Đào rễ cỏ tranh kiếm nửa triệu/ngày ở Sài Gòn nuôi hai con ăn học
19/03/2018 10:01 GMT+7
Tiếp nối nghề truyền thống gia đình, anh Nguyễn Văn Phụng hàng ngày lang bạt khắp các mảnh đất hoang trên địa bàn TP.HCM đào rễ cỏ tranh, kiếm tiền lo con cái ăn học, đến nay ngót đã gần 30 năm.
Tự động phát
Video: Nghề đào rễ cỏ tranh đem lại thu nhập nửa triệu đồng/ngày
|
Nghề chỉ hơn 10 người làm
Giữa cuộc sống hối hả ở mảnh đất Sài Gòn, ít ai biết rằng nơi đây còn có một nghề độc đáo mà chỉ vài người
đang theo đuổi, đó là nghề đào rễ cỏ tranh làm dược liệu. Người đào rễ tranh có thể kiếm từ 350.000 - 500.000 đồng/buổi, đủ trang trải chi tiêu cuộc sống.
|
Chúng tôi theo chân một người có gần 30 năm trong ngề đào rễ cỏ tranh, đó là anh Nguyễn Văn Phụng (45 tuổi, ngụ Q.Bình Tân TP.HCM). 5 giờ sáng, mặt trời còn chưa nhô lên và cả nhà còn đang say giấc ngủ, anh Phụng đã cặm cụi thức dậy. Anh lấy cà mèn bới vội ít cơm trắng nóng hổi từ nồi cơm điện nấu trong đêm, bỏ thêm ít dưa món, đem theo chiếc cuốc và lên đường.
Chiếc xe máy cũ kĩ chạy tà tà qua nhiều tuyến đường, khoảng hơn 1 giờ sau, anh Phụng dừng lại bên một mảnh đất hoang đầy cỏ tranh lẫn cỏ dại mọc um tùm tại khu vực thuộc xã Phú Xuân (H.Nhà Bè). Lấy chiếc cuốc treo từ xe máy, anh liền vào những đám cỏ tranh cao lút đầu người và bắt đầu công việc đào đất kiếm rễ.
Những nhát cuốc được anh đào liên tiếp xuống bụi cỏ tranh, các thớ đất lật ngược lên lòi ra những gốc rễ dài, trắng phau. Đào được một luống đất (chừng 5 mét vuông), anh lại ngồi xuống dùng tay lặt rễ cỏ tranh còn đang lẫn lộn trong đất, xếp thừng từng bó.
|
Cứ thế, công việc của anh Phụng điễn ra đều đặn khi mặt trời đã lên cao. Cầm đống rễ tranh trên tay, anh cho biết nghề đào cỏ tranh này ở TP.HCM hiện có hơn 10 người đi làm mỗi ngày. Rễ tranh sau khi đào lên sẽ được lặt vỏ lụa và rửa sạch sau đó đem bán sỉ cho đại lý, cung cấp cho các cơ sở nấu nước sâm và cửa hàng thuốc đông y. Rễ tranh sẽ được bán tươi 20.000 đồng/kg. Trung bình một buổi anh đào được khoảng 25kg, tính ra thu nhập khoảng 500.000 đồng/buổi.
Kéo áo lau mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt rám nắng, anh Phụng cho biết: “Nghề này làm ngoài trời, nên phải tranh thủ đi sớm cho mát, đào rễ cỏ tranh vừa khỏe và năng suất cao hơn. Ở đâu có cỏ tranh mọc nhiều thì tôi tìm đến, đào xong khu vực này đến khu vực khác, làm đều đặn quanh năm cung cấp hàng cho khách. Nếu hôm nào đầu mối cần hàng nhiều, tôi sẽ đào rễ cỏ tranh đến chiều mới về, còn không thì cứ đào buổi sáng rồi chiều về nghỉ”.
Theo anh Phụng, cây cỏ tranh ở TP.HCM hiện còn rất nhiều, chủ yếu mọc trên các khu đất quy hoạch. Hầu như các quận, huyện ngoại thành như: 9, 12, 2, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè..., đều có loại cỏ tranh này, nhưng phải tìm hiểu ở đâu rễ tranh dễ đào, rễ không bị thối.
|
“Khu vực huyện Củ Chi có nhiều cỏ tranh nhưng đất nhiều đá và cứng nên đào rất khó. Lúc trước tôi đào ở khu này một buổi, phải rời đi nơi khác vì làm không nổi. Ngoài ra, đất ở các khu vực P.Cát Lái, Thạnh Mỹ Lợi (Q.2) cũng nhiều cỏ tranh, nhưng khu này trũng thấp nên rễ cỏ tranh bị thối nhiều, không đào được. Hiện khu vực huyện Bình Chánh và Nhà Bè cỏ tranh nhiều và rễ dày, dễ đào. Chỉ riêng hai huyện này tôi đào 10 năm rồi vẫn không hết cỏ tranh”, anh Phụng chia sẻ.
Rùng mình khi cuốc trúng... bom khủng
Anh Phụng cho biết, đào rễ cỏ tranh được xem là nghề truyền thống của gia đình, được ông bà nội anh làm từ những năm trước 1975. Thời đó, hằng ngày ông nội anh cầm cuốc đến các khu đất trống nhiều cỏ tranh ở ngoại thành TP đi đào rễ, sau đó đem về cho bà nội anh đưa ra bán ở các chợ cóc. Khi ông nội mất, cha anh tiếp tục nối nghề đi đào cỏ tranh về bán kiếm tiền nuôi gia đình.
“Thời chiến tranh loạn lạc, mỗi khi ông nội tôi đi đào rễ cỏ tranh phải đem theo một cây sào và treo lên đó một tấm vải trắng để khi trực thăng của địch đi qua biết đó là người dân đang đi làm. Nghề này đối với gia đình đã truyền qua ba đời, mong đến lượt tôi sẽ là đời cuối cùng làm công việc đào đất kiếm rễ này. Giờ lỡ theo nghề này mấy mươi năm rồi nên theo luôn để kiếm tiền lo gia đình, tôi chỉ mong con cái học giỏi có nghề nghiệp ổn định, không vất vả với nghề đào rễ tranh này”, anh Phụng chia sẻ. Anh Phụng có một bé gái 6 tuổi đang học lớp 1, còn cậu con trai 20 tuổi đang theo học nghề đầu bếp.
|
Nhắc về kỷ niệm trong mấy mươi năm của mình, anh Phụng không khỏi rùng mình khi nhớ tới lần đào trúng quả bom dài hơn 2 mét. Anh kể: “Năm 1992, trong một buổi sáng đi đào rễ gốc tranh bãi đất hoang gần khu vực Phật Cô Đơn, ở xã Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh), vừa đặt xuống những nhát cuốc đầu tiên, tôi thấy có gì rất cứng dưới lớp đất. Rồi tôi cuốc thêm vài cái nữa thì thấy tia lửa xẹt ra, tôi mới đưa cuốc cào nhẹ đất ra thì tá hỏa phát hiện một quả bom dài hơn 2m. Tôi hoảng hốt ngưng việc và thông báo với mọi người gọi cơ quan chức năng đến xử lý. Quả bom sau đó mới được đưa đi. Lúc đó tôi chỉ lo tính mạng bản thân chứ không nghĩ gì đến việc đem bom đi bán”.
“Nghề đào rễ cỏ tranh vất vả nhưng đã giúp tôi nuôi con ăn học. Tôi nghĩ nghề gì cũng vậy, chỉ cần cố hết sức, cần cù và tuân thủ pháp luật thì đồng tiền làm ra đều chân chính. Tôi sẽ mãi làm nghề này đến khi nào không còn sức khỏe nữa mới thôi”, vừa nói xong, anh Phụng rít điếu thuốc một hơi dài rồi nhả khói, nheo nheo mắt nhìn xa xăm vào bãi cỏ tranh bạt ngàn.
|
|
|
|
|
|
Bình luận (0)