Dấu ấn Thanh Niên trên miền biên viễn: Bể nước ngầm 'giải khát' ở Tả Gia Khâu

01/01/2021 17:41 GMT+7

Nhà tắm khép kín và bể nước ngầm do bạn đọc Báo Thanh Niên tài trợ xây dựng tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tả Gia Khâu giúp 150 học sinh nội trú có nước sinh hoạt hơn 1 tháng trong mùa khô.

Cụm công trình nhà tắm khép kín và bể nước ngầm trị giá trên 200 triệu đồng do bạn đọc Báo Thanh Niên tài trợ, Đồn biên phòng Tả Gia Khâu chung tay xây dựng tại Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học Tả Gia Khâu, giúp 150 học sinh nội trú có nước sinh hoạt hơn 1 tháng trong mùa khô khát ở vùng đất được ví như “Trường Sa trên cạn” nơi miền biên viễn Lào Cai.

Dạy trẻ chắt chiu từng giọt nước

Trường PTDTBT tiểu học Tả Gia Khâu nằm chon von trên thôn vùng cao cùng tên, gần đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc ở xã Tả Gia Khâu (H.Mường Khương, Lào Cai).
Khu vực này có khí hậu quanh năm khắc nghiệt. Cơ cực nhất vẫn là quãng thời gian kéo dài từ tháng 11 năm nay đến khoảng tháng 3 năm sau, Tả Gia Khâu vào mùa khô khát. Trời không có lấy một giọt mưa, chủ yếu trông chờ vào nguồn nước tích trữ từ mùa mưa, nhưng phải dùng rất dè sẻn.
Điểm trường chính của Trường PTDTBT tiểu học Tả Gia Khâu luôn có trên 150 học sinh ăn, ở nội trú. Đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho khu nhà nội trú này vẫn luôn là bài toán khó giải cho lãnh đạo nhà trường, cùng Đồn biên phòng Tả Gia Khâu đứng chân ở địa bàn này.
Công trình bể nước ngầm cùng 2 nhà tắm kết hợp vệ sinh khép kín do Báo Thanh Niên vận động tài trợ kinh phí xây dựng xuất phát từ đề xuất tha thiết của tập thể giáo viên cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Tả Gia Khâu để học sinh nội trú không còn phải “tắm gió, phơi sương”.
be-nuoc-Ta-Gia-Khau

Công trình 2 nhà tắm, vệ sinh khép kín cùng bể nước ngầm bạn đọc Báo Thanh Niên ủng hộ xây dựng tại Trường PTDTBT tiểu học Tả Gia Khâu

Ảnh Phan Hậu

Cô giáo Giàng Thị Thủy, Hiệu phó Trường PTDTBT tiểu học Tả Gia Khâu, cho biết chỗ tắm của học sinh ở khu nội trú được quây tạm bợ bằng mái tôn. Mùa đông rét buốt. Gió núi lùa hun hút, học sinh không thể đứng tắm được ngoài trời, bởi rất dễ cảm lạnh. Chờ ngày có nắng, các em phải xếp hàng thay phiên nhau tắm, giặt.
“Qua 2 mùa đông đưa vào sử dụng, công trình nhà tắm khép kín này vô cùng thiết thực, giúp học sinh nội trú có nơi tắm giặt ấm áp, kín gió. Đặc biệt, công trình này giúp nhiều học sinh lần đầu được trải nghiệm tắm nóng lạnh dưới vòi sen mà ở gia đình các em chưa có, vì đa phần đều là hộ nghèo, rất nghèo. Điều này góp phần hấp dẫn các em đi học đều, gắn bó với trường lớp hơn”, cô Thủy nói.
Cũng theo cô giáo Thủy, bài học đầu tiên mà tất cả học sinh trước khi vào khu nội trú này đều phải ghi nhớ là học cách tiết kiệm, chắt chiu từng giọt nước. Đơn giản nhất là kỹ năng rửa mặt, giáo viên trực tiếp hướng dẫn các em kỹ năng mở vòi nước, để nước chảy vừa đủ làm ướt khăn, rồi ngắt vòi nước. Sau khi rửa mặt, vòi nước được mở trở lại để giặt khăn. Nước thải ra trong quá trình rửa mặt đều được thu hồi vào bể lắng lọc dùng tưới rau.

Bể nước dành riêng cho học sinh sử dụng

Xây dựng bể nước ngầm dự trữ trong mùa khô hạn là ý tưởng của giáo viên nhà trường và cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Tả Gia Khâu, giúp giảm công sức, thời gian đi lấy nước của cả thầy cô giáo và học sinh.
Trung tá Khổng Hữu Huân, Đồn trưởng Đồn biên phòng Tả Gia Khâu, kể rằng nhắc đến Tả Gia Khâu, nhiều người sẽ nhớ ngay đấy là nơi khô cằn, thiếu nước nhất ở Lào Cai. Riêng Trường PTDTBT tiểu học Tả Gia Khâu có khu nội trú vẫn thiếu nước nhất.
Chính vì thế, các "đời" chỉ huy đồn đều tận dụng mọi mối quan hệ kêu gọi các đơn vị hỗ trợ công trình, dụng cụ chứa nước, giúp giáo viên, học sinh đỡ cơ cực phải đi chở, xách từng can nước.
Ta-Gia-Khau

Bể nước ngầm góp phần giảm tải nhiều công sức, giáo viên khi phải xách, chở nước suối về sử dụng trong mùa khô

Ảnh Phan Hậu

Theo thầy giáo Phùng Thế Tùng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT tiểu học Tả Gia Khâu, công trình bể nước, nhà vệ sinh được khởi công xây dựng khoảng cuối tháng 11.2018. Công việc vận chuyển vật liệu rất khó khăn khi trường nằm ở thôn cao nhất xã Tả Gia Khâu, gần với đường biên giới Việt Nam  - Trung Quốc. Giáo viên, bộ đội cùng nhau chuyển từng viên gạch, bao xi măng.
“Công trình làm cho trường nhưng chúng tôi thì còn việc chuyên môn. Mỗi lần ghé công trình nhiều lúc chẳng biết đâu là thợ xây, đâu là bộ đội nữa. Đồn biên phòng Tả Gia Khâu cử cán bộ chiến sĩ lên hỗ trợ. Các anh xắn tay xây dựng kiêm giám sát công trình đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mục tiêu là phải có bể trước mùa mưa”, thầy giáo Tùng kể lại.
nuoc-sach

Toàn bộ nước thải sinh hoạt ở Trường PTDTBT tiểu học Tả Gia Khâu đều được hứng, gạn lọc lại dùng để tưới rau

Ảnh Phan Hậu

Cũng theo thầy Tùng, công trình được khánh thành đưa vào sử dụng trong tháng 1.2019 có sức chứa khoảng 90 m3. Nước ở đây chỉ dành riêng để học sinh sử dụng, còn thầy, cô có nhu cầu thì phải xuống các thôn bên dưới tắm nhờ ở nhà dân. Quần áo thay ra hàng ngày thì gom lại cuối tuần mang về nhà giặt giũ.
“Cụm nhà tắm khép kín và bể nước ngầm là công trình rất thiết thực với nhà trường. Cơ số nước dự trữ đảm bảo cho khu nội trú sử dụng trong hơn 1 tháng. Đây cũng là khoảng thời gian quý giá cho nhà trường có thời gian xoay sở đi xin, chở nước từ nơi khác đủ cho học sinh sử dụng trong mùa khô kéo dài 4 - 5 tháng”, thầy Tùng nói.
Mong ngày không còn phải xin can, xách nước
Thầy giáo Phùng Thế Tùng chia sẻ, để có nước đủ dùng trong mùa khô, ngoài bể ngầm, bể nổi và các túi chứa nước,… toàn bộ mái nhà đều được thiết kế các máng đặt thu sương hứng nước, nhưng mỗi đêm chỉ được vài trăm lít, chẳng thấm tháp gì so với nhu cầu sử dụng hàng ngày của hàng trăm con người.
Năm nay, ở Tả Gia Khâu rất ít mưa, hiện tại thầy trò đang chật vật đi xách nước. Nhà trường chuyển đổi giờ học thể dục, giáo dục thể chất tại trường thay bằng hoạt động đi bộ xách nước hứng từ khe núi ở thôn vùng thấp, cứ 2 em học sinh thay nhau xách 1 can nhựa 5 lít. Còn thầy cô có xe máy thì chở nước ở điểm xa hơn, cách trường khoảng 6 km.
Mong ước lớn nhất ở ngôi trường này là có thêm nguồn lực tài trợ xây dựng được bể ngầm ngay dưới vườn rau tăng gia. Nhà trường đang tìm cách vận động, kêu gọi các nhà tài trợ giúp đỡ, nếu xây thêm được 1 bể ngầm với dung tích 270 m3, khi ấy sẽ không còn cảnh thầy trò phải đi xin can nhựa, lặn lội xách từng can nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.