“Đào rừng” phần lớn do dân trồng trên nương
Trao đổi với Thanh Niên, anh Đào Văn Sứ, nhà ở bản Hang Trùng (xã Vân Hồ, Sơn La), cho biết vườn của gia đình năm nay có khoảng 400 cây đào chờ bán dịp tết Nguyên đán Tân Sửu, nhưng khi có thông tin cấm chặt, buôn bán đào rừng, gia đình lo lắng, hoang mang. “Vườn đào do gia đình đầu tư mua giống để nhân trồng và ghép mắt bán dịp tết, cây ít nhất cũng được 2 - 3 năm tuổi. Cây càng già, càng cao tuổi thì cành càng nhiều địa y, rêu bám, chứ không phải là đào khai thác từ rừng tự nhiên”, anh Sứ nói.
Lo lắng của anh Sứ cũng là tâm trạng chung của người trồng đào tại xã Loóng Luông - thủ phủ đào Tây Bắc tại H.Vân Hồ. Ông Tếnh A Chìa, Chủ tịch UBND xã Loóng Luông, cho rằng việc cấm mua bán đào rừng dễ dẫn tới nhầm lẫn giữa giống đào bản địa và đào rừng trong khi thực chất là cùng một giống đào, và điều này sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ, phát triển đào của cả vùng; ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc, nhất là vùng dân tộc thiểu số.
Ông Chìa khẳng định cây đào được người Mông trồng từ xa xưa để lấy quả ăn. Khoảng 10 năm trở lại đây, đào được mở rộng diện tích và trở thành cây trồng đem lại nguồn lực chính của người dân địa phương. Đào trồng ở Loóng Luông bán dịp tết thường được người dân dưới xuôi gọi là “đào rừng”, thực chất không phải là loại đào mọc tự nhiên trong rừng, mọc ở trên núi, mà là giống đào bản địa được người dân trồng trong vườn, trên nương, trong phạm vi đất sản xuất nông nghiệp.
“Giống đào bản địa Tây Bắc là cây tán thấp, cây trưởng thành chỉ cao 3 - 4 m và thời gian sinh trưởng không dài, tốt nhất là dưới 10 năm. Do vậy, giống đào này không thể tự sinh trưởng xen kẽ trong rừng tự nhiên do thiếu ánh sáng, và cây lâu năm sẽ bị thối lõi trong và chết”, ông Chìa nói.
Dán “tem thông hành” để ra chợ tết
Ông Tếnh A Chìa cũng cho biết, Loóng Luông hiện có khoảng 300 ha trồng đào, chiếm 40,5% tổng diện tích cây ăn quả của toàn xã, là cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân. Cây đào được bán ra thị trường theo 3 hướng: bán quả, bán cành hoa chơi tết, và bán gốc cho các nhà vườn dưới xuôi để ghép. Diện tích trồng đào tăng nhanh trong những năm gần đây khiến Loóng Luông thành một trong những "thủ phủ" đào của vùng Tây Bắc.
Ông Vũ Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND H.Vân Hồ, cũng khẳng định thực tế rà soát ở các địa phương trong H.Vân Hồ cho thấy, hiện không có đào mọc tự nhiên trên rừng. Diện tích trồng giống đào Tây Bắc rải rác ở khắp các xã, nhưng tập trung nhất là tại 2 xã Vân Hồ và Loóng Luông, với diện tích khoảng 500 ha. Đào Tây Bắc rất phù hợp trồng trên đất dốc, là cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với trồng ngô, dong riềng và sắn trước đây.
Cũng theo ông Hải, UBND H.Vân Hồ mới đây đã có văn bản gửi UBND tỉnh Sơn La báo cáo và đề xuất với Bộ NN-PTNT và Thủ tướng cho phép UBND H.Vân Hồ được tổ chức Lễ hội hoa đào 2021 và làm tem dán nhãn cho đào trồng Vân Hồ đưa ra thị trường dịp tết, phân biệt với đào rừng tự nhiên. Hiện tại, H.Vân Hồ đã hoàn thiện 2 mẫu tem, dài 15 cm và 20 cm, và sẽ in khoảng 11.000 tem phát cho các hộ trồng đào.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Dũng Tiến, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La, cho biết đào rừng trong chỉ đạo của Thủ tướng được hiểu là đào mọc trong rừng tự nhiên. Còn với loại đào người dân đầu tư mua giống, trồng trên đất sản xuất của họ thì không có lý do gì để hạn chế. Nhưng để phân biệt với loại đào rừng tự nhiên, Sở KH-CN và Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La phối hợp với các địa phương đang triển khai dự án làm tem chứng nhận nguồn gốc đào.
Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung triển khai tại 2 vùng trồng đào lớn là H.Vân Hồ và Mộc Châu, sau đó sẽ nhân rộng. “Các huyện sẽ cho người dân ở các xã, bản đăng ký số lượng đào khai thác trong năm nay để được hỗ trợ tem dán trước khi đưa ra chợ giao dịch. Tem dán sẽ giúp các địa phương quản lý tốt hơn. Quan điểm của Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La thì đây cũng là việc làm khuyến khích để cành, cây đào bán chơi tết sẽ là một sản phẩm nông nghiệp mới mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trong dịp tết cổ truyền hàng năm”, ông Tiến nói.
Bình luận (0)