Như Thanh Niên đã thông tin, theo báo cáo của Bộ GTVT, tính đến giữa tháng 7, các đoàn kiểm tra của Bộ đã chuyển thông tin cho cơ quan công an 5 địa phương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với 6 cơ sở đào tạo lái xe có dấu hiệu gian lận trong đào tạo thực hành lái xe ô tô. Tại các cơ sở này có hiện tượng số phiên học trùng xe tập lái, trùng học viên cao bất thường, tiềm ẩn nguy cơ can thiệp vào dữ liệu, thiết bị DAT để gian lận trong dạy thực hành lái xe ô tô. Bên cạnh đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết đến nay đã khởi tố 200 bị can để điều tra về các hành vi sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm và sát hạch, đào tạo lái xe.
Lẽ ra nên làm lâu rồi!
Nhiều bạn đọc (BĐ) rất đồng tình với việc cần phải chấn chỉnh những sai phạm trong đào tạo, cấp giấy phép lái xe (GPLX) và cho rằng lẽ ra việc này phải làm từ rất lâu và làm thường xuyên. BĐ Trịnh Cường cho rằng đây là vấn đề "nóng", được nhiều người quan tâm. Theo BĐ này, "cần xem xét, chấn chỉnh ngay từ khâu đầu đến khâu cuối của quy trình đào tạo lái xe. Thực tế cho thấy có những người, cả nam lẫn nữ, chạy xe mà như chưa được đào tạo bài bản". BĐ Nguyễn Chí Hải bày tỏ: "Đồng ý là phải chấn chỉnh. Hãy để những người có đủ sức khỏe, đủ kiến thức giao thông và khả năng điều khiển phương tiện giao thông tham gia giao thông". BĐ Thanh Hien Vo Van cho biết: "Cần chấn chỉnh. Tôi thấy vẫn còn dư luận về việc "bao lý thuyết". Đề nghị các sở và Bộ GTVT kiểm tra kỹ lộ trình trên máy DAT xem đi có đúng lộ trình đăng ký hay không. Còn về giấy khám sức khỏe, nói thật, việc khám tại trường còn sơ sài lắm...".
Cùng quan điểm, BĐ Socrates kể: "Tôi học và thi GPLX B2 tại Trường C... và đã có GPLX nhưng tôi chưa từng được học một buổi lý thuyết nào (chủ yếu tôi tự học thông qua các kênh YouTube). Giáo viên dạy thực hành lái xe thì tôi cũng không biết là có bằng cấp gì không nhưng văn hóa lái xe rất thấp. Ông này bóp còi thường xuyên, bóp còi vô tội vạ. Có phải do những người thầy như này nên đào tạo bao thế hệ học viên sau này trở thành tài xế khi lưu thông trên đường cũng bóp còi vô tội vạ. Họ học như thế nào thì làm như thế ấy, không thể trách họ được!".
Xây dựng văn hóa giao thông
Nhiều BĐ cũng đặt ra vấn đề văn hóa giao thông, và mong muốn các trung tâm đào tạo lái xe, các giáo viên, học viên… phải quan tâm đúng mức đến vấn đề này. BĐ H.H.Thanh kể: "Tôi thấy điều đáng buồn là khi học lý thuyết, phần nói về đạo đức người lái xe, văn hóa giao thông, thầy giảng thì cứ giảng, nhiều học viên ở dưới cứ ngồi "chọt" điện thoại hoặc tán gẫu… vì cho rằng "không cần thiết!". Vậy nên khi xảy ra chuyện trên đường, anh có biết cách ứng xử đúng đâu, chỉ làm theo bản năng, đáng buồn!". BĐ Trịnh Cường thì bức xúc: "Chuyện không nhường đường, không tín hiệu khi ra - vào, chỗ nào thích là đậu… lại còn nói chỗ này không có biển cấm đậu, là chuyện thường ngày. Vậy cứ đường giao thông, đường nội bộ, gần giao lộ là phải cắm hết biển cấm đậu xe sao?".
Trong khi đó, BĐ Van Tien Ng. lại nhấn mạnh đến vai trò người thầy: "Theo tôi, vai trò người thầy trong các trung tâm đào tạo lái xe là rất quan trọng. Không chỉ giỏi về chuyên môn lái xe, người thầy này còn phải nghiêm túc, hiểu biết về văn hóa giao thông, nhiều kinh nghiệm về ứng xử… để dạy cho các học viên biết nghiêm khắc với bản thân và bao dung với người khác, biết cách ứng xử đúng luật và đầy tình người. Theo tôi, ở phần thi lý thuyết nên có những câu hỏi về văn hóa giao thông". BĐ Socrates cũng cho rằng: "Cần đào tạo bài bản cho các giáo viên dạy lái xe. Từ đó, các giáo viên dạy lái xe sẽ lan tỏa tới từng học viên để văn hóa giao thông hiện nay được cải thiện và giúp giảm thiểu tai nạn giao thông".
* Lái xe là một công việc có liên quan đến sinh mạng nhiều người. Do vậy cần phải được đào tạo bài bản, nghiêm túc, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực trong đào tạo lái xe.
Lien
* Hiện nay việc thi bằng lái quá rối. Đề nghị nhà báo lên tiếng giùm cho dân nhờ.
Huỳnh
* Đồng ý phải chấn chỉnh, cả việc thu - chi ở các trung tâm đào tạo lái xe nữa. Việc nợ lương giáo viên lâu thì cũng phải xử lý luôn.
Tuan Nguyen
Bình luận (0)