Trong niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta bồi hồi nhớ lại và càng trân trọng tấm gương đạo đức sáng ngời, người có nhân cách lớn với tư duy lý luận sắc sảo, để lại những di sản lớn và đóng góp, cống hiến vô cùng to lớn đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đầu tiên nhận định, được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua và đưa vào Nghị quyết Đại hội: "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Qua thực tiễn gần 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhờ sự vào cuộc quyết liệt và sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, là những minh chứng sống động cho khái quát trên của Tổng Bí thư.
Việt Nam vươn lên thành nước thu nhập trung bình
Trong đó, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; chú trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đây cũng là định hướng chỉ đạo quan trọng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh khi tham dự các hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ phát triển KT-XH hằng năm từ năm 2017 đến năm 2023 và được thể hiện rõ trong các kết luận của T.Ư về KT-XH hằng năm.
Chúng ta về cơ bản đã đạt được mong muốn của Tổng Bí thư với kết quả năm sau cao hơn năm trước trên tất cả lĩnh vực. Trong đó nền kinh tế đã có những chuyển biến rõ nét với những thành tựu rất đáng tự hào, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhất là trong những năm gần đây, khi chúng ta đối diện với tình hình khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.
Sau gần 40 năm đổi mới, từ một nước bị tàn phá sau nhiều cuộc chiến tranh, nghèo nàn, lạc hậu, thiếu đói, bị bao vây, cấm vận suốt 30 năm, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình với thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.300 USD năm 2023, tăng gần 60 lần so với năm 1986.
Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 6,5%/năm, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô nền kinh tế năm 2023 đứng thứ 35 thế giới, tăng hơn 95 lần so với năm 1986. Nền tảng kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Lạm phát được kiểm soát chỉ còn khoảng 4%/năm từ mức "phi mã" 3 con số của giai đoạn đầu đổi mới. Từ thiếu hụt lương thực trầm trọng, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới; năm 2023 xuất khẩu trên 8,1 triệu tấn gạo, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu; nông sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 160 quốc gia.
Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI); năm 2023 thu hút được trên 39,4 tỉ USD, vốn thực hiện đạt 23,2 tỉ USD, lọt vào nhóm 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI. Lũy kế đến nay có 40.800 dự án FDI đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký khoảng 487 tỉ USD.
Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất, nằm trong chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Intel, Apple, GE, Foxconn… Khu vực tư nhân được khuyến khích phát triển và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế với khoảng 900.000 doanh nghiệp hoạt động.
Hệ thống kết cấu hạ tầng được đẩy mạnh, đạt trên 2.000 km đường cao tốc, phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 3.000 km; đang triển khai mở rộng các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành... Đồng thời đang tích cực chuẩn bị xây dựng, phê duyệt chủ trương phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao cho giai đoạn 2025 - 2030.
Tính đúng đắn của "ngoại giao cây tre"
Đặc biệt quan tâm và sâu sát chỉ đạo công tác đối ngoại, ngoại giao, tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Đối ngoại và ngoại giao đã phát huy thế mới và lực mới, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới".
Từ một nước bị bao vây, cấm vận trong 30 năm, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 quốc gia, đặc biệt là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và nhiều nước G20.
Đảng ta đã có quan hệ với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới, trong đó có 92 đảng cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 38 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính. Trong những năm gần đây, hầu hết nguyên thủ, lãnh đạo các nước lớn và các tổ chức quốc tế quan trọng, trong đó có LHQ, đều đến thăm, làm việc và có ấn tượng tốt về đất nước, con người Việt Nam. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chuyến thăm thành công đến các nước, đối tác trên khắp các châu lục.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì đón tổng bí thư, chủ tịch nước, tổng thống của 3 cường quốc lớn là Trung Quốc, Mỹ và Nga. Những nỗ lực này đã thúc đẩy mạnh mẽ đưa quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trên các lĩnh vực, nhất là về giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, lao động, văn hóa, giao lưu nhân dân, giao lưu địa phương…
Ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh, Việt Nam đã mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 quốc gia, trong đó có nhiều nền kinh tế lớn. Những thành tựu đó đã khẳng định tính đúng đắn của trường phái đối ngoại, ngoại giao "Cây tre Việt Nam: Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam" do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng, tập trung chỉ đạo và dày công vun đắp.
Với "chính sách quốc phòng bốn không", chúng ta đã kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong bảo vệ Tổ quốc; ưu tiên nguồn lực để củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Trong mọi tình huống đều bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc".
Công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh được chú trọng và ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, làm chủ công nghệ chế tạo và sản xuất được nhiều loại vũ khí, trang bị, góp phần tích cực vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính sách đối ngoại quốc phòng theo tư tưởng ngoại giao "Cây tre Việt Nam" là kế sách quan trọng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy.
Tình hình chính trị - xã hội ổn định, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội là một trong những điểm sáng và là thế mạnh của Việt Nam trong một thế giới đầy biến động hiện nay. Việt Nam được xếp hạng tăng 4 bậc, lên vị trí 41/163 quốc gia, vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng Chỉ số Hòa bình Toàn cầu năm 2023 về đánh giá mức độ yên bình quốc gia do Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP, Úc) công bố.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường được chú trọng, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Vai trò của văn hóa là nền tảng tinh thần, là nguồn lực nội sinh, là động lực đột phá cho phát triển đất nước được phát huy mạnh mẽ, nhất là sau Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 với bài phát biểu quan trọng mang tầm định hướng chiến lược sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư đã nhấn mạnh lời dạy của Bác Hồ kính yêu "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", đồng thời chỉ rõ "Văn hóa còn thì dân tộc còn", "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc". Thực hiện quan điểm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhiều giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn, tôn tạo, phát triển và được quốc tế công nhận, đánh giá cao.
Đặc biệt, trong phòng, chống đại dịch Covid-19, Việt Nam đã "đi sau về trước" với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn thể nhân dân và sự hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả của bạn bè quốc tế thông qua "Chiến lược ngoại giao vắc xin".
An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau". Các chính sách với người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được đặc biệt quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm còn 2,93% so với hơn 58% năm 1993. Việt Nam được thế giới ghi nhận, đánh giá cao và coi là hình mẫu thành công về xóa đói, giảm nghèo của các nước đang phát triển trong suốt 30 năm qua.
Quán triệt quan điểm xây dựng Đảng là "then chốt", trong đó công tác cán bộ là "then chốt của then chốt", công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua có nhiều chuyển biến rõ nét, hiệu quả dưới sự lãnh đạo của T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư đã khẳng định: "Xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta".
Tập trung xây dựng Đảng toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ với tinh thần "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất", để Đảng ta thực sự "là đạo đức, là văn minh". Chúng ta đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân được củng cố, tăng cường; niềm tin của Nhân dân với Đảng ngày càng được nâng lên trên cơ sở thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ" và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Phòng, chống tham nhũng "không có vùng cấm, ngoại lệ"
Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tiến hành mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đã đưa ra xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đồng thời, tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện chủ trương, đường lối và thể chế, chính sách về phòng, chống tham nhũng gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các cơ quan hành chính nhà nước và toàn xã hội được đẩy mạnh. Tăng cường thông tin về cơ chế, chính sách, hoạt động quản lý, điều hành trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức nắm bắt và giám sát. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, công cuộc phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh góp phần khẳng định vai trò, củng cố uy tín của Đảng, Nhà nước và giữ vững niềm tin trong nhân dân, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam tăng 40 bậc, từ xếp thứ 123 vào năm 2012 lên thứ 83/180 quốc gia, vùng lãnh thổ vào năm 2023.
Đồng thời, tập trung xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, kiến tạo phát triển, vì nhân dân phục vụ gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đã giảm từ 27 bộ, cơ quan ngang bộ (giai đoạn 1992 - 1997) xuống còn 22 bộ, cơ quan ngang bộ hiện nay. Phân cấp, phân quyền được đẩy mạnh gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: "Trong bất luận hoàn cảnh nào, phải kiên định lập trường tư tưởng, luôn giữ vững mục tiêu, quan điểm, đường lối của Đảng ta trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống luật pháp của nước ta". Trong những năm qua, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân đạt nhiều kết quả quan trọng và tiếp tục được hoàn thiện về cơ sở lý luận trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm thực tiễn.
Tổng Bí thư đã để lại tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, cống hiến hết sức mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Hàng trăm nghìn người dân Việt Nam, hàng trăm đoàn khách quốc tế đã trực tiếp đến viếng, tiễn đưa; hàng trăm đoàn, hàng nghìn người nước ngoài đã đến viếng tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; hàng trăm quốc gia, tổ chức quốc tế đã gửi lời chia buồn.
Hàng triệu người dân Việt Nam từ mọi độ tuổi, giới tính, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nhất là thế hệ trẻ bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những hình ảnh đó đã thể hiện tình cảm trân trọng, sự gắn bó sâu sắc của đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài cũng như bạn bè quốc tế về tầm vóc của một nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đồng thời cũng thể hiện niềm tin son sắt của nhân dân đối với Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, đất nước Việt Nam văn hiến, văn minh và anh hùng.
Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, đất nước ta nhất định sẽ phát triển ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, nhân dân ta nhất định sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn, như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong đợi và các thế hệ đi trước, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tận tâm, tận lực phấn đấu và trọn đời cống hiến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mãi mãi thuộc về Tổ quốc ta, nhân dân ta và sự nghiệp đổi mới của đất nước ta.
*Các tít phụ do Thanh Niên đặt
(Mời bạn đọc xem toàn văn bài viết trên thanhnien.vn)
Bình luận (0)