Từ sáng sớm, những người thân trong gia đình anh Phạm Tuấn (39 tuổi, thôn Hà Bình, xã Bình Minh, H.Thăng Bình, Quảng Nam) đã tất bật dùng cuốc, xẻng để đào một căn hầm diện tích 3 x 3 m, sâu 1,6 m, đủ để cho gần 10 người trong gia đình tránh bão số 9 tạm thời. Sau khi đào hầm, anh dùng các bao xi măng chứa đất cát chất quanh miệng hầm, gác cây gỗ hoặc thanh sắt, phía trên đặt bạt ni lông, mái tôn, sau đó chèn cột bằng dây thừng.
|
Bà Nguyễn Thị Mau (68 tuổi, mẹ anh Tuấn) cho biết sau khi làm hầm, bão tới thì gia đình mang thức ăn, nước uống xuống, chờ cho bão tan rồi lên.
“Ở đây không chỉ gia đình tôi mà có nhiều nhà khác cũng làm cách tương tự để tránh bão. Đây không phải lần đầu tiên người dân ven biển tỉnh Quảng Nam đào hầm tránh bão lớn. Vào tháng 11.2013, người dân ven biển các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình từng đào hàng chục căn hầm để tránh trú bão số 14 (siêu bão Hải Yến). Mấy chục năm qua khi nghe tin bão dữ người dân cũng đào hầm kiểu này trú ẩn và chưa xảy ra sự cố gì”, bà Mau nói.
Không chỉ các xã ven biển ở Thăng Bình và Duy Xuyên, mà hai ngày qua nhiều người dân ở P.Điện Dương (TX.Điện Bàn, Quảng Nam) cũng tất bật dọn dẹp các hầm để trú tránh trước khi cơn bão số 9 đổ bộ. Ông Nguyễn Thanh Vũ (63 tuổi, ở khối phố Hà My Đông B, P.Điện Dương) cho hay, hiện trên địa bàn có khoảng 20 căn hầm tránh bão được người dân xây dựng nhiều năm qua. Ngoài ra, có khoảng gần 30 căn nhà được xây dựng theo mô hình nhà kết hợp hầm tránh bão.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đối với những cơn bão lớn, người dân ven biển thường đào hầm để trú tránh. Việc đào hầm trú bão là kinh nghiệm của cha ông từ xưa đến nay. “Việc đào hầm trú bão cũng tùy vào vùng miền đặc thù tại địa phương. Đào hầm trú bão thường ở những địa phương ven biển ít xảy ra lũ lụt nên có thể làm. Bởi sự an toàn của việc đào hầm trú bão nên tỉnh rất khuyến khích việc này”, ông Bửu nói.
Một chuyên gia dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ nhận xét, đào hầm tránh bão là một giải pháp khá tốt cho những người dân không có điều kiện đến các căn nhà kiên cố để tránh bão. Vị này cho rằng, thông thường khi bão vào thì gió giật rất mạnh nên việc xuống hầm trú tránh sẽ đảm bảo an toàn vì tránh bị tường nhà, cây cối đổ sập. “Đây là kinh nghiệm dân gian của bà con ngày xưa khi nhà tranh vách nứa, không đủ sức chống chọi với các cơn bão lớn, họ đào hầm để tránh gió giật. Và cần lưu ý hầm tránh bão phải làm chắc chắn chứ không được gia cố sơ sài vì có khả năng mất an toàn khi bão đổ bộ”, vị này nhấn mạnh.
Bình luận (0)