Từ một doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản, Dệt Thành Công đã có những bước đột phá góp phần tác động đến chính sách đổi mới sau này.
Nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh thăm và làm việc tại nhà máy dệt Thành Công |
Xoay sở tìm ngoại tệ
Dệt Thành Công ban đầu có tên gọi là Tái Thành. Chủ cơ cở là người Hoa, sau năm 1975 đã hiến cho Nhà nước. Cái tên Thành Công, theo bà Nguyễn Thị Đồng, nguyên Phó giám đốc kiêm Bí thư đảng ủy nhà máy là “khi đổi tên, phía bên kia đường là nhà máy dệt Thắng Lợi thì bên này là phải là Thành Công. Thành Công cũng có nghĩa là không thất bại”.
Ông Nguyễn Xuân Hà – Giám đốc đầu tiên dệt Thành Công – cho hay khi tiếp nhận, nhà máy có 136 máy dệt và khoảng 400 công nhân. Thời gian đầu do vẫn còn nguyên liệu của chủ cũ nằm ở kho thế chấp nên hoạt động khá tốt. Tuy nhiên đến năm 1978, nguyên liệu dự trữ hết, Nhà nước không cấp đủ, phụ tùng thiếu, máy móc hư hỏng, không có tiền thì dệt Thành Công rơi vào khó khăn.
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm việc với lãnh đạo dệt Thành Công
|
“Đến năm 1979, dệt Thành Công dường như chịu hết nổi. Hơn ½ số máy ngừng sản xuất do không có nguyên liệu. Liên hiệp Dệt tính đến chuyện cho công nhân nhà máy đi Phú Giáo, Sông Bé làm nông nghiệp tăng gia sản xuất”, ông Hà kể.
Khó khăn của dệt Thành Công là thiếu ngoại tệ để mua nguyên liệu phục vụ sản xuất. Cái khó ló cái khôn. Trong khi không biết xoay ra đâu ngoại tệ, ông Hà lại thấy một số công ty bên du lịch, thủy sản, cảng Sài Gòn do đặc thù ngành nghề nên có nguồn ngoại tệ dồi dào.
Ông Hà nói thêm: “Hồi đó dệt Thành Công sản xuất được vải ôxpho - loại vải có giá trị và được người dân ưa chuộng. Vậy tại sao không đưa vải ôxpho để cho công ty du lịch, cảng Sài Gòn bán sau đó trả ngoại tệ cho dệt Thành Công. Thành Công cũng sẽ bán vải cho công ty thủy sản để thủy sản bán lại cho nông dân và mua cá, sau đó đem cá xuất khẩu rồi trả ngoại tệ cho Thành Công”.
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm việc với bà Nguyễn Thị Đồng, nguyên Phó giám đốc kiêm Bí thư đảng ủy dệt Thành Công
|
Ông Hà đem ý tưởng này gõ cửa Công ty du lịch Sài Gòn, thủy sản Ramico, cảng Sài Gòn và đều nhận được sự đồng ý. Sau đó, dệt Thành Công xây dựng phương án sẽ vay 180.000 USD mua 40 tấn sợi dệt vải ôxpho, hóa chất và thuốc nhuộm để thực hiện ý tưởng trên. Vải sau khi sản xuất sẽ chuyển cho các công ty thủy sản, du lịch, cảng để các đơn vị này bán và trả lại ngoại tệ cho Thành Công.
Nhưng ở thời điểm này, việc một doanh nghiệp vay được ngoại tệ không phải dễ. Dù dệt Thành Công được sự ủng hộ của ông Lữ Minh Châu – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước ở TP.HCM lẫn ông Nguyễn Nhật Hồng, Giám đốc Vietcombank ở TP.HCM – nhưng muốn vay được phải có sự đồng ý của cơ quan chủ quản là Bộ Công nghiệp nhẹ.
Vào thời điểm này việc xin được chủ trương như thế không phải dễ dàng. May thay lúc đó ông Vũ Đại - thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ - là người khá cấp tiến. Vậy là lựa lúc thứ trưởng Đại vào TP.HCM, đến thăm dệt Thành Công, ông Hà trình bày phương án. Vị thứ trưởng nghe xong kí duyệt luôn. Vay được ngoại tệ, dệt Thành Công mua nguyên liệu, thuốc nhuộm, hóa chất về sản xuất. Ông Hà kể: “Thời điểm tháng 8.1980, đơn hàng đổ về Thành Công như nước”.
Tổng bí thư Trường Chinh (người ngồi giữa) làm việc với lãnh đạo dệt Thành Công - Ảnh tư liệu
|
Dựa vào thực lực
Thừa thắng xông lên, lãnh đạo dệt Thành Công tính đến chuyện làm ăn lớn. Đó là trình phương án vay 1,7 triệu USD đồng thời xin luôn cơ chế riêng cho Thành Công: Không xin nguyên liệu Nhà nước, đổi lại hàng làm ra không phải nộp cho Nhà nước mà bán theo giá công ty đưa ra. Công ty cũng có quyền xuất khẩu, thu ngoại tệ và quyết định mức lương cho nhân viên.
Phương án này động đến chủ trương, chính sách, một mình thứ trưởng Vũ Đại không thể tự quyết. Hơn nữa đây là cơ hội cần thẳng thắn lên tiếng cho phương thức mới. Thay vì kín đáo tỉ tê, Thành Công chọn cách ra Hà Nội trực tiếp thuyết trình trước hội nghị của Bộ về phương án của mình. Sau khi lên phương án xong, ông Hà bay ra Hà Nội trình bày. Bộ Công nghiệp nhẹ triệu tập toàn bộ Vụ trưởng đến hội nghị để nghe ông Hà giải trình phương án. Hàng chục Vụ trưởng dưới hội trường phản biện. Theo ông Hà, hội nghị giải trình kéo dài suốt mấy tiếng đồng hồ và căng thẳng hơn bảo vệ luận án tiến sĩ.
“Cuối hội nghị, thứ trưởng Vũ Đại nói đây là phương thức làm ăn mới, thời gian đầu sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng chắc sẽ thành công. Lãnh đạo các vụ khi làm việc phải giúp đỡ Thành Công chứ không được xọ ngang, xọ dọc”, ông Hà nhớ lại.
Giám đốc đầu tiên của dệt Thành Công Nguyễn Xuân Hà - Ảnh: Trung Hiếu
|
Vận may bất ngờ đến với Thành Công khi trước lúc bay ra Hà Nội giải trình, ông Hà nhận được tin có một lô hàng 60 tấn sợi polymer đang giảm giá mạnh cần phải mua ngay. Ông Hà tìm đến Giám đốc Vietcombank TP.HCM Nguyễn Nhật Hồng xin ứng trước 500.000 USD trong “phương án vay 1,7 triệu USD” để mua lô hàng trên. Đây là việc làm liều lĩnh chưa kể nếu có sự cố dễ bị tù như chơi. Tuy nhiên, ông Hồng đồng ý cho ứng trước với lý do “nếu phương án không được duyệt thì đem số sợi bán đi cũng có lời”. Đúng như dự đoán, chỉ nội thời gian ông Hà ra Hà Nội giải trình, giá sợi polymer tăng từ 2,2 USD/kg lên 2,7 USD/kg.
Phương án được duyệt, có tiền, dệt Thành Công mua nguyên phụ liệu, hóa chất vực dậy sản xuất. Chỉ trong năm 1981, Thành Công mới vay 1,4 triệu USD nhưng thu về riêng ngoại tệ tới 3 triệu USD, chưa kể hàng bán trong nước. Hàng làm ra bán đắt như tôm tươi, lương công nhân trung bình 450 đồng/tháng, gấp nhiều lần công ty khác. Điều quan trọng, công ty đã chứng minh cách làm mới tự thu tự chi, dựa vào thực lực và sản phẩm làm ra bán theo giá thị trường.
Bà Nguyễn Thị Đồng cho hay sau thành công của dệt Thành Công, nhiều lãnh đạo như Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Trường Chinh đã về nhà máy tham quan mô hình, từ đây xây dựng những chính sách cởi trói cho nền kinh tế sau này.
Bình luận (0)