Đào tạo ngành dịch vụ, du lịch năm 2022 có gì mới?

02/03/2022 08:17 GMT+7

Những biến động trong cuộc sống, đặc biệt dưới sự tác động của dịch Covid-19 khiến xu hướng việc làm các ngành nghề cũng có sự thay đổi cho thích ứng. Từ đó, các trường ĐH cũng phải điều chỉnh chương trình, cách thức đào tạo.

Tiến sĩ Trương Thị Hồng Minh, Trưởng khoa Du lịch Trường ĐH Hoa Sen, cho hay trường có ngành quản trị sự kiện và kinh tế thể thao đào tạo hệ cử nhân. Năm nay trường có thêm ngành mới Hoa Sen Elite - chương trình “tinh hoa” đào tạo cử nhân ngành quản trị khách sạn.

Sinh viên ngành dịch vụ du lịch, nhà hàng- khách sạn trong giờ thực hành

đào ngọc thạch

Còn thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, cho hay với lợi thế kinh nghiệm sâu rộng khi đào tạo các ngành du lịch từ năm 1994, trường cũng có nhiều ngành mới, phù hợp nhu cầu của đông đảo học sinh trong năm nay.

Thạc sĩ Hoàng Thị Hòa, giảng viên, phụ trách truyền thông Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết trong năm 2022 nhà trường không có quá nhiều thay đổi trong cách thức tuyển sinh. Song, cô Hòa nhấn mạnh trong năm nay, các ngành quản trị du lịch và dịch vụ sẽ đưa nhiều hoạt động thực tế cho sinh viên.

Tiến sĩ Trần Thiện Lưu: “Với khối ngành này, các em nên chú ý học ngoại ngữ, phát triển kỹ năng”.

Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết năm nay trường tiếp tục tuyển sinh 3 ngành liên quan đến khối ngành này là du lịch, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, quản trị khách sạn. Trong ngành du lịch có 2 chuyên ngành là hướng dẫn du lịch và quản lý du lịch. Đặc biệt đây là năm thứ hai trường có chương trình xuyên ngành giữa du lịch và công nghệ thông tin là ngành du lịch số.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải: “Với dự báo và những chính sách chiến lược hiện nay của Chính phủ để phát triển du lịch thì các thí sinh nên yên tâm về việc làm với khối ngành này”.

Với Trường ĐH Duy Tân, theo thầy Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng nhà trường, chỉ tiêu cho khối ngành dịch vụ du lịch, nhà hàng - khách sạn là cao nhất, chiếm gần 500 trong tổng số 6.000 chỉ tiêu của trường.

Thạc sĩ Cao Quảng Tư: “Đại dịch vừa rồi như một đợt thanh lọc, nhiều người đam mê thật sự vẫn kiên trì với nghề nghiệp. Sau đại dịch, người ta đi du lịch nhiều hơn, vì thế cơ hội cho ngành này cũng nhiều hơn”.

Theo thầy Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, trường đào tạo 2 chuyên ngành quản trị khách sạn và quản trị du lịch. Từ ngày 1.3, trường chính thức nhận đơn đăng ký xét tuyển theo phương thức học bạ 5 học kỳ.

Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích: “Sự linh động của người làm du lịch rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay nên các trường cũng thay đổi cách đào tạo để sinh viên thích ứng khi ra trường”.

Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm thông tin - truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, thông tin liên quan đến khối ngành này, trường đào tạo 3 nhóm ngành: Quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Ngoài tiếng Anh, năm nay trường mở rộng nhiều chương trình thực tế cho khối ngành này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.