Đạo diễn người Pháp gốc Việt François Bibonne và chuyện làm phim ở “quê nội”

Ngọc An
Ngọc An
27/03/2022 07:30 GMT+7

Bộ phim tài liệu Once upon a bridge in Vietnam của nhà làm phim độc lập người Pháp gốc Việt François Bibonne vừa giành giải Phim tài liệu ngắn xuất sắc của giải thưởng Phim Los Angeles (Los Angeles Film Awards).

Bộ phim xoay quanh chủ đề về nền âm nhạc cổ điển Việt Nam với sự tiếp nhận từ nền âm nhạc cổ điển phương Tây cũng như sự giao thoa giữa âm nhạc cổ điển và âm nhạc truyền thống Việt Nam trong bối cảnh hiện đại.

François Bibonne đã ở Việt Nam trong suốt 15 tháng giữa đại dịch Covid-19 dạy tiếng Pháp, tiếng Anh để có tiền thực hiện bộ phim có độ dài 30 phút. Với một chiếc máy ảnh cùng chức năng quay phim, anh đã đến những buổi trình diễn hòa nhạc, biểu diễn âm nhạc truyền thống, những buổi tập luyện của các nghệ sĩ, hay làng làm kèn đồng ở Nam Định, làng vĩ cầm ở Bắc Giang, chuyện giữ dân ca quan họ ở Bắc Ninh, chuyện cả gia tộc hát ca trù tại Hà Nội… để ghi lại những thước phim.

Đạo diễn François Bibonne

Muốn “đưa” Việt Nam ra thế giới

“Tại sao anh lại chọn chủ đề âm nhạc cho bộ phim tài liệu đầu tiên về Việt Nam?”, tôi tò mò hỏi François Bibonne, anh đáp: “Tôi đã từng muốn trở thành một nghệ sĩ piano khi còn nhỏ, tôi yêu nhạc cổ điển. Nhưng cuối cùng tôi lại không tiếp tục mong muốn ấy mà chuyển sang ngã rẽ khác. Dù vậy, thực hiện những bộ phim có chủ đề về âm nhạc cũng là cách tôi để cuộc sống của mình trong bầu không gian của âm nhạc”. “Ý tưởng làm phim về âm nhạc cổ điển ở Việt Nam bắt đầu khi tôi làm công việc lên lịch biểu diễn cho những nghệ sĩ và những dàn nhạc ở Paris. Tôi tự hỏi: “Có khi nào điểm đến là Việt Nam không, ở đó âm nhạc cổ điển thế nào, có dàn nhạc nào ở đó không?”, anh nói.

François Bibonne quyết định đặt chân đến Việt Nam cũng là quê hương của bà nội mình, bắt đầu cuộc hành trình mới với công việc làm phim và đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi từng xuất hiện trong đầu. Một Việt Nam vừa gần gũi vừa mới mẻ, lạ lẫm đã khiến anh thay đổi so với những mục đích làm phim đơn giản ban đầu. “Tôi thực sự muốn cho thấy một Việt Nam sâu sắc hơn những gì được giới thiệu qua những những công ty du lịch”, François Bibonne cho hay. Một mặt, anh muốn dành bộ phim này cho những khán giả quốc tế, mặt khác dành cho những khán giả Việt Nam để họ hiểu và trân quý hơn những giá trị di sản, trong đó có âm nhạc, của Việt Nam.

Once upon a bridge in Vietnam được công chiếu trực tuyến cho khán giả của Los Angeles Film Awards. “Những liên hoan phim luôn là cách hữu hiệu để đưa khán giả khắp thế giới có thể xem phim của bạn và câu chuyện bạn muốn kể. Bởi thực sự chủ đề về Việt Nam không phải luôn có mặt ở những nơi này”, François Bibonne nói và hy vọng bộ phim có thể được phát hành rộng khắp. Once upon a bridge in Vietnam cũng là dự án đầu tiên của studio Thi Koan mà François Bibonne lấy theo tên của bà nội mình (Nguyễn Thị Koan), nơi mà anh ấp ủ nhiều dự án về văn hóa Việt khác. “Văn hóa Việt có sức thu hút đặc biệt với tôi, không chỉ bởi trong người tôi mang dòng máu Việt mà bởi nền văn hóa này kết tinh giao thoa của nhiều nền văn hóa Đông - Tây, cho đến của nhiều dân tộc thiểu số. Đó là trầm tích lịch sử cần được phát huy nhiều hơn”, anh lý giải.

Hình ảnh trong bộ phim Once upon a bridge in Vietnam

NVCC

… và “thế giới” về Việt Nam

“Một nghệ sĩ piano cũng là bạn của tôi Julie Nguyen nói với tôi rằng cô ấy đã khóc rất nhiều khi xem bộ phim. Một người Việt Nam sống tại Pháp thì nói với tôi rằng chị rất nhớ quê nhà và muốn trở lại sớm nhất có thể khi đại dịch được kiểm soát. Nhiều người bạn nước ngoài đã gửi tin nhắn xin tôi lời khuyên cho chuyến du lịch về Việt Nam trong thời gian tới”, François Bibonne hào hứng nói khi biết bộ phim của anh đã khiến nhiều người muốn đến hay trở về Việt Nam, trong đó có cả những thành viên trong gia đình anh.

Văn hóa Việt có sức thu hút đặc biệt với tôi, không chỉ bởi trong người tôi mang dòng máu Việt mà bởi nền văn hóa này kết tinh giao thoa của nhiều nền văn hóa Đông - Tây, cho đến của nhiều dân tộc thiểu số. Đó là trầm tích lịch sử cần được phát huy nhiều hơn.

François Bibonne

François Bibonne nói, điều anh hối tiếc là đã không sớm trở về Việt Nam mà để tận 3 năm sau khi bà anh qua đời mới quyết định trở về quê hương của bà cũng là nguồn cội của mình. “Tôi đã tự mình trải nghiệm và khám phá mọi thứ ở Việt Nam và cảm thấy có lỗi với bà nội. Nhạc nền của bộ phim là cách tôi muốn nói với bà rằng: “Cháu yêu bà” và tôi đã nghĩ đến bà rất nhiều khi làm bộ phim, coi đó như nhiệm vụ của tôi”, anh nói và chia sẻ: “Cha và chú của tôi đã thực sự xúc động khi xem bộ phim. Dù không ở bên cạnh khi họ xem nhưng tôi biết họ đã khóc. Câu nói của tôi ở cuối bộ phim cũng là câu nói mà tôi hay cha và chú muốn nói với bà nội hay với mẹ của họ rằng: “Xin hãy tha thứ cho chúng con vì không sớm về thăm quê mẹ. Sự thật là cha và chú tôi chưa một lần về thăm Việt Nam cùng bà”.

Nhà làm phim trẻ lý giải hình ảnh những nhịp cầu trong phim như phép ẩn dụ cho sự kết nối giữa Việt Nam và thế giới thông qua âm nhạc. Nhưng với anh, có lẽ, bộ phim còn là sự kết nối giữa anh và những người thân trong gia đình với bà nội mình và cả những người con mang dòng máu Việt với cội nguồn của mình. “Tôi đã hiểu mình là một phần của Việt Nam, tôi đã và đang cùng sống trong lịch sử của Việt Nam”, François Bibonne nói với nỗi nhớ về Việt Nam khi quay trở lại Pháp sau khi hoàn thành bộ phim.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.