Đất Nam bộ xưa qua nghiên cứu của người Hàn Quốc

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
28/09/2019 09:00 GMT+7

Những chuyện 'thâm cung bí sử', phản ứng của địa phương trong quá trình chuyển biến nền chính trị - hành chính cũng như nét đặc thù về lịch sử, văn hóa , kinh tế, cư dân Nam bộ xưa... đã được chuyên gia VN học Choi Byung-wook (ĐH Inha, Hàn Quốc) hé lộ qua cuốn sách Vùng đất Nam bộ dưới triều Minh Mạng (1820 - 1841), do Omega+ và NXB Hà Nội ấn hành.

Bất hòa Minh Mạng - Lê Văn Duyệt

 
Địa danh Gia Định, theo tác giả Choi Byung-wook, “lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử miền đất phía nam vào năm 1698. Năm đó, một phủ có tên Gia Định được thành lập để cai trị vùng ngoại ô của nhà Nguyễn (quanh khu vực nay là Biên Hòa và Sài Gòn). Tuy nhiên phải đến cuối thế kỷ 18, Gia Định mới bắt đầu tiêu biểu cho vùng đất trải dài từ Biên Hòa đến Hà Tiên. Năm 1788, sau hàng loạt thất bại trong nỗ lực chiếm đóng và củng cố Nam bộ, cuối cùng Nguyễn Phúc Ánh cũng thiết lập được căn cứ địa ở xung quanh Sài Gòn. Từ năm nay trở đi, Gia Định được xem là đơn vị để kháng lại sự sáp nhập vào lãnh thổ của nhà Tây Sơn” và những cái tên “người Gia Định”, “quân Gia Định”, “đất Gia Định”… bắt đầu xuất hiện trong lịch sử VN.

Đàn ông và phụ nữ giàu có thời Minh Mạng

Trong số ba vị tổng trấn Gia Định thành: Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Huỳnh Đức và Lê Văn Duyệt thì Choi Byung-wook nhận định Lê Văn Duyệt nổi bật hơn cả. Sách miêu tả: “Gia đình ông chuyển đến đây từ Quảng Ngãi. Cha mẹ chỉ là những người nông dân bình thường. Năm 17 tuổi ông trở thành thái giám và 7 năm sau với tài năng quân sự của mình, ông đã giành nhiều chiến thắng không ngờ, trở thành một trong những quan lại có ảnh hưởng nhất trong triều đình Huế”.
Sách cho biết, năm 1828, Minh Mạng và Lê Văn Duyệt đối đầu nhau khi Trần Nhật Vĩnh, một trong số thuộc hạ có thế lực nhất của Lê Văn Duyệt, bị một số cận thần của vua tuyên bố phạm tội buôn bán gạo bất hợp pháp và điều hành một nhà thổ. Lê Văn Duyệt cố gắng bảo vệ cấp dưới nhưng ông không thể chống lại quyền lực của vua Minh Mạng, dẫn đến nhiều bất hòa sâu sắc không thể hàn gắn. Cuối cùng, vua Minh Mạng bí mật ra lệnh cho quan văn Mạch Xuân Nguyên lên danh sách và tìm đủ bằng chứng để buộc tội Lê Văn Duyệt “chống lại triều đình”.

Người Gia Định giỏi nghề... đi biển

Đất Nam bộ xưa qua nghiên cứu của người Hàn Quốc
Trong suốt nửa đầu thế kỷ 19, địa hình ở phía tây Sài Gòn bị chia cắt bởi nhiều kênh rạch “chạy dọc ngang như sợi vải đan trên quần áo”. Những khu dân cư nằm rải rác từ làng này qua làng khác, khiến giao thương bằng ghe thuyền trở nên rất quan trọng ở Gia Định.
Tác giả Choi Byung-wook chia sẻ: “Tôi hy vọng cuốn sách sẽ mang lại những tri thức mới trên cả hai phương diện, một là tri thức về lịch sử VN, hai là tri thức về cách nhìn lịch sử của một người nước ngoài đến từ Hàn Quốc - một đất nước có truyền thống văn hóa và những kinh nghiệm lịch sử rất gần gũi với các bạn, và là tài liệu hữu ích cho những ai quan tâm, nghiên cứu, tìm hiểu về vùng đất Nam bộ và lịch sử triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ 19”
Nghiên cứu của Choi Byung-wook khẳng định: “Khi vua Minh Mạng muốn tái lập nền thương mại do triều đình quản lý ở Huế, nhà vua hốt hoảng bởi triều thần cứ khăng khăng dùng thuyền Gia Định nhằm bảo đảm an toàn cho chuyến đi tới vùng Malacca. Những dẫn chứng cho thấy ưu thế của người Gia Định về kinh nghiệm đi biển so với các vùng khác ở VN. Thời đó, người Việt vùng Gia Định đi lại khá thường xuyên đến các vùng biển đảo khác nhau ở Đông Nam Á: Malacca, Batavia, Singapore và Philippines”. Đặc biệt nổi lên một nhân vật có máu mặt trong việc giao thương ra thế giới ở Nam bộ thời ấy là Đào Trí Phú.
Đất Nam bộ xưa qua nghiên cứu của người Hàn Quốc

Chân dung vua Minh Mạng (1820 - 1841)

Dựa trên những tư liệu quý giá, tác giả Choi Byung-wook kể: Tên thật của người này là Đào Trí Kính, sau mới đổi thành Đào Trí Phú với “hàm ý” tích lũy của cải. Ông ở Long Thành (thuộc Biên Hòa), đỗ cử nhân Gia Định năm 1825 và là vị quan triều đình quan trọng nhất đảm bảo việc mua hàng hóa nước ngoài từ vùng biển đảo Đông Nam Á, cũng như phía đông tiểu lục địa Ấn Độ. Đào Trí Phú thành thục nhiều ngoại ngữ và dù làm việc thâu đêm vẫn hoàn thành các sổ sách kế toán mà không có bất kỳ sai sót nào. Ông này cũng chính là người giới thiệu tàu hơi nước vào VN sau khi dẫn đầu chuyến đi đầu tiên tới Batavia năm 1839. Tuy nhiên, vì bị kết tội tham gia cuộc bạo loạn bất thành của Hồng Bảo, anh trai vua Tự Đức mà ông bị phanh thây năm 1854.
Vùng đất Nam bộ dưới triều Minh Mạng (1820 - 1841) còn bật mí chuyện giàu có về lúa gạo ở Gia Định. Nổi tiếng đến mức vào năm 1787, Thomas Jefferson, đại diện chính quyền Mỹ ở Paris (sau là tổng thống Mỹ) phải liên hệ với phái bộ Bá Đa Lộc - hoàng tử Cảnh tại Paris, đề nghị được cung cấp giống lúa miền Nam để gieo thử tại miền đất mới ở bang Virginia. Rất tiếc phái bộ Việt nhận lời giúp nhưng vì trên đường về phải dừng lại ở Ấn Độ quá lâu nên Jefferson chờ không được đã bỏ về nước, khiến con đường của lúa gạo Việt tới Mỹ khi ấy buộc phải dừng lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.