Dấu ấn người Việt ở đảo Réunion: Hai cách tưởng nhớ đối lập

26/09/2022 06:36 GMT+7

Liên quan đến hai vị hoàng đế Việt Nam đi đày, vào năm 2000, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Duy Tân, Paul Vergès khi đó đang là Chủ tịch Hội đồng vùng Réunion, đã tố cáo cách đối xử của nước Pháp với hai vị vua.

Cuộc đời của vua Duy Tân kết thúc một cách bi thảm. Tham gia kháng chiến ngay từ đầu Thế chiến 2, ông qua Paris gặp tướng de Gaulle khi chiến tranh kết thúc. Hai người thảo luận về tình hình Đông Dương, nơi ông có thể đại diện cho một giải pháp chính trị. Hai bên thỏa thuận để Duy Tân quay lại Việt Nam lúc đó đang sôi động với việc Việt Minh giành chính quyền, trong khi những chiếc chiến xa của “bình định tướng quân” Leclerc đang chà nát các cánh đồng Nam bộ. Duy Tân chỉ muốn ghé qua Réunion lần cuối để thăm gia đình. Nhưng chiếc máy bay của ông bị sét đánh trúng, rơi xuống lãnh thổ Trung Phi ngày 26.12.1945. Về phần Thành Thái, ông được chính quyền Pháp cho phép trở về Việt Nam năm 1945 nhưng không đủ tiền mua vé. Ông đành phải xin một khoản tạm ứng để có thể hồi hương cùng cả gia đình. Việc đó hoàn tất năm 1947, và ông qua đời ở Sài Gòn ngày 24.3.1954.

Ngôi nhà của hoàng tử Vĩnh San và tấm biển tưởng niệm ở ngôi nhà số 61 đường Labourdonnais ở Saint-Denis

Louis Raymond

Đảo Réunion, thuộc địa Pháp từ thế kỷ 17, trở thành một tỉnh của Pháp vào năm 1946, cùng lúc với Guyane, Martinique và Guadeloupe. Nửa sau thế kỷ 20, đời sống chính trị của đơn vị hành chính non trẻ này xoay quanh cuộc tranh đua giữa một bên là Michel Debré, thủ tướng của Tổng thống de Gaulle từ 1959 đến 1963, rồi dân biểu đại diện đảo Réunion từ 1963 đến 1988, còn bên kia là gia đình Vergès, có truyền thống lãnh đạo Đảng Cộng sản Réunion. Paul Vergès là người nối nghiệp của Raymond Vergès, mất năm 1957, nguyên bác sĩ ở Đông Dương những năm 1920 trước khi quay về Réunion bắt đầu sự nghiệp chính trị. Giữa hai phe này cả một cuộc chiến về diễn ngôn: chẳng hạn Paul Vergès thường dùng từ “phi thực dân hóa” thay cho từ “cải cách hành chính” để nói về những sự kiện năm 1946. Liên quan đến hai vị hoàng đế Việt Nam đi đày, Paul Vergès là nhà lãnh đạo Réunion duy nhất nhắc nhở đến họ một cách công khai. Vào năm 2000, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Duy Tân, Paul Vergès khi đó đang là Chủ tịch Hội đồng vùng Réunion, đã tố cáo cách đối xử của nước Pháp với hai vị vua.

Hoàng đế Thành Thái ở Sài Gòn, ngay trước lúc qua đời, đầu những năm 1950

Tư liệu gia đình J-L Nguyen Phuoc

Người bị lịch sử bạc đãi

Ở ngôi nhà số 61 đường Labourdonnais, trung tâm thành phố Saint-Denis, nơi Duy Tân/Vĩnh San sống một thời gian dài, người ta thấy một tấm biển khác. Tấm biển này có trước đài kỷ niệm đầu cầu, và hiện nay đã hơi xuống cấp do thời gian. Lần này, thay cho việc lên án cuộc lưu đày, là một câu trích dẫn được cho là của nhà vua: “Tôi ý thức mình đã phục vụ nước Pháp như phục vụ đất nước của tôi”. Nhà sử học Daniel Varga, người đã có một luận án về chiến tranh Đông Dương, phân tích sự khác biệt trong cách thức nước Pháp tưởng nhớ về nhà vua: “Vĩnh San xuất hiện gần giống như hình ảnh một công dân Pháp tốt ở xứ thuộc địa, nhất là vì đã chấp nhận về Việt Nam sau cuộc gặp tướng de Gaulle. Hơn nữa, người ta tưởng nhớ ông dưới cái tên đã Pháp hóa, không phải niên hiệu hoàng đế. Dưới con mắt của người theo phe de Gaulle Michel Debré, điều này không bị coi là một ký ức xấu, hay có hơi hướng ly khai”. Jean-Luc Nguyễn Phước bổ sung thêm một sắc thái: “Không phải là nước Pháp thực dân lợi dụng tên tuổi ông ấy, mà là nước Pháp mới, nước Pháp của tự do”. Trên thực tế, Vĩnh San đã gia nhập vào ký ức chung của hòn đảo và gần như là một phần của di sản. Chẳng hạn, ông là một nhân vật trong hai truyện tranh phổ biến kiến thức lịch sử Réunion Bệnh cúm thuộc địa và Biên niên tàu Léopard.

Sở dĩ không ai ở Réunion ngày nay nhớ đến Thành Thái, ngoài gia đình ông, là bởi, như cách nói của Jean-Luc Nguyễn Phước, “nước Pháp không thể khai thác được tên tuổi của ông”. “Ông đã bị đối xử hết sức bất công. Thoạt tiên, người ta gán cho ông bệnh điên vào thời điểm thoái vị, trong khi ông không hề bị như vậy. Ông đi ngược dòng thời đại của mình và chính triều đình của mình. Rất nhanh, ông quan tâm đến các môn khoa học kỹ thuật, sân khấu, có lúc còn bực dọc vì không được chụp hình. Vì vậy, ông quay lưng lại với một bộ phận triều thần, cũng như viên khâm sứ Pháp. Quả là ông có tính cách khó chịu, nhưng đầu óc ông minh mẫn. Về cơ bản, ông là người chống Pháp, và chống đến cùng. Ở nơi lưu đày, ông luôn trăn trở. Tôi tin rằng nếu sống được thêm vài tuần nữa, ông sẽ vui mừng chứng kiến chiến thắng Điện Biên Phủ của người Việt Nam ngày 7.5.1954”.

Năm 1987, từ ý tưởng của gia đình, thi hài hoàng đế Duy Tân từ Trung Phi đã được đưa về an táng tại Việt Nam. Vua cha và vua con giờ đây nằm cạnh nhau ở Huế, liền với vị hoàng đế thứ ba cùng trực hệ là Dục Đức, người trị vì trong 3 ngày vào năm 1883 rồi cũng bị phế truất. Trong ngôi nhà ở Trois-Bassins, một làng nhỏ nằm trên cao nhìn xuống biển Ấn Độ Dương tuyệt đẹp, Jean-Luc Nguyễn Phước vừa viết xong cuốn sách về người cụ của mình là vua Thành Thái và hy vọng sách sẽ sớm được xuất bản. Ông tin rằng tác phẩm này sẽ góp phần phục hồi danh tiếng một con người đã bị lịch sử bạc đãi cả khi sống và sau khi chết.

(còn tiếp)

Dấu ấn người Việt ở đảo Réunion

Đi phu giữa Ấn Độ Dương

Những dấu vết vô hình nhưng bền vững

Ký ức về hai vị hoàng đế lưu đày

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.