Đất là chuyện của muôn đời

02/07/2012 10:47 GMT+7

Những trăn trở của các thế hệ người nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long qua những biến động không ngừng của đất đai... sẽ được tái hiện qua 49 tập phim Đất mặn.

Đất mặn phát sóng lúc 17g30 hằng ngày trên HTV9, bắt đầu từ hôm nay 2-7.

 Đất là chuyện của muôn đời - Quốc Thái (vai Tư Dương) và Lê Phương (Cúc) trong phim Đất mặn
Quốc Thái (vai Tư Dương) và Lê Phương (Cúc) trong phim Đất mặn - Ảnh: TFS

Từ kịch bản được thai nghén nhiều năm trước của tác giả Võ Đắc Dự, đạo diễn Tường Phương đã dành hơn hai năm cho bộ phim để có được sản phẩm cuối cùng. Ông có cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ:

* Trong lúc nhiều đạo diễn ngán làm phim về đề tài nông thôn vì những cái khó mà đề tài này mang lại, ông lại là người lao vào. Hay ông có tâm sự nào đó muốn gửi gắm đến khán giả?

- Làm phim về nông thôn không chỉ khó mà gian khổ nữa. Thời tiết, nông vụ, nhà cửa, ghe xuồng và thủy triều..., rồi những thiếu thốn về nhân sự làm nghề. Tất cả luôn là một áp lực cho người làm phim trong hoàn cảnh hiện nay chứ không chỉ riêng tôi.

Còn chuyện gửi gắm, tôi không muốn áp đặt vào khán giả kiểu như “thông điệp muốn gửi tới...” mà luôn tự hỏi hình tượng mà mình xây dựng trong bộ phim có đủ sức tạo ra một niềm cảm thông lan tỏa đến khán giả về một vấn đề cụ thể nào đó xảy ra trong cuộc sống, để rồi từ đó mỗi người sẽ rút ra một kinh nghiệm tự thân mà họ cho là có ý nghĩa hay không có ý nghĩa mà thôi.

Và ở đây lại là câu chuyện của “đất”, mà đất luôn là chuyện của muôn đời. Nói cho cùng thì lịch sử của đất nước mình cũng chính là lịch sử của công cuộc mở đất và giữ đất, của những quan niệm khác nhau về sở hữu và quản lý đất như thế nào đấy thôi. Nó diễn ra hằng ngày và tác động trực tiếp tới mỗi con người chúng ta. Vì vậy, tôi tin khi mình làm bộ phim thật chân thật về những vấn đề đặt ra trong hiện thực cuộc sống sẽ được khán giả chấp nhận và sẻ chia.

* Đề cập đến quãng thời gian trải dài từ thời xa xưa, khi những người dân Ngũ Quảng đi khai hoang vùng tây sông Hậu, rồi thời Pháp thuộc, bao cấp cho đến nay. Nhiều sự kiện như vậy có làm khán giả nặng nề?

- Kể chuyện như thế nào để bộ phim được chấp nhận luôn là vấn đề bận tâm hàng đầu của bất kỳ đạo diễn nào. Đó là vấn đề thủ pháp, là hình thức thể hiện nội dung câu chuyện. Vì vậy mà cách kể chuyện trong phim này không trải theo thứ tự thời gian mà là đồng hiện giữa quá khứ và hiện tại, xen lẫn những ký ức của từng nhân vật. Còn có nặng nề hay không lại là do lượng thông tin mang tới cho khán giả có phong phú hay không.

Thiếu lượng thông tin, thiếu hợp lý trong việc xây dựng tính cách chiều sâu của mỗi nhân vật, mối quan hệ giữa các nhân vật hay diễn biến các sự kiện thì có là phim tình yêu vẫn cứ mang tới cho khán giả cảm giác nặng nề.

 Đạo diễn Tường Phương
Đạo diễn Tường Phương - Ảnh: TFS

* Vì sao ông đặt tên phim là Đất mặn? Chữ “mặn” ở đây được hiểu như thế nào, thưa ông?

- Ở gần cuối phim, nhân vật Sáu Trung đã tự nhận ra điều mà trước đó ông không hề nhận ra, về lão nông tri điền Ba Mạnh và về những người nông dân khác: Đất mặn vì giọt mồ hôi của tiền hiền khai khẩn, của hậu hiền khai cơ và máu của những người đã nằm xuống để đất nước không bị rơi vào tay giặc ngoại xâm...

Là nói vậy thôi, chứ tôi tin khi xem phim ai cũng hiểu nghĩa bóng của cụm từ này.

Biên kịch Võ Đắc Dự đã hình thành kịch bản phim Đất mặn dựa theo những bài ký sự trong các tập Đồng cỏ chát, Nỗi niềm U Minh Hạ của nhà báo Võ Đắc Danh, tập trường ca Đồng của nhà thơ Nguyễn Trọng Tín... Thông qua hai nhân vật Ba Mạnh (Thạch Kim Long đóng) và Sáu Trung (Mạnh Hùng) - hai người bạn của thời chiến, bộ phim là những câu chuyện đan chéo nhau của những mảnh đời, những số phận nông dân trải dài qua bốn thế hệ...

 

Theo Hoàng Lê / Tuổi Trẻ

>> Lindsay Lohan làm khách mời phim truyền hình "Glee
>> Dán nhãn cho phim truyền hình
>> Phim truyền hình 2012 - Cuộc chơi của các đại gia
>> Tín hiệu vui cho phim truyền hình Việt
>> Ra mắt phim truyền hình "Oan nghiệt
>> Phim truyền hình Việt tưng bừng lên sóng
>> Diễn viên Việt thử sức với phim truyền hình Áo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.