Đào tạo bác sĩ: Nghịch lý học phí và lương

24/10/2024 05:45 GMT+7

Vài năm gần đây, hàng loạt bác sĩ và nhân viên y tế trong các cơ sở công lập nghỉ việc để chuyển qua bệnh viện tư. Một trong những nguyên nhân quan trọng được ghi nhận là do lương và chế độ thấp.

Trong khi đó, một thực tế tréo ngoe là học phí (HP) đào tạo các ngành khoa học sức khỏe, đặc biệt ngành y khoa hiện đang ở mức rất cao, có nơi lên tới gần 200 triệu đồng/năm.

HỌC PHÍ NGÀNH Y CAO NGẤT NGƯỞNG

Có thể nói chưa bao giờ HP ngành y cao như hiện nay, đặc biệt là ngành y khoa (đào tạo bác sĩ đa khoa) và răng - hàm - mặt (đào tạo bác sĩ răng - hàm - mặt). HP các trường ĐH công lập hiện được quy định trong Nghị định 97 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý HP đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm HP, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Theo HP công bố năm học 2024 - 2025, trường chưa tự chủ được thu tối đa 27,6 triệu đồng/năm (10 tháng); trường đảm bảo chi thường xuyên được thu tối đa 55,2 triệu đồng/năm; trường tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư được thu tới 69 triệu đồng/năm. Chưa kể, với chương trình đạt kiểm định chất lượng, trường ĐH được tự xác định mức thu HP trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật do trường ban hành. Do đó, HP các ngành đào tạo bác sĩ ở các trường ĐH công lập có nhiều mức khác nhau.

Đào tạo bác sĩ: Nghịch lý học phí và lương- Ảnh 1.

Sinh viên y khoa học vất vả, đóng học phí cao, ra trường áp lực công việc lớn nhưng thu nhập không tương xứng

ẢNH: PHẠM HỮU

Có thể nói y khoa là một trong những ngành có HP cao nhất hiện nay. Trong đó, trường ĐH công lập đào tạo khối ngành sức khỏe có HP cao nhất phải kể đến Trường ĐH Y Dược TP.HCM, với 2 ngành đào tạo bác sĩ HP trên mức 80 triệu đồng/năm. Trong khi đó, Trường ĐH Y Dược (ĐH Thái Nguyên) có mức HP hơn 30 triệu đồng/năm.

Tại các trường ĐH ngoài công lập, HP ngành y khoa cao nhất thuộc về Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng với 180 triệu đồng/năm. Kế đến là Trường ĐH Tân Tạo và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành với 150 triệu đồng/năm.

So với cách đây 10 năm trước, ngành thu HP cao nhất khối ngành y dược hiện nay đã tăng gấp hơn chục lần. Mức trần HP tối đa khối ngành y dược trong năm học 2014 - 2015 chỉ ở mức 800.000 đồng/tháng (tương đương 8 triệu đồng/năm học 10 tháng).

HỌC TẬP, LÀM VIỆC VẤT VẢ, LƯƠNG KHÔNG ĐỦ SỐNG

Không chỉ HP cao, sinh viên ngành y còn phải trải qua quá trình học tập vất vả trong thời gian dài. Tuy nhiên, thu nhập của bác sĩ trẻ trong các cơ sở y tế công lập hiện nay lại không tương thích với sự đầu tư của người học.

Nguyễn Thu Phương tốt nghiệp ngành y khoa Trường ĐH Y Dược TP.HCM năm 2022, sau đó được nhận vào làm việc tại một bệnh viện (BV) TP.Thủ Đức (TP.HCM). Thời gian đầu Phương phải trải qua 2 tháng học việc, với tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng, 2 tháng thử việc sau đó cô được nhận 85% lương cơ bản (hệ số 2,34) là gần 3 triệu đồng. Hết thời gian này, cô được hưởng nguyên lương cơ bản là 3,5 triệu đồng/tháng.

Với mức thu nhập thấp như vậy, Phương không thể trang trải đủ cho cuộc sống đắt đỏ ở thành phố. Thời gian này do Phương chưa có chứng chỉ hành nghề nên không thể đi làm thêm các ở phòng khám để có thêm thu nhập.

Sau khi học 12 tháng để lấy chứng chỉ hành nghề, Phương vừa làm việc ở TP.Thủ Đức, cuối tuần lại chạy xe về một BV ở Long An làm thêm. Cả tuần cô không nghỉ ngày nào, lại phải thức đêm liên tục. "Nhiều hôm đi từ TP.HCM về Long An, giữa đường em phải cho xe vào lề rồi ngồi ngủ một xíu để có sức làm việc tiếp", nữ bác sĩ trẻ kể lại.

Đào tạo bác sĩ: Nghịch lý học phí và lương- Ảnh 2.

Sinh viên trúng tuyển làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Ngành sức khỏe hiện nay được xếp vào hàng những ngành có học phí cao nhất

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Thu nhập hiện nay của Phương gồm lương, phụ cấp, tiền trực đêm ở BV chính là khoảng 8 triệu đồng/tháng, còn ở BV làm thêm là 4 triệu đồng/tháng. "Làm việc không có ngày nghỉ và áp lực như vậy, nhưng chỉ tạm đủ trang trải cho cuộc sống ở TP.HCM. Nhiều lúc em suy nghĩ và rất tủi thân. Nghĩ mình học 6 năm và mất 1 năm nữa để lấy chứng chỉ, quá trình học dài và vất vả hơn nhiều bạn bè, đến khi đi làm thì cũng cực hơn nhiều, mà thu nhập của các bạn gấp 2, 3 lần mình. Xong em lại phải tự an ủi rằng mình chỉ mới ra trường thôi, mình cần tích lũy thêm chuyên môn và kinh nghiệm, đến khi thành một bác sĩ giỏi rồi thì thu nhập sẽ tốt hơn, nhưng quá trình đó chắc sẽ rất dài", Phương tâm tư.

N.T.K (bác sĩ trẻ làm việc tại TP.HCM) cho biết hiện thu nhập nhận được từ BV trên 10 triệu đồng/tháng. Trong đó, lương cứng khoảng 8 triệu đồng và các khoản thu nhập khác từ: phẫu thuật (3,8 triệu đồng/tháng); thủ thuật (2 triệu đồng/tháng); trực (gần 680.000 đồng/tháng)…

H.B (một bác sĩ đang làm việc tại phòng khám tư) chia sẻ: "Thu nhập trung bình khoảng 900.000 đến 1,5 triệu đồng/ngày và mỗi tuần chỉ làm tối đa 2 ngày. Như vậy, trung bình thu nhập khoảng 4 - 6 triệu đồng/tháng".

H.B nhìn nhận: "Một bác sĩ ra trường đi thực hành khoảng 1 - 3 năm mới có thu nhập. Mức trung bình thường dưới 6 - 8 triệu đồng/tháng, nếu đi làm thêm ngoài giờ cật lực có thể đạt 12 - 15 triệu đồng/tháng, chưa trừ chi phí phải đầu tư học tập thường xuyên trong tháng đó. Mức này thấp, chưa xứng với công sức làm việc và học tập đã bỏ ra, không đủ để lo chi phí sinh hoạt hằng ngày cho bản thân, chưa nói gì đến lo cho con cái".

A.Đ (bác sĩ trẻ một BV ở Q.3, TP.HCM) cũng nhìn nhận: "Trong vòng 5 - 10 năm sau khi tốt nghiệp, mức thu nhập chưa thể bằng với số tiền đã đầu tư cho việc học".

HÀNG LOẠT BÁC SĨ, NHÂN VIÊN Y TẾ CÔNG LẬP NGHỈ VIỆC

Hệ quả trực tiếp của thu nhập thấp, áp lực công việc cao là hàng loạt bác sĩ, nhân viên y tế công lập xin nghỉ việc trong thời gian qua. Mới đây nhất các cán bộ y tế cấp phòng ban chuyên môn Trung tâm y tế TP.Thuận An (Bình Dương) có đơn xin nghỉ việc. Trước đó, trong 7 tháng năm 2022, địa phương này có đến 166 y bác sĩ, nhân viên y tế công lập nghỉ, bỏ việc. Theo báo cáo của Sở Y tế Bình Dương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng y bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ, bỏ việc do lương và chế độ thấp, môi trường làm việc áp lực, công việc vất vả, tiếp xúc liên tục với các yếu tố nguy hại… Ngoài ra, còn một số nguyên nhân vì hoàn cảnh gia đình, đi học và có sự lựa chọn khác.

Nghệ An cũng ghi nhận 119 y, bác sĩ ở các BV công lập xin nghỉ việc trong thời gian từ đầu năm 2021 đến tháng 7.2022. Trong số đó, gần một nửa là bác sĩ và có 2/3 trong số những người xin nghỉ việc đã chuyển ra làm việc tại các BV tư nhân. Ở thời điểm trên, theo thông tin Sở Y tế Nghệ An, một bác sĩ mới ra trường làm việc ở BV công lương chỉ 5 - 7 triệu đồng/tháng, nhưng các BV tư sẵn sàng trả 15 - 20 triệu đồng/tháng. Một bác sĩ nội trú ra trường, BV đa khoa tỉnh Nghệ An trả cao nhất chỉ 15 triệu đồng/tháng, nhưng các BV tư có thể trả 70 - 100 triệu đồng/tháng.

Đào tạo bác sĩ: Nghịch lý học phí và lương- Ảnh 3.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng hiện nay nhân viên y tế trong hệ thống công lập có nhiều áp lực, trong đó có nguyên nhân từ thực tế thu nhập chưa tương xứng và từ những công việc ngoài chuyên môn. Những người muốn ở lại làm việc trong hệ thống công lập, nếu không vì để cống hiến thì vì muốn có môi trường để học hỏi phát triển chuyên môn. Người càng giỏi càng có nhiều lựa chọn, nếu người giỏi rời khỏi hệ thống công lập thì cuối cùng lại bệnh nhân nghèo phải chịu thiệt thòi.

"Nói về thu nhập trong BV công lập, có thể nói chưa tương xứng so với công sức họ bỏ ra chứ không so với ngành nghề khác. Do đó, có thể nói 10 năm đầu tiên sau khi ra trường là giai đoạn 'dễ chạy' nhất của nhân viên y tế do thu nhập hạn hẹp trong khi phải làm nhiều việc", bác sĩ Khanh nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.