Ngày 16.11, BS Thái Phương Phiên, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa Ninh Thuận, cho biết lần đầu tiên ê kíp bác sĩ Đơn vị tim mạch can thiệp của BV đã tiến hành thực hiện thành công kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho 3 bệnh nhân cao tuổi.
Đây là kỹ thuật mới được các bác sĩ của BV thực hiện dưới sự hỗ trợ của TS.BS Trương Quang Khanh, Trưởng Khoa Nhịp tim học, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, theo Đề án 1816 chuyên ngành Tim mạch và thỏa thuận chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM và Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận.
Theo BS Phiên, đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn là một trong những thủ thuật phức tạp và rất khó trong việc điều trị các bệnh lý về tim mạch, đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải được đào tạo bài bản và chuyên sâu.
Vị trí đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn ở khu vực ngực trái gần vai bệnh nhân, có dây dẫn vào buồng tim để hỗ trợ nhịp đập cho tim. Máy sẽ thay thế phát nhịp khi nhịp tim chậm, giúp giữ nhịp tim bệnh nhân ở mức bình thường.
Các bệnh nhân: Katơ Nhu (73 tuổi) nhập viện trong tình trạng chống mặt, ngất, thở mệt, nôn ói khi gắng sức nhẹ; siêu âm tim xác định van động mạch chủ hở vừa + 2 lá hở vừa + van 3 lá hở vừa. Chẩn đoán: Rung nhĩ đáp ứng thất chậm; Nguyễn Văn Thạnh (68 tuổi), chẩn đoán: Nhịp chậm xoang có ngất; tăng huyết áp; nhồi máu não cũ yếu nhẹ ½ trái và bệnh nhân thứ ba là Tô Thị Thanh (62 tuổi), chẩn đoán Block AV độ III, tăng huyết áp, đái tháo đường loại 2... được chỉ định đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn.
Sau khi đặt máy, tình trạng sức khỏe các bệnh nhân đã ổn định, hết chóng mặt, thị lực cải thiện, đi lại không còn mệt...và đang tiến hành các thủ tục xuất viện.
BS Nguyễn Lạc Việt, phụ trách Đơn vị tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận, cho biết rối loại nhịp tim chậm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột tử, đột quỵ nghiêm trọng.
Việc Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận thực hiện thành công kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn đã tạo điều kiện cho bệnh nhân tiếp cận dịch vụ y tế hiện đại, rút ngắn được thời gian chờ điều trị, giảm số lượng bệnh nhân đột tử, đột quỵ từ căn bệnh rối loạn nhịp tim chậm; giảm chi phí cho bệnh nhân và giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.
Bình luận (0)