Chia 3 nhóm để đấu giá
55 lô đất còn lại ở Thủ Thiêm (cơ bản đã giải phóng mặt bằng, thuộc địa bàn Q.2, TP.HCM), theo báo cáo của Ban Quản lý đầu tư - xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm (BQL Thủ Thiêm) vừa trình UBND TP.HCM, có tổng diện tích khoảng 793.000 m2, tổng nguồn thu dự kiến từ việc khai thác tổng quỹ đất này gần 22.000 tỉ đồng (chưa tròn 1 tỉ USD).
Nếu chia bình quân, mỗi m2 đất ở Thủ Thiêm có giá dự kiến khoảng 27 triệu đồng.
“Đấu giá đất Thủ Thiêm, tổng nguồn thu dự kiến sẽ phải tính lên hàng chục tỉ đô, chứ nếu chỉ tính dự kiến chưa tới 1 tỉ đô từ khai thác quỹ đất Thủ Thiêm, là chưa hợp lý”Ý kiến một nhà đầu tư bất động sản |
Cụ thể hơn, đất Thủ Thiêm được BQL Thủ Thiêm chia thành 3 nhóm, trong đó:
Nhóm 1 đã hoàn tất công tác GPMB và đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, có thể đấu giá quyền sử dụng đất trong quý 4.2019: diện tích hơn 158.000 m2 và nguồn thu dự kiến gần 4.789 tỉ đồng, bình quân khoảng 30 triệu/m2.
Nhóm 2 với diện tích hơn 269.100 m2, nguồn thu dự kiến hơn 8.125 tỉ đồng, bình quân cũng khoảng 30 triệu/m2.
Nhóm 3 (dự kiến sẽ đấu giá trong quý 1.2020 và cuối năm 2020), gồm 23 lô đất với diện tích hơn 365.200 m2, nguồn thu dự kiến hơn 9.012 tỉ đồng, bình quân khoảng 25 triệu/m2.
Tuy nhiên, trong nhóm 3, có lô đất ký hiệu 3-17 diện tích 17.975, nguồn thu dự kiến hơn 197 tỉ đồng, bình quân gần 11 triệu/m2. Lô ký hiệu 5-3 diện tích 1.146 m2, nguồn thu dự kiến hơn 13 tỉ, bình quân hơn 11 triệu đồng/m2.
|
Rẻ… không thể tưởng?
Khi nhìn vào mức giá báo cáo dự kiến thu từ đấu giá như trên, một số nhà đầu tư bất động sản, liền nói: “Rẻ không thể tưởng!”, và mức giá đó hoàn toàn phi thực tế!
Theo khảo sát của PV Thanh Niên, giá thị trường (rao bán công khai) đất đai lân cận Thủ Thiêm rất cao.
Đơn cử, ở khu Thảo Điền (P.Thảo Điền, Q.2) có những vị trí giá khoảng 250 - 260 triệu đồng/m2; đường Lương Định Của (P.An Phú) khoảng 260 triệu đồng/m2; đường Trần Não (P.Bình An) khoảng 300 triệu/m2; khu đô thị An Phú - An Khánh (P.An Phú) giá thấp nhất khoảng 130 triệu đồng/m2, cao nhất khoảng 300 triệu đồng/m2…
Một số ý kiến từ phía giới đầu tư bất động sản “rất ngạc nhiên” trước mức giá dự kiến, tổng thu dự kiến mà BQL Thủ Thiêm báo cáo.
“Nguyên tắc đấu giá là đảm bảo đấu theo giá thị trường. Đất Thủ Thiêm giờ là đất kim cương, quy hoạch bài bản, hiện đại bậc nhất. Với chức năng quy hoạch của Thủ Thiêm, dư địa phát triển ở đây đặc biệt bậc nhất trong tương lai…, sẽ có giá không thể nào thấp hơn, và không thể thấp tới hàng chục lần so với giá đất đai khu vực lân cận như báo cáo”, một nhà đầu tư nêu ý kiến.
Một ý kiến khác cho rằng: “Đấu giá đất Thủ Thiêm, tổng nguồn thu dự kiến sẽ phải tính lên hàng chục tỉ đô, chứ nếu chỉ tính dự kiến chưa tới 1 tỉ đô từ khai thác quỹ đất Thủ Thiêm, là chưa hợp lý”.
|
Căn cứ nào BQL Thủ Thiêm báo cáo?
Theo báo cáo ngày 13.9 của BQL Thủ Thiêm gửi UBND TP.HCM, tổng thu dự kiến gần 22.000 tỉ đồng từ khai thác tổng diện tích khoảng 793.000 m2 đất còn lại của Thủ Thiêm, là “theo giá tạm tính theo giá trị quyền sử dụng đất do các đơn vị tư vấn đề xuất tại thời điểm năm 2016 - 2017”.
Tuy nhiên, cũng trong báo cáo ngày 13.9 của BQL Thủ Thiêm, mức giá đó được Sở Tài chính thống nhất tại công văn số 51/STC-NS-M ngày 20.3.2019.
Trong báo cáo của BQL Thủ Thiêm không hề có nội dung nào đề cập đến diễn biến giá nhà đất thị trường khu vực lân cận.
Bình luận (0)