Sau trận mưa lớn từ sáng, đến chiều 29.7, tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thuỵ, trời hửng nắng để đúng 14 giờ, lễ truy điệu và tiễn đưa di cốt của đại tá, liệt sĩ phi công Phạm Giang Nam đến an táng tại Nghĩa trang huyện Thái Thuỵ đươc tổ chức.
[VIDEO] Liệt sĩ hy sinh trên máy bay SU-22 yên nghỉ nơi đất mẹ
|
Trong diễn văn truy điệu, đại tá Hoàng Trung Kiên, Phó chính uỷ Sư đoàn không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân bày tỏ niềm tiếc thương của đồng chí, đồng đội đối với liệt sĩ phi công Phạm Giang Nam: “Có mơ ước và sự say mê với nghề phi công, được đào tạo bài bản, là người cán bộ mẫu mực, sự hy sinh của đại tá Phạm Giang Nam là một mất mát lớn đối với lực lượng không quân. Chúng tôi cũng bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc đối với gia đình đại tá Phạm Giang Nam, khi mất đi một người con, người chồng, người cha”...
Không kìm được tiếng nấc, ông Phạm Văn Mỹ (70 tuổi), cha phi công Phạm Giang Nam nức nở: “Lá vàng phải khóc lá xanh. Tôi đâu có ngờ một ngày phải tiễn con đi trước về nơi chín suối”. Nhưng là người lính từng kinh qua trận mạc, có 48 năm tuổi Đảng, ông Mỹ cũng có niềm tự hào riêng về con mình: “Con tôi đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Cái chết của Nam dù là mất mát to lớn với gia đình, nhưng cũng là sự đóng góp cho đất nước. Gia đình tôi tự hào vì có một người con như thế”, ông Mỹ nói.
Ông Mỹ và gia đình cũng không quên bày tỏ sự cảm kích đối với Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và đơn vị của liệt sĩ Phạm Giang Nam đã ghi công, thăng hàm, nhanh chóng hoàn tất thủ tục công nhận liệt sĩ và tổ chức chức lễ truy điệu, lễ tang cho anh Nam một cách trọng thể nhất.
Trong lễ truy điệu, mọi người cũng xót xa khi chứng kiến 2 cháu bé mới chỉ 4 và 2 tuổi khóc, hỏi: “Bố Nam đâu?”. Vợ liệt sĩ Nam, chị Phan Minh Trang thì ngồi cạnh di cốt của chồng, lẩm nhẩm nói chuyện với anh như người phi công chỉ đang ngủ.
[VIDEO] Lễ truy điệu 2 liệt sĩ tại Nghệ An - Video tư liệu
|
Sau nghi thức chào vĩnh biệt đồng đội của đội kiêu binh, di cốt của liệt sĩ Phạm Giang Nam được xe lễ tang quân đội đưa đến Nghĩa trang liệt sĩ huyện Diêm Diền để tổ chức an táng. Cùng với hàng trăm đồng đội của anh Nam, hầu hết người dân sinh sống ở thị trấn Diêm Điền đều xuống đường tiễn đưa anh, khiến đám tang kéo dài cả cây số.
Lúc 15 giờ chiều, lễ an táng hoàn tất. Đúng như nguyện vọng của gia đình, liệt sĩ Phạm Giang Nam đã được trở về với đất mẹ quê hương...
|
|
|
|
|
|
|
Trước đó, khoảng 12 giờ ngày 26.7, trong khi bay huấn luyện chiến đấu, máy bay phản lực Su-22 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân đã bị rơi ở xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, làm 2 phi công hy sinh. Đó là trung tá Khuất Mạnh Trí (40 tuổi, quê ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 921 và thượng tá Phạm Giang Nam (46 tuổi, quê ở xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), Chủ nhiệm an toàn bay Trung đoàn 921 .
Ngày 27.7, Bộ trưởng bộ Quốc phòng đã ký quyết định truy thăng quân hàm sĩ quan từ thượng tá lên đại tá đối với phi công Phạm Giang Nam; từ trung tá lên thượng tá với phi công Khuất Mạnh Trí. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định cấp bằng “Tổ quốc ghi công” cho 2 liệt sĩ phi công.
Ngày 28.7, lễ truy điệu tại Nhà tang lễ Quân khu 4, tối cùng ngày di cốt của liệt sĩ phi công Phạm Giang Nam đã được đưa về quê hương Thái Thụy, nơi anh đã sinh ra và lớn lên.
Bình luận (0)