Nguyễn Đức Hiếu - đồng đạo diễn phim) còn khá trẻ về tuổi nghề.
Thực ra, trẻ về tuổi nghề ở mặt nào đấy là bất lợi bởi khi làm phim mình cần sống nhiều cuộc sống khác nhau. Nhưng chúng tôi hiểu cần biến cái bất lợi thành cái thuận lợi. Mà ở đây chính là quan điểm của chúng tôi về cuộc sống mang tính thời đại hơn, mới mẻ hơn, ngoài ra góc nhìn cũng sẽ khác lạ hơn.
|
Giới trẻ bây giờ thích xem phim Hàn Quốc. Thành thực thì đạo diễn trẻ như anh có bị ảnh hưởng bởi cách làm của nhà làm phim Hàn?
Tôi bắt đầu làm việc tại VFC (Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam) vào năm 2014, cũng là thời điểm mà bộ phim Tuổi thanh xuân hợp tác giữa VFC và CJ - Hàn Quốc được thực hiện. Tôi thấy mình may mắn khi được trải nghiệm quá trình thực hiện 2 phần của bộ phim này và học hỏi được nhiều điều.
Cũng từ đó mà tôi thấy rõ ràng đời sống của thanh niên Việt Nam có nhiều những góc nhìn, những quan điểm để có thể khai thác. Và việc khai thác này sẽ mang đến những câu chuyện thân thuộc và gần gũi. Vậy tại sao mình không đưa đến cho giới trẻ những bộ phim như thế để họ thấy mình cũng có thần tượng, có những diễn viên hay, những câu chuyện tình thú vị.
Trong khoảng 2 năm gần đây, phim truyền hình Việt đa phần tập trung vào đề tài gia đình cùng những mâu thuẫn, hay chuyện “tiểu tam”… 11 tháng 5 ngày vẫn xoay quanh những câu chuyện căn bản của cuộc sống này nhưng ngay từ đầu chúng tôi đã chọn góc nhìn cũng như lối thể hiện mới nhằm thu hút được người xem trẻ tuổi nhiều hơn.
|
Có phải vì hướng tới giới trẻ nên từ góc quay cho đến âm nhạc trong phim cũng đều rất được trau chuốt như là những yếu tố thế mạnh cho phim?
Theo quan điểm của tôi, bộ phim là sự tổng hòa của nhiều yếu tố và không chỉ có nội dung hay. Nội dung tốt nhưng hình ảnh không bắt mắt thì khán giả cũng không muốn tiếp cận. Còn cảnh quay đẹp, diễn viên diễn xuất tốt, nhưng không có âm nhạc hay thì khó đẩy lên cảm xúc ở mức cao nhất.
Với những phương tiện kỹ thuật làm phim hiện có tại Việt Nam, nhà làm phim hoàn toàn có thể mang đến những hình ảnh đẹp chẳng khác phim Hàn Quốc để khán giả có thể tiếp cận. DOP của phim (đạo diễn ánh sáng, khuôn hình...) là anh Trần Kim Vũ cũng là ông xã của nhà biên kịch của phim - Lại Phương Thảo. Từ đạo diễn, DOP, đến biên kịch, chúng tôi đều chơi và gắn bó với nhau từ lâu, nên rất hiểu nhau, cũng như hiểu bộ phim của mình cần gì.
Thế hệ trẻ là thế hệ mới đang đi đến
Vì sao 11 tháng 5 ngày lại "gọi tên" Thanh Sơn, Khả Ngân?
Tôi nghĩ 11 tháng 5 ngày vừa là thử thách vừa là cơ hội cho cả Thanh Sơn lẫn Khả Ngân.
Trong đa phần những phim đã tham gia, Sơn bị đóng khung ở những vai hoặc là công tử, hoặc là thư sinh đáng yêu, ấm áp. Tôi từng làm việc với Sơn ở bộ phim Đen thôi đỏ quên đi nên rất hiểu con người Sơn.
Anh là chàng trai thú vị và bên trong có nhiều những góc độ khác mà chưa được khai thác. Bộ phim này là cơ hội để Sơn được thay đổi, làm mới chính mình khi hóa thân vào chàng trai trẻ đúng tuổi đời, đầy nhiệt huyết, cá tính, có phần bụi bặm.
Còn Khả Ngân thường xuất hiện với những vai diễn là cô gái xinh đẹp, nữ tính, đáng yêu. Nhưng, chúng tôi lại nhận ra, ẩn sâu bên trong cô gái nhỏ nhắn này là một cá tính mạnh, khao khát được thể hiện mình.
Với vai diễn trong phim này, Khả Ngân có thể bộc lộ điều này, có thêm những khán giả yêu mến mình ở góc độ khác. Đó không chỉ là thử thách với cô mà còn với đạo diễn phim. Bởi vai Tuệ Nhi của Ngân yêu cầu biên độ diễn xuất rộng, thay đổi trong tính cách rất nhiều. Đó là hành trình thay đổi của một cô gái sống ích kỷ.
|
Anh có “ngại” khi làm việc với những diễn viên gạo cội?
Tôi không ngại mà lại còn thích được làm việc với những diễn viên kỳ cựu, có những người ở lứa tuổi ông, tuổi bà của tôi. Tôi nhận thấy, họ luôn coi thế hệ trẻ là thế hệ mới đang đi đến, thay vì việc tìm mọi cách để phản đối, chúng tôi luôn có được sự tương tác nhất định vừa để bảo vệ chính kiến của mình, cũng như để cho mình được làm tốt hơn.
Chẳng hạn như NSND Ngọc Lan, cũng rất lâu rồi bà mới quay lại đóng phim truyền hình. Bà thường trao đổi với chúng tôi: “Ngày xưa bà đóng phim thế này, bà thấy như thế này, theo các cháu bà cần làm gì để tốt nhất?”…
Hay như những diễn viên đang rất được mến mộ như anh Quang Thắng hay chị Vân Dung rất tôn trọng cách người trẻ làm việc. Bởi các anh, chị cũng từng đi qua thời kỳ giống như bọn tôi. Mà nếu nói là nhường nhịn, thì đa phần các anh, chị, ông, bà đã nhường bọn tôi nhiều hơn. Thế hệ đi theo “chủ nghĩa kinh nghiệm” đấy lại muốn “nghe” theo tụi trẻ để thấy những cái mới hơn, lạ hơn.
Nhiều bộ phim của những bậc đàn anh, đàn chú đã tạo nên cơn sốt trên sóng truyền hình có trở thành áp lực cho đạo diễn trẻ như anh?
Áp lực là hiển nhiên rồi, đặc biệt bây giờ là thời điểm mà phim truyền hình Việt đang rất thành công, không có chỗ cho bọn tôi được trải nghiệm hay thử nghiệm một sản phẩm thất bại. Bộ phim làm ra phải đạt tiêu chuẩn nhất định nhất là khi bây giờ quy trình sản xuất, guồng làm phim đã rất chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, từ áp lực đó mà tôi nhận thấy nhiều hơn “sức mạnh” từ bộ máy, hay guồng quay mà mình đang ở trong đó. Những bước đi chập chững, non trẻ đều có sự dẫn dắt của những người đi trước, để từ đó những người làm phim trẻ có thể tận dụng được tối đa sức sáng tạo của mình tạo ra những sản phẩm tốt đạt được những tiêu chuẩn, chứ không chỉ để thỏa mãn cá nhân mình.
Bình luận (0)