Trước vấn nạn tin giả, tháng 7.2021, Bộ TT - TT có công văn gửi các Bộ ngành và UBND tỉnh, thành về việc tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên mạng xã hội.
Bộ TT - TT đề nghị khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật, lực lượng công an, các lực lượng có liên quan cần kịp thời xác minh đối tượng phát tán tin giả, phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ TT - TT để thẩm định nguồn tin, công bố, cảnh báo tin giả, tin sai sự thật và xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên địa bàn.
Trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, đề nghị phối hợp với Bộ TT - TT, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn nội dung vi phạm trên không gian mạng.
Về hoạt động thông tin trên không gian mạng, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT - TT TP.HCM đề nghị người dân thành phố không cung cấp, chia sẻ, phát tán những thông tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang cho xã hội và ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19. “Nếu vi phạm, quan điểm của thành phố là xử lý nghiêm”, ông Thắng khẳng định.
|
“Phạt tù những người cố tình tung tin giả để tạo sự răn đe”
Về biện pháp xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm, luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) khẳng định việc tạo dựng và chia sẻ tin giả là hành vi vi phạm pháp luật.
Về xử lý hành chính, luật sư Nghiêm cho biết tùy theo mức độ vi phạm của hành vi cụ thể, những cá nhân tạo dựng, chia sẻ tin giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 - 10 triệu đồng đối với cá nhân (tổ chức gấp đôi so với cá nhân vi phạm), căn cứ Nghị định 15/2020 của Chính phủ. Tuy nhiên, đối với những KOL (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội - PV) và người nổi tiếng, nếu chưa thẩm định thông tin, phát tán tin giả thì phải xử lý mạnh, cao nhất so với quy định, để hạn chế, ngăn ngừa việc phát tán.
Về xử lý hình sự, theo luật sư Nghiêm, căn cứ Công văn số 45 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch Covid-19, người tung tin giả, xuyên tạc bị xử lý về tội “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính viễn thông” theo quy định tại điều 288, bộ luật Hình sự 2015 - sửa đổi bổ sung năm 2017 (khung hình phạt sẽ là phạt tiền từ 30 triệu đồng; hoặc phạt tù đến 7 năm); hoặc tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại điều 174, bộ luật Hình sự 2015 - sửa đổi bổ sung năm 2017.
“Do vậy, các cơ quan chức năng liên quan cần xử lý nhanh, có án điểm, phạt tù những người cố tình tung tin giả để tạo sự răn đe, phòng ngừa. Nếu chỉ xử lý hành chính, phạt vài ba triệu đồng rồi cho qua, thì “dịch” tin giả sẽ lờn luật”, luật sư Nghiêm nói.
Nhận định về tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh, nhưng việc tin giả, tin sai sự thật hoành hành, gây lo lắng, hoang mang cho người dân, luật sư Hà Hải (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng cơ quan chức năng liên quan cần càn quét mạnh hơn nữa để xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm. Có thể công bố, công khai tin giả cũng như xử lý người vi phạm cập nhật hàng ngày khi xác minh cụ thể, để người dân nắm rõ.
“Và trong bối cảnh này thì cơ quan chức năng cũng nên xử phạt ở mức tối đa đối với người vi phạm, để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung”, luật sư Hà Hải nói.
|
Tin giả nhưng hệ lụy thật
Vì sao tin giả “bùng nổ”? Vì sao tin giả lan truyền tốc độ chóng mặt trên không gian mạng? Người tham gia mạng xã hội cần tỉnh táo ra sao để không bị sập bẫy tin giả?
Tiến sĩ tâm lý học Đào Lê Hòa An, Giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học tâm lý JobWay, nhìn nhận hiện nay môi trường internet, smartphone, mạng xã hội Facebook, YouTuber, TikTok… phát triển nên việc tiếp nhận thông tin rất nhanh chóng, nhưng thông tin trên mạng xã hội không được kiểm chứng rõ ràng. Mặc dù thông tin tiếp cận nhanh nhưng vấn đề rất nguy hiểm trong việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, là có nhiều thông tin sai lệch, tin giả, tin thất thiệt ngày càng nhiều.
Lý giải lý do tại sảo tin giả ngày càng nhiều, tiến sĩ Hòa An cho rằng, vì đây là chủ đề được nhiều người đều quan tâm, trong khi tin thật chưa kịp đưa để có thể làm thỏa mãn nhu cầu nắm bắt tin tức của người dân. Việc tin đồn xuất hiện và lan truyền, thêm mắm dặm muối rồi trở thành tin không chính thống là điều tất yếu xảy ra. Người nắm được tin giả nhưng không kiểm chứng lại nghĩ mình đang có tin nóng (vì rất nhiều người quan tâm) lại chia sẻ ngay lập tức qua mạng xã hội, tạo thành một “thế trận” thông tin khổng lồ chưa qua xác minh.
Ở góc độ tâm lý học, tiến sĩ Hòa An cho rằng việc tin giả lan truyền trên mạng xã hội hiện nay tác động rất nhiều đến nhận thức, tình cảm và hành động của người dân. Bởi tin giả chắc chắn được tạo ra nhằm một mục đích không tốt, hòng định hướng dư luận theo ý đồ nào đó của người tung tin (tạo dư luận, trục lợi cá nhân, lừa đảo hay muốn nổi tiếng...). Vì là tin giả, nên người tung tin có thể xào nấu, thêm mắm dặm muối, chỉnh sửa, tạo tác thông tin sao cho hấp dẫn nhất, bi thương nhất, phù hợp với thị hiếu, sự tò mò; cũng như đánh vào một số nỗi lo lắng, băn khoăn, lòng thương người của mọi người.
“Điều đó chắc chắn tác động đến tình cảm, nhận thức để người dân có thể phản ứng bằng những hành động sai lệch dựa trên những nguồn thông tin thiếu kiểm chứng”, tiến sĩ Hòa An nhận định.
Đừng để thông tin giả trở thành “ông chủ” của mìnhTheo tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm, cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn nữa để triệt nạn tin giả trên mạng xã hội và người dùng mạng xã hội phải kiểm chứng thông tin trước muôn vàn thông tin trên mạng.
Trong khi đó, theo khuyến nghị của tiến sĩ Đào Lê Hòa An, với người sử dụng mạng xã hội, hãy thay đổi thói quen “tin sái cổ” vào bất kỳ thông tin nào trên mạng xã hội. Hãy biết kiểm chứng thông tin. Hãy yêu thích (like), bình luận (comment), chia sẻ (share) một cách có trách nhiệm. Đồng thời, hãy học cách làm chủ thông tin (kiểm chứng, tìm hiểu ở những nguồn uy tín…) chứ đừng để thông tin giả trở thành “ông chủ” của mình.
|
Bình luận (0)