Đoàn giám sát Quốc hội vừa có báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.
Theo đoàn giám sát, việc quản lý, sử dụng nhà, đất, trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số bộ, ngành, địa phương không đúng quy định, thiếu chặt chẽ, không hiệu quả, còn nhiều lãng phí, thất thoát.
Dự án tái định cư bị hoang hoá tại TP.HCM năm 2020 |
đình sơn |
Công tác sắp xếp lại nhà, đất, trụ sở làm việc của các bộ, ngành, địa phương và khối doanh nghiệp còn chậm, chưa hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát. Số lượng nhà, đất chưa được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý còn khá lớn.
Việc xử lý, sắp xếp các trụ sở cũ; sắp xếp, xử lý nhà, đất và huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để tạo nguồn vốn đầu tư chưa hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát.
Đơn cử, trụ sở làm việc cũ của Thanh tra Chính phủ tại 220 Đội Cấn (Q.Ba Đình, Hà Nội) với diện tích gần 7.000 m2. Từ năm 2009, Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc và Bộ Tài chính cũng đã có hướng dẫn bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhưng đến nay sau 13 năm vẫn chưa xử lý dứt điểm trụ sở này.
Hàng loạt dự án của Tập đoàn Bảo Việt làm chủ đầu tư bị bỏ hoang, chậm tiến độ, bị thanh tra trên địa bàn TP.Hà Nội, gồm: Dự án Tháp tài chính quốc tế IFT địa chỉ 220 Trần Duy Hưng (P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy); dự án Văn phòng cho các Hiệp hội Hà Nội (tên thương mại Seven Star) tại lô đất D27 2,2 ha (Q.Cầu Giấy); dự án Nhà ở cao tầng để bán thị trấn Văn Điển (H.Thanh Trì)…
Tình trạng đầu tư xây dựng, sử dụng trụ sở sai mục đích, đầu tư xây dựng trụ sở vượt quá khả năng cân đối nguồn vốn, vượt tiêu chuẩn, định mức để lãng phí, nhưng chưa được xử lý dứt điểm.
Đất công bị lấn chiếm, bộ ngành chậm xử lý
Đáng chú ý, qua giám sát cũng cho thấy, một số bộ, cơ quan T.Ư, địa phương chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm, tranh chấp về nhà, đất kéo dài qua các năm, chưa hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.
Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện liên doanh, liên kết, cho thuê, mượn đất không đúng quy định; thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa dứt điểm, hiệu quả sử dụng tài sản nhà, đất chưa cao. Việc quản lý, sử dụng đất, tài sản tại một số bộ, ngành, cơ quan T.Ư và địa phương không đúng quy định, thiếu chặt chẽ và không hiệu quả.
Đoàn giám sát cũng nêu dẫn chứng một số trụ sở của các đơn vị trực thuộc Bộ KH-CN sử dụng chung với các đơn vị bên ngoài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết triệt để. Hay Đại học Quốc gia Hà Nội chưa thu hồi 34 phòng ở của cán bộ giáo viên với diện tích gần 1.100 m2 để bàn giao cho Trung tâm Nội trú sinh viên; tại địa chỉ 182 Lương Thế Vinh có 6 hộ đang sử dụng 285,6 m2 đất làm nhà ở; diện tích 9 m2 tại 19 Lê Thánh Tông đang bị lấn chiếm.
Đặc biệt, Đại học quốc gia TP.HCM bị chiếm dụng tới 1,62 triệu m2, là đất của các hộ dân trong khu quy hoạch tại Thủ Đức...
Nhiều đơn vị sự nghiệp công lập đang sử dụng tài sản công với mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án, thậm chí có đơn vị đánh giá không hiệu quả về tài chính song vẫn trình cơ quan chuyên môn thẩm định đề án...
Hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang
Đáng nói, theo đoàn giám sát, việc xác định nhu cầu đầu tư các dự án nhà ở tái định cư không phù hợp, vượt quá yêu cầu đề ra. Theo báo cáo 313/BXD tháng 8.2022 của Bộ Xây dựng, một số địa phương có nhà ở tái định cư được hình thành từ trước khi có luật Nhà ở, nhưng đến nay vẫn chưa bố trí được cho người dân do nhà ở tái định cư xuống cấp.
Thậm chí, có trường hợp như dự án giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) đề xuất xây dựng 2 khu tái định cư gồm: khu Lộc An - Bình Sơn và khu Bình Sơn. Nhưng sau 4 năm triển khai thực hiện, tỉnh lại đề xuất chỉ cần khu Lộc An - Bình Sơn (diện tích 282 ha) là đủ để bố trí tái định cư, nên xin dừng triển khai khu tái định cư Bình Sơn.
Theo đoàn giám sát Quốc hội, nhiều nhà tái định chưa đưa vào sử dụng hoặc không còn nhu cầu sử dụng, bỏ hoang, đang xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, Hà Nội vẫn còn 1.947 số căn hộ trống/17.863 căn nhà tái định cư chưa có quyết định bán nhà, 489 căn hộ chưa có phương án bố trí.
TP.HCM cũng có hàng ngàn căn hộ tái định cư ở các dự án đang bỏ hoang, thưa thớt người ở, còn 1.274 căn hộ và 1.303 nền đất dùng làm quỹ dự phòng, có 4.927 căn hộ và 41 nền đất đang làm thủ tục bán đấu giá. Việc xác định giá trị để giao tài sản kết cấu hạ tầng quốc gia cho đối tượng quản lý còn rất chậm, dẫn đến thất thoát, lãng phí, thất thu ngân sách nhà nước.
Việc quản lý sử dụng nhà chuyên dùng, các cơ sở hoạt động sự nghiệp; nhà đất công vụ; công trình phúc lợi công cộng còn nhiều lãng phí, thất thoát. Chỉ riêng số liệu của TP.Hà Nội vẫn còn 2 địa điểm bị lấn chiếm, trên 35.343 m2 diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 các nhà chung cư tái định cư còn trống; chưa ký hợp đồng thuê nhà với một số đơn vị; đối với nhà chuyên dùng thuộc sở hữu nhà nước của thành phố có 63 địa điểm nhà trống; 18 địa điểm đang có phát sinh các vi phạm về mục đích, đối tượng sử dụng nhà, nợ đọng tiền thuê nhà, tự ý cải tạo; 359 địa điểm còn tồn tại vướng mắc, vi phạm...
Nguyên nhân được đoàn giám sát chỉ ra do công tác quản lý bị buông lỏng trong thời gian dài, không kịp thời xử lý triệt để các vướng mắc, dẫn đến các tổ chức, cá nhân lấn chiếm quá lâu, khó khăn trong việc thu hồi, sắp xếp.
Nhiều tổ chức, cá nhân cố tình chây ì, tiếp tục đề xuất phương án giữ lại các cơ sở nhà, đất tiếp tục sử dụng không đúng mục đích.
Một số cơ quan, đơn vị quản lý tài sản chưa quan tâm đến việc triển khai thực hiện phương án sắp xếp đã được phê duyệt, đẩy nhanh phương án phê duyệt; quyết liệt xử lý các khó khăn, vướng mắc.
“Để xảy ra các sai phạm trong việc chậm sắp xếp lại, quản lý, sử dụng các cơ sở, nhà đất, tài sản công trên đây trách nhiệm chính là của các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và trực tiếp thuộc về người đứng đầu”, đoàn giám sát chỉ rõ.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, các bộ chuyên ngành có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ trong việc quản lý, sử dụng tài sản công cũng phải chịu trách nhiệm trong việc chưa thường xuyên kiểm tra, chưa trình các cơ chế, chính sách để giải quyết các vướng mắc phát sinh...
Xe công bị sử dụng sai mục đích, vượt định mức
Kết quả giám sát cho biết, vẫn còn xảy ra hiện tượng mua sắm và sử dụng tài sản công là phương tiện đi lại. Cụ thể như Công an H.Tri Tôn (An Giang) sử dụng xe ô tô không đúng mục đích trang bị. Các báo cáo kiểm toán nhà nước năm 2019, 2020 cũng cho hay, Bộ Công thương sử dụng 13 xe ô tô vượt định mức; một số đơn vị thuộc Bộ Y tế sử dụng 22 xe ô tô vượt định mức.
Nhiều đơn vị cũng sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc, đầu tư xây dựng, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không đúng mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, một số đơn vị được kiểm toán có số xe ô tô vượt định mức. Đơn cử năm 2016, sau khi rà soát có 2.334 xe dôi dư theo công văn 743 của Bộ Tài chính, tuy nhiên, đến tháng 3.2017 mới chỉ có 23/28 bộ, cơ quan T.Ư và 19/50 địa phương báo cáo về Bộ Tài chính phương án xử lý. Năm 2018, Bộ NN-PTNT có 101 xe dùng chung, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có 167 xe, Bộ Nội vụ có 4 đơn vị sử dụng vượt định mức 15 xe; Tòa án Nhân dân tối cao có một số đơn vị sử dụng vượt định mức 14 xe...
Bình luận (0)