Dấu hiệu co thắt cơ thật ra là bệnh thận

Ngọc Quý
Ngọc Quý
04/04/2024 00:08 GMT+7

Tập luyện cường độ tập luyện cao, căng thẳng thần kinh, mất nước hoặc thiếu chất đều có thể gây co thắt cơ. Nhưng bên cạnh đó, một số bệnh nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh thận mạn tính, cũng có thể gây co thắt cơ.

Bệnh thận mạn tính là tình trạng mà thận không thể hoạt động bình thường, từ đó làm giảm khả năng lọc máu và loại bỏ chất thải, chất lỏng dư thừa khỏi cơ thể. Hệ quả là làm tăng nồng độ kali, phốt pho trong máu cùng hàng loạt vấn đề sức khỏe khác như thiếu máu, chán ăn, trầm cảm, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Dấu hiệu co thắt cơ thật ra là bệnh thận- Ảnh 1.

Co thắt cơ có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh thận mạn tính

PEXELS

Ngoài ra, sự mất cân bằng của các chất điện giải như canxi, phốt pho sẽ dẫn đến những cơn co thắt cơ bắp. Không những vậy, sự tích tụ chất thải trong cơ thể do quá trình trao đổi chất tạo ra sẽ khiến cơ và dây thần kinh bị tổn thương, dẫn đến co giật, yếu sức, chuột rút và đau cơ.

Người bệnh khi bị co thắt cơ thì cần nghỉ ngơi, giãn cơ nhẹ nhàng và xoa bóp cơ. Các biện pháp như tắm nước ấm, đi giày thoải mái và uống đủ nước có thể giúp giảm đau khi bị co thắt cơ.

Ngoài ra, tình trạng này cũng dẫn đến các triệu chứng khác như cảm giác kim chích trên da, mất cảm giác ở một số vùng trên cơ thể, hội chứng chân không yên và hôn mê. Thế nhưng, trong giai đoạn đầu, người mắc dễ nhầm lẫn các triệu chứng của bệnh thận với những bệnh thông thường khác.

Trong nhiều trường hợp, bệnh thận tiến triển âm thầm qua thời gian. Khi tiến triển đến suy thận giai đoạn cuối, người bệnh mới nhận thấy triệu chứng rõ ràng và đi khám. Đây là nguyên nhân khiến vì sao chỉ khoảng 10% bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính biết được tình trạng bệnh của mình.

Ngoài co thắt cơ, các dấu hiệu cảnh báo bệnh thận còn là cảm giác mệt mỏi kéo dài, da khô, ngứa, khó ngủ, thường xuyên buồn tiểu, nước tiểu có máu, bọng mắt, sưng phù mắt cá chân và bàn chân.

Những người có nguy cơ cao mắc bệnh thận mạn tính là tiền sử gia đình từng có người mắc bệnh, đang gặp các vấn đề sức khỏe như huyết áp cao, tiểu đường, béo phì và bệnh tim. Có rất nhiều phương pháp để giúp chẩn đoán chính xác bệnh thận, chẳng hạn như xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm, chụp MRI, CT hoặc sinh thiết thận.

Không có cách chữa khỏi bệnh thận mạn tính. Tuy nhiên, thay đổi lối sống cùng với uống thuốc, thậm chí là chạy thận có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và cải thiện chất lượng sống. Nếu bệnh thận tiến triển đến giai đoạn 5 thì có thể cần phải ghép thận, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.