Điều này thể hiện rất rõ ở đơn vị S3 và lớp học của chúng tôi, không học sửa chữa và lắp ráp máy thông tin quân sự nữa mà chuyển sang học để sử dụng máy vô tuyến điện thoại K63 của Trung Quốc viện trợ. Trên phổ biến đây là một trong những nhiệm vụ lớn mà Phòng Thông tin Miền phải triển khai nhanh và hoàn thành trước trung tuần tháng 1 năm 1968.
Chúng tôi học chăm chỉ, tiếp thu nhanh và đạt yêu cầu đề ra, sau đó được biên chế về Tiểu đoàn 42, đơn vị thông tin hỗn hợp (hữu tuyến điện, vô tuyến điện báo, vô tuyến điện thoại, vận động…) thuộc Phòng Thông tin trực tiếp phục vụ chiến đấu cho Bộ Chỉ huy Tiền phương của Miền. Không giống các thành phần thông tin hỗn hợp khác, phân đội thông tin vô tuyến điện thoại (K63) được biên chế thành từng tổ hai người với 1 máy K63 và 1 khẩu AK, đi cùng với chỉ huy. Vào gần cuối tháng 1 năm 1968, đơn vị được lệnh hành quân từ căn cứ ở Tây Bắc tỉnh Tây Ninh hướng về Sài Gòn, đêm đi và ngày cũng đi. Chỉ dừng nấu cơm, chuẩn bị hậu cần rồi tiếp tục đi nữa.
Ngày 30 tháng 1 năm 1968, chúng tôi gồ m tôi và anh Hai là tổ trưởng của tôi (lớn hơn tôi vài tuổi) đến Bộ Tư lệnh Phân khu 1, anh mang AK còn tôi mang máy (thực lòng tôi sử dụng máy và thoại qua mật mã nhanh và tốt hơn anh, anh là một đồng đội dũng cảm bảo vệ tôi, anh đã hy sinh ngay những ngày đầu của đợt 2, tháng 5 năm 1968). Ngay trong đêm đó, chúng tôi được đi cùng Tư lệnh Phân khu, vào thẳng Sở chỉ huy Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng, trên đường đi ta và địch bắn nhau xối xả, làn đạn đan xen đỏ cả mặt đất. Tôi thầm nghĩ, chỉ huy cũng chịu đựng ác liệt như ta, lòng tôi dâng trào một tình cảm mến phục và noi gương.
Tổ chúng tôi được tăng cường về tiền phương của Phân khu 1 (hướng Tây Bắc Sài Gòn), được biên chế thẳng vào trung đội thông tin của Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng, lúc bấy giờ đang chiến đấu quyết liệt với địch, xung quanh trại Cổ Loa (Bộ tư lệnh Pháo binh) và trại Phù Đổng (Bộ tư lệnh Thiết giáp) - khu vực Gò Vấp hiện nay. Chúng tôi có nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh của Tư lệnh Tiền phương cho chỉ huy Tiểu đoàn và chuyển báo cáo về chỉ huy cấp trên. Địch sau khi hoàn hồn tỉnh lại tiến hành phản kích dữ dội ở phía sau, gần khu vực Chợ Cầu, Gò Vấp ngày nay, cùng chỉ huy Tiểu đoàn, chúng tôi hứng chịu những lần chiếc AD-6 (Skyraider) ném bom dữ dội (kể cả bom napan) vào ngay cả khu vực Chợ Cầu. Những ngày sau đó, đơn vị được lệnh chuyển ra ngoài và triển khai ở xã Tân Thới Hiệp (quận 12 hiện nay) để tiếp tục tiến công địch phản kích.
Ngay ngày hôm sau, được Phân khu trực tiếp chỉ huy, Tiểu đoàn phối hợp cùng một đơn vị thuộc Trung đoàn 16 có sự chi viện của pháo binh Phân khu mở trận tập kích vào tiểu đoàn dù của địch nhưng không thành công do hỏa lực chuẩn bị của ta không chính xác.
Khoảng ngày 6 tháng 2 năm 1968, đơn vị được lệnh rút về đồng bưng Tân Thới Hiệp làm nhiệm vụ bám giữ địa bàn, tạo thế chuẩn bị cho đợt tiến công tiếp theo. Từ đây cuộc bám trụ vùng ven đầy gian khổ , ác liệt hy sinh bắt đầu.
Nhớ lại khi đi ngang Sở chỉ huy Tiền phương, tôi may mắn được nhìn thấy đồng chí Tư lệnh Nguyễn Thế Truyện - “ông Năm Sài Gònˮ nổi tiếng. Và nếu sau đó vài ngày không xảy ra sự việc trực thăng Mỹ đánh phá dữ dội khu vực Sở chỉ huy Tiền phương và ông đã hy sinh (cách chúng tôi chỉ vài trăm mét) thì việc tôi nhìn thấy ông đã đi vào quên lãng. Sau này khi về công tác ở Sư đoàn 5, nơi trước đây (1967) ông là Sư đoàn trưởng, hằng năm tôi thường đến thăm gia đình, gặp thím Năm (vợ ông), Thế Thanh (con gái ông) - chia sẻ những kỷ niệm và thắp một nén hương để tưởng nhớ người chỉ huy của mình mà trong ký ức tôi không bao giờ quên. (còn tiếp)
(Trích Dấu ấn cuộc đời, NXB Quân đội Nhân dân)
Để chuẩn bị Tổng công kích - tổng khởi nghĩa, các Quân khu ở miền Đông được giải thể, thành lập "Khu trọng điểm" gồm 5 phân khu như 5 mũi tiến công Sài Gòn và một phân khu nội đô (Phân khu 6). Phân khu 1 hướng tây bắc, Phân khu 2 hướng tây, Phân khu 3 hướng nam, Phân khu 4 hướng đông - đông nam, Phân khu 5 hướng bắc - đông bắc... Trích: 60 năm lực lượng vũ trang Quân khu 7 (1945 - 2005), NXB Quân đội nhân dân
Bình luận (0)