Cách đây 4 năm, vở nhạc kịch Pháp Những người khốn khổ do Trần Minh Tuấn dàn dựng từng gây chú ý khi tốt nghiệp trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM bởi sự chỉn chu, quy mô, với độ dài đến 5 giờ đồng hồ. Tuấn cũng từng đoạt Á quân của Kịch cùng Bolero năm 2018.
Mấy hôm nay, trang cá nhân của Tuấn rộn ràng hình ảnh những chai trà sữa mang thương hiệu “Tiệm trà sữa Đàn Ông”, cái tên mà nghĩ chệch ra một chút là thấy buồn cười bởi “đàn ông mà có… sữa”. Những chai trà sữa này được Tuấn tự tay làm hết các công đoạn từ nấu, pha chế, đóng chai và kiêm luôn shipper cho những khách quen. Tuấn có lẽ cũng không ế show bởi vừa thấy anh đạo diễn xong cho một sư kiện trao giải bóng đá đình đám mới đây. Vậy điều gì khiến anh chàng đột nhiên quay lại với những chai trà sữa?
|
Kinh doanh trà sữa làm ‘bệ đỡ’ cho tác phẩm nghệ thuật
* Chào Tuấn, hoạt động nghệ thuật của anh hiện nay có ổn không?
- Đạo diễn Trần Minh Tuấn: Mùa dịch nên cũng hơi đứng một chút nhưng tôi thấy đây là tình hình chung nên không nao núng hay buồn. Năm ngoái, tôi cũng được nhiều công ty sự kiện mời. Đạo diễn sự kiện tuy là nghề tay trái nhưng thu nhập chính của tôi là từ nó.
*Sao tự dưng anh quay lại với những chai trà sữa vậy?
- Hôm bữa, tôi có ngồi nói chuyện với một đứa em học kinh tế. Bạn ấy phân tích nhiều cái tôi thấy hay. Bạn nói: “Sao tự nhiên anh bỏ bán trà sữa, trà sữa của anh rất ngon, vị đặc biệt... Nếu gọi anh là start-up thì em thấy thương hiệu trà sữa của anh khá thành công về mặt chiếm cảm tình của mọi người”. Xong bạn ấy còn nói tiếp: “Nếu coi công việc là người yêu, người tình, thì có phải lúc khó khăn anh đến với chai trà sữa, tới lúc anh ổn định, anh bỏ nó, có phải quá phụ bạc không?”.
Tôi nghe bạn ấy nói vừa thấy vui, vừa mắc cười chột dạ. Bạn ấy còn khuyên: “Anh hãy xây dựng thương hiệu trà sữa cũ lớn mạnh một tí, để nó sẽ là bệ đỡ về kinh tế cho những tác phẩm nghệ thuật của anh sau này. Anh đủ gan làm thì sau này anh làm vở người ta mới nể anh và mấy chai trà sữa của anh”.
* Bạn ấy nói có lý ấy chứ?
- Tôi cũng không biết! Nhưng tôi thấy nó tích cực, nhất là trong thời gian này, nên tôi đã quyết định quay lại, cố gắng từng chút một để hoàn thiện hơn “thương hiệu trà sữa” của mình. Bữa giờ tôi bán lại được 10 hôm, cũng nhiều người ủng hộ. Sau khi trừ hết chi phí tôi cũng đủ dư để trang trải trong những tháng ngày còn độc thân.
|
* Anh học nấu trà sữa từ đâu? Một mình anh làm hết các công đoạn hay sao?
- Bạn gái cũ của tôi chỉ cách nấu, với tôi cũng học thêm trên mạng. Tận tay tôi làm hết các công đoạn đó.
* Còn về cái tên “Tiệm trà sữa Đàn Ông”?
- Tính nghệ sĩ hay cho tôi nhiều suy nghĩ vu vơ... Tôi muốn đánh dấu nó cho khoảng thời gian tuổi 30 - bắt buộc mình phải TRƯỞNG THÀNH - của mình. Thêm nữa, cái tên “trà sữa Đàn Ông” cũng ngộ ngộ, người ta hay thắc mắc, mà thắc mắc là người ta đã nhớ tới rồi.
* Vậy khách hàng của anh bây giờ với khách 4 năm trước có khác nhau không?
- Vẫn có cũ và mới luôn. Tôi và thêm mấy bạn sinh viên khác làm shipper, ai quen thì tôi trực tiếp đi giao để miễn phí ship. Ai cũng vui.
* Thế đến lúc có show nhiều thì làm sao anh vừa làm show, vừa bán trà sữa được đây?
- Tôi vẫn sẽ cố gắng duy trì. Sau này tôi sẽ giao lại cho một bạn khác phụ quản lý. Tôi sẽ cân bằng giữa hai việc này.
* Còn những dự định về nhạc kịch của anh thì sao?
- Tôi vẫn nung nấu nhưng do tình hình dịch bệnh vừa qua nên phải tạm ngừng lại hết. Hết dịch tôi sẽ quay lại. Tôi có hẹn với nhạc trưởng Trần Nhật Minh (Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM) để cùng chia sẻ và bàn bạc vài kế hoạch liên quan đến nhạc kịch trong tương lai. Trò chuyện với những người giỏi là cách học tập theo tôi nghĩ là khá hay.
* Từng là Á quân của Kịch cùng Bolero, anh có dự định quay lại với một game show nào đó?
- Tôi nghĩ bấy nhiêu là đủ với tôi rồi, thi thố cực lắm. Sau khi được giải Á quân Kịch cùng Bolero, có nhiều công ty truyền thông muốn mời tôi tiếp tục với vài cuộc thi nhưng tôi từ chối. Tôi biết đây là sự ưu ái, cũng là cơ hội mà rất nhiều bạn trẻ khác cố gắng tìm kiếm.
Nhưng tôi có suy nghĩ thế này: khi mình tham gia cuộc thi, mình phải làm ra tác phẩm. Có tác phẩm hay, có tác phẩm dở. Ai thế nào tôi không biết, chứ với tôi, những tác phẩm tôi coi nó như là những “đứa con” ruột thịt của mình (tôi dở hơi lắm, nhiều đêm tôi ôm mấy tác phẩm đó nằm khóc). Vì coi nó như con nên tôi không muốn nó phải bị người ta mang ra mổ xẻ, vì thế tôi mới không đồng ý tham gia tiếp. Nhiều người không hiểu, cứ nghĩ tôi chảnh chọe, kén cá chọn canh. Nhưng không phải! Tôi vẫn rất tôn trọng game show vì nhờ nó bao nhiêu cuộc đời đã thay đổi, thậm chí làm giàu. Nhưng mỗi người có mỗi suy nghĩ riêng biệt, không thể hoà lẫn. Nếu có quay lại với một game show nào đó mà không mang tính chất thi thố thì tôi vẫn rất vui…
Niềm vui từ những chai trà sữa
* Quay lại với những chai trà sữa, anh có thể chia sẻ anh đến với nghề này như thế nào không?
- Lúc tôi làm vở diễn đầu tay là vở nhạc kịch Những người khốn khổ, tôi tập ròng rã trong 6 tháng trời. Mình là đạo diễn, mình đâu dám nhận show ở ngoài vì như vậy diễn viên sẽ nề hà và đánh giá! Đứng trên 60 người phải lấy cái quyết tâm của mình đặt lên trên thì diễn viên mới nể được. Không đi show ngoài, không có thu nhập, chính những chai trà sữa đã giúp tôi có tiền để trang trải chi phí trong những tháng ngày đó dù chưa nhiều.
|
* Bây giờ trà sữa quá trời hiệu rồi, anh làm sao để trà sữa của mình gây “nghiện” hơn người ta?
- Tôi nghĩ chất lượng vẫn là điều quyết định nhất. Những “mối trà sữa” của tôi đến bây giờ vẫn vậy. Tôi chấp nhận lấy nguyên liệu của những thương hiệu lớn, chất lượng, để cho ra chai trà sữa đậm đà nhất có thể!
* Những chai trà sữa giờ đây đối với anh, mang ý nghĩa gì quan trọng nhất?
- Niềm vui - chính xác là vậy! Tôi bán tôi khuyến mãi cho khách quá trời, xong mấy bạn shipper nói: “Anh bán vậy sao lời?”. Tôi mới trả lời: “Anh cố tình lời ít thôi, lời nhiều có tiền nhiều, anh bỏ nghề đạo diễn luôn sao!”. Nên thực sự bây giờ, công việc bán trà sữa này cho tôi khá nhiều niềm vui!
* Xin cám ơn Trần Minh Tuấn và chúc anh thành công!
Bình luận (0)