Đập Tam Hiệp bị nghi ngờ năng lực giữa đợt lũ kỷ lục ở Trung Quốc

14/07/2020 14:51 GMT+7

Giới chuyên gia đang tỏ ra hoài nghi về năng lực kiểm soát lũ của đập Tam Hiệp trong bối cảnh Trung Quốc đang hứng chịu mùa lũ lụt nghiêm trọng nhất trong vài chục năm qua.

Trung Quốc đang trải qua mùa mưa lũ nghiêm trọng với lượng mưa trung bình tại lưu vực sông Dương Tử đã đạt mức kỷ lục từ năm 1961, theo Tân Hoa xã. Nhà chức trách đã ban bố mức ứng phó lũ khẩn cấp lên sát mức cao nhất.
Đợt thiên tai đã đặt ra những dấu hỏi về vai trò của đập Tam Hiệp, dự án thủy điện lớn nhất thế giới, nằm trên thượng nguồn sông Dương Tử đoạn qua thị trấn Tam Đẩu Bình, tỉnh Hồ Bắc.

Mưa lũ ngày càng nghiêm trọng tại Trung Quốc, vai trò của đập Tam Hiệp bị nghi ngờ

Thứ trưởng Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc Diệp Kiến Xuân ngày 13.7 cho rằng các con đập trên cả nước, đặc biệt là đập Tam Hiệp đã hoạt động hiệu quả trong việc kiểm soát lũ năm nay, theo Reuters. Ông Diệp nói đập Tam Hiệp đang chứa 2,9 tỉ m3 nước.
Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc ngày 13.7 công bố dữ liệu cho thấy mực nước trong hồ chứa của đập Tam Hiệp đã đạt mức 153,2 m, cao hơn 6,7 m so với mức cảnh báo lũ. Công ty điều hành đập hôm 11.7 cho biết lượng nước trong hồ chứa của con đập đã đạt 88% tổng dung tích.

Nước trong hồ chứa của đập Tam Hiệp được cho là đang đạt 88% dung tích

Reuters

Trong khi đó, lượng xả lũ của đập cũng được điều chỉnh giảm xuống khoảng một nửa, còn 19.000 m3/giây nhằm giảm áp lực lũ tại các vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử. Tuy nhiên, nhiều khu vực ở hạ nguồn sông như hồ Động Đình, hồ Bà Dương đang có mực nước cao kỷ lục.
Ông Phạm Hiểu, nhà địa chất học Trung Quốc từ lâu phản đối các dự án thủy điện lớn, cho rằng sức chứa của đập Tam Hiệp chỉ chiếm chưa đầy 9% lượng nước lũ, theo Reuters. Ông Phạm phân tích rằng đập Tam Hiệp chỉ có thể ngăn chặn một phần và tạm thời lũ ở vùng thượng nguồn và đóng góp rất ít trong việc kiểm soát lũ gây ra do mưa lớn ở trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử.

Đập Tam Hiệp ngăn nước nhưng vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử đang bị lũ lụt nghiêm trọng. Ảnh chụp sông Dương Tử qua thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc ngày 8.7

AFP

Theo ông Phạm, giới hoạch định đã bỏ qua năng lực điều tiết lũ tự nhiên của các con sông và hồ nước khi cho xây đập thủy điện để kiểm soát lũ.
Tương tự, nhà địa lý học David Shankman, chuyên nghiên cứu về lũ lụt Trung Quốc tại Đại học Alabama (Mỹ), cho rằng các trận lũ ngày càng dữ dội hơn do vùng đồng bằng ở hạ lưu ngày càng bị thu hẹp.
Bên cạnh đó, ông Shankman nói rằng đập Tam Hiệp chỉ có thể giúp giảm nhẹ các trận lũ bình thường và ít hiệu quả trong những trận lũ lớn. “Một trong những chức năng chính của đập Tam Hiệp là kiểm soát lũ nhưng chưa đầy 20 năm sau khi nó hoàn thành, chúng ta chứng kiến trận lũ lớn nhất trong lịch sử. Thực tế là con đập không thể ngăn chặn những tình huống nghiêm trọng này”, ông Shankman nhận định.
Chính quyền Trung Quốc gần đây cũng thừa nhận rằng không thể chỉ dựa vào đập Tam Hiệp để điều tiết lũ cho cả vùng đồng bằng sông Dương Tử. Một số nhà phân tích được truyền thông nước này dẫn lời nhận định rằng đỉnh lũ vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 sẽ là bài kiểm tra thật sự cho đập Tam Hiệp và hệ thống ứng phó thảm họa chung.

Đập Tam Hiệp: 90 năm từ ý tưởng đến hiện thực và những con số "khủng"

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.