Trước đó, vào tháng 11.2021, Mỹ Anh là ca sĩ Việt Nam duy nhất tham dự trình diễn tại lễ hội âm nhạc Head in the clouds 2021 do 88rising - hãng thu âm, sản xuất danh tiếng của Mỹ, tổ chức, có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng.
Nữ ca sĩ vừa tròn 20 tuổi này đang là gương mặt nổi bật của thế hệ ca sĩ Gen Z hội nhập với âm nhạc thế giới, đã được đào tạo âm nhạc bài bản ngay từ nhỏ.
Ca sĩ Mỹ Anh biểu diễn trong chương trình Round music festival 2021 của Đài KBS (Hàn Quốc) |
TL |
Cần đi đường xa
Nhạc sĩ Anh Quân từng chia sẻ, dù biết Mỹ Anh có khả năng nhưng anh muốn con phải đủ “chín” mới để con bước ra thị trường âm nhạc. Ca sĩ Mỹ Linh cũng có quan điểm: việc đào tạo âm nhạc không thể một sớm một chiều mà phải là cả hành trình. Chị cho hay mình khác với những bậc cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái, mong muốn con ngay lập tức phải thành người nọ người kia mà tạo những áp lực quá lớn cho các con. Đó cũng là quan điểm của chị không chỉ ở vai trò của một người mẹ và mà còn ở vai trò của một người thầy tại Học viện Âm nhạc Young Hit Young Beat mà chị cùng chồng - nhạc sĩ Anh Quân và những thành viên của ban nhạc Anh Em xây dựng từ cuối năm 2014, hay Học viện The Rock & Pop Academy Hanoi mà chị vừa bắt tay cùng ca sĩ Thanh Bùi khởi dựng.
Từng làm giám khảo chương trình Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên (2013), nhưng sau đó, ca sĩ Thanh Bùi đã không nhận lời tham gia thêm chương trình tìm kiếm tài năng ca hát nào dành cho trẻ em. “Tôi nghĩ những show như vậy không mang lại giá trị lâu dài. Sau chương trình, các em sẽ có gì? Đó là câu hỏi quan trọng cần trả lời”, Thanh Bùi nói và cho biết việc anh quan tâm đến giáo dục âm nhạc (anh là nhà sáng lập Viện Giáo dục nghệ thuật Việt Nam/VIA Education) thực ra không phải hướng đến việc tìm kiếm những “ngôi sao” mà là những người học trò của âm nhạc. “Một người thầy hay một nhà giáo dục cần phải nhìn thấy tiềm năng trong những học trò của mình. Và với những tiềm năng đó, họ cần biết tiếp cận, đào tạo các em như thế nào để phát huy những điểm mạnh của mình. Đó mới là cách giúp các em thực sự phát triển”, anh bày tỏ.
Thanh Bùi kể năm lên 5 tuổi, anh giống như nhiều đứa trẻ khác ở Úc, được tặng một cây guitar. “Tại Úc, trẻ em được học âm nhạc không phải như một bộ môn học bổ trợ mà là môn học không thể thiếu. Một học sinh giỏi về toán không được đánh giá cao hơn học sinh về nghệ thuật. Được học âm nhạc sẽ giúp những đứa trẻ mở ra bầu trời sáng tạo”, Thanh Bùi nhìn nhận, chỉ khi nền giáo dục, nhà trường, phụ huynh hay các em học sinh nhận ra được sự quan trọng của giáo dục âm nhạc, từ đó, việc đào tạo âm nhạc được phổ cập, bài bản hơn tại Việt Nam thì mới mong có nhiều hơn những tài năng âm nhạc. Đó cũng là con đường xa cần phải đi.
Ca sĩ Mỹ Anh biểu diễn trong chương trình Round music festival 2021 của Đài KBS (Hàn Quốc) |
TL |
Khi có nhiều giải đấu, “ngôi sao” sẽ xuất hiện
Sau thời gian học tập tại châu Âu, nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh về nước tập trung phát triển trường Âm nhạc Inspirito. Nơi đây cũng có sự góp sức của nhiều nghệ sĩ trẻ được đào tạo âm nhạc cổ điển bài bản từ phương Tây trở về Việt Nam giống như anh. “Thế hệ chúng tôi may mắn hơn thế hệ đi trước khi có điều kiện học tập nhiều hơn ở nước ngoài, hấp thụ nền giáo dục âm nhạc của phương Tây. Bởi vậy, chúng tôi muốn những thế hệ sau mình và ngay từ những em nhỏ được giáo dục âm nhạc, được đưa âm nhạc vào trong mình sớm nhất”, nghệ sĩ Lưu Đức Anh nói. Vừa qua, trường Âm nhạc Inspirito kết hợp với Viện Giáo dục nghệ thuật Việt Nam đưa giáo trình quốc tế vào trong việc giảng dạy piano, violin, cello, kèn oboe, trumpet, hòa tấu, cảm thụ âm nhạc, lý thuyết âm nhạc… Bên cạnh đó, mỗi học viên hay mỗi em nhỏ tham gia đào tạo được phát triển tiềm năng vốn có để trở thành “phiên bản đặc biệt và tốt nhất của chính mình”.
Theo ca sĩ Mỹ Linh, ở bất cứ nền văn hóa nào, nếu sử dụng âm nhạc như kênh để phát triển văn hóa thì luôn cần những người truyền cảm hứng, hay là những “ngôi sao”. “Nhưng chúng ta không thể lên kế hoạch trước rằng sẽ tạo ra người này, hay người kia, mà chỉ có thể thấy được con đường cần đi. Giống như việc nếu có nhiều giải đấu phong trào, chúng ta sẽ có những cầu thủ chuyên nghiệp, và khi có lực lượng đó rồi thì chúng ta sẽ có cơ hội tham gia những giải đấu lớn. Khi chúng ta thực sự quan tâm đến những giải đấu đó thì những “ngôi sao” sẽ từ từ xuất hiện. Âm nhạc cũng vậy”, chị nói và cho biết cách đây hơn 1 năm, Mỹ Anh hay ngay cả vợ chồng chị không thể biết trước những điều mà nữ ca sĩ trẻ này sẽ có. “Bởi vậy, tôi nghĩ việc cần quan tâm nhất là giáo dục phát triển âm nhạc ngay từ lứa tuổi nhỏ. Từ đó, chúng ta sẽ có thêm nhiều người truyền cảm hứng, những “ngôi sao” khác xuất hiện”, ca sĩ Mỹ Linh bày tỏ.
Ca sĩ Thanh Bùi cho rằng, trong số những em nhỏ được đào tạo âm nhạc bài bản từ nhỏ có thể chỉ 1% sẽ trở thành những “ngôi sao”, nhưng điều quan trọng hơn là khi âm nhạc Việt Nam ngày càng được chuẩn hóa, được “quốc tế hóa” thì những thế hệ sau đây khi bước ra thế giới sẽ “không bị lép vế” khi đã có tiếng nói chung, bởi thực tế, âm nhạc đã trở thành văn hóa toàn cầu. “Từ việc chuẩn hóa này, xa hơn chúng ta có thể nghĩ đến những tài năng đem âm nhạc Việt Nam, văn hóa Việt Nam ra thế giới, và tiếp nữa là đóng góp cho âm nhạc thế giới”, Thanh Bùi nói.
Bình luận (0)